Xuân Trường định hướng phát triển đô thị xanh, bền vững
Nhằm quán triệt, cụ thể hóa và triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24-1-2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Chương trình hành động số 19-CTr/TU ngày 28-4-2022 của Tỉnh ủy... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Nhằm quán triệt, cụ thể hóa và triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24-1-2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Chương trình hành động số 19-CTr/TU ngày 28-4-2022 của Tỉnh ủy, huyện Xuân Trường đã xây dựng Chương trình hành động số 15-CTr/HU của huyện với mục tiêu đến năm 2030 huyện có 3 đô thị (1 đô thị loại IV và 2 đô thị loại V); đến năm 2045 toàn huyện có 4 đô thị (1 đô thị loại IV và 3 đô thị loại V).
Huyện định hướng xây dựng, hình thành hoàn chỉnh mạng lưới đô thị trên địa bàn đồng bộ, hiện đại, thông minh, bền vững, phát huy tối đa hiệu quả các dự án đầu tư phát triển tại địa bàn; khai thác sử dụng tiết kiệm hiệu quả các nguồn lực, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu để phát triển đô thị bền vững; tạo môi trường sống chất lượng cao cho dân cư đô thị, bảo đảm lợi ích cộng đồng, hài hòa với lợi ích của Nhà nước và của nhà đầu tư. Trên cơ sở đó, trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, huyện phấn đấu hình thành 3 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại IV là thị trấn Xuân Trường; 2 đô thị loại V là Xuân Ninh, Xuân Hồng. Các đô thị hiện có và đô thị mới có quy hoạch tổng thể, quy hoạch phân khu, chương trình cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và phát triển đô thị. Tỷ lệ đô thị hóa phấn đấu đến năm 2030 đạt 45%; diện tích sàn nhà ở đô thị bình quân đạt 35,7m2/người, nhà ở kiên cố đạt 100%. Tỷ lệ đất giao thông tại các đô thị loại IV, V đạt 11-20% đất xây dựng trở lên; tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đô thị đạt khoảng 5-10% trở lên. Tỷ lệ dân cư được cấp nước sạch tại các đô thị loại V đạt 100%; tiêu chuẩn cấp nước đối với đô thị loại IV, loại V đạt 120 lít/người/ngàyđêm; tỷ lệ thất thoát nước dưới 20%. Tỷ lệ bao phủ của hệ thống thoát nước đạt trên 90% diện tích lưu vực; tỷ lệ thu gom, xử lý nước thải đạt 60-80%, 100% các cơ sở sản xuất mới áp dụng công nghệ sạch hoặc sử dụng các thiết bị giảm ô nhiễm; các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 100%. Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị đạt 100%; 100% chất thải rắn công nghiệp, chất thải rắn y tế nguy hại được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn môi trường. Tỷ lệ chiếu sáng đường phố chính và khu nhà ở, ngõ xóm tại các đô thị loại IV, loại V đạt trên 90% chiều dài các tuyến đường chính và trên 85% chiều dài đường khu nhà ở, ngõ xóm được chiếu sáng. Bình quân đất cây xanh đối với đô thị loại IV, đô thị loại V đạt trên 7m2/người; trong đó đất cây xanh công cộng khu vực nội thị đạt bình quân trên 5m2/người. Đến năm 2045, huyện phấn đấu có 4 đô thị; trong đó thị trấn Xuân Trường là đô thị loại IV; các đô thị: Xuân Ninh, Xuân Hồng, Xuân Đài là đô thị loại V.
Để thực hiện và hoàn thành các mục tiêu quy hoạch, xây dựng, phát triển hệ thống đô thị bền vững, huyện Xuân Trường đã đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó, giải pháp quan trọng nhất là tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng và người đứng đầu cơ quan, đơn vị các cấp trong công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững hệ thống đô thị. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương... cần chủ động xây dựng các phương án, kế hoạch để xây dựng và phát triển đô thị, nâng cao hiệu quả các chỉ tiêu phát triển đô thị. Đồng thời, phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức, đoàn thể và nhân dân trong công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị. Đổi mới tư duy, phương pháp quy hoạch đô thị theo hướng có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại, lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm, văn hóa và văn minh đô thị làm nền tảng phát triển; kết hợp hài hòa giữa quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị với công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng NTM và cơ cấu lại nền kinh tế, quản lý phát triển xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Trong quá trình quy hoạch, xây dựng và phát triển hệ thống đô thị phải bảo đảm đồng bộ, thống nhất giữa các quy hoạch, quy hoạch đô thị, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch có liên quan.
Để phát triển đồng bộ hệ thống đô thị theo hướng hiện đại, bền vững, trong thời gian tới, huyện Xuân Trường tập trung đẩy mạnh phát triển nhà ở, hệ thống hạ tầng đô thị; bố trí nguồn lực và triển khai thực hiện Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Trong đó tập trung triển khai thực hiện các khu dân cư trên địa bàn đã có quy hoạch xây dựng và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện công cụ quản lý hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin để tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng, cải tạo nhà ở phối hợp với quy hoạch đô thị và quy chế quản lý kiến trúc đô thị, tăng cường quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng. Tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng đô thị đến năm 2030, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại. Khuyến khích sử dụng vật liệu xanh, xây dựng và phát triển hạ tầng xanh, công trình xanh, tiêu thụ năng lượng xanh tại các đô thị. Từng bước ngầm hóa toàn bộ các đường dây điện, viễn thông, cáp dịch vụ công cộng tại các đô thị; triển khai đồng bộ, quyết liệt việc phân loại chất thải cần sinh hoạt tại nguồn… Xây dựng và hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và chất lượng cuộc sống đô thị, đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh, an toàn và trật tự đô thị. Chú trọng tạo ra nhiều không gian văn hóa công cộng đồng bộ với xây dựng, phát triển đô thị; việc phát triển đô thị phải coi trọng bảo tồn và tồn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, các công trình kiến trúc…
Huyện Xuân Trường giao Phòng Kinh tế và Hạ tầng chủ trì, phối hợp với các phòng chức năng và UBND các xã, thị trấn tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng phát triển đô thị hóa tại địa phương; đề xuất danh mục điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch chi tiết; chủ động triển khai thực hiện các nội dung phát triển đô thị thuộc trách nhiệm và theo kế hoạch của huyện. Có kế hoạch cụ thể đảm bảo đầu tư có trọng tâm trọng điểm, tiết kiệm tài nguyên, sử dụng hiệu quả nguồn lực; phát triển trên nguyên tắc tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội; giữ được cảnh quan môi trường, bảo tồn tối đa cảnh quan thiên nhiên; phát triển đô thị hóa gắn với phát triển nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái đô thị xanh, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân./.
Bài và ảnh: Thành Trung