Xuân Trường - người liệt sĩ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam

Đồng chí Xuân Trường tên thật là Hoàng Văn Nhủng, dân tộc Tày, sinh ngày 4/11/1909 ở xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng (Cao Bằng). Ông là một trong 34 chiến sĩ đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân; là liệt sĩ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Năm 1936, phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ phát triển, lan rộng đến vùng cao Hà Quảng, Hoàng Văn Nhủng đã hăng hái tham gia hoạt động cách mạng; bị địch bắt giam tra khảo vẫn tỏ rõ khí phách kiên cường, một lòng trung thành với mục tiêu lý tưởng của Đảng.

Giữa năm 1940, Hoàng Văn Nhủng với bí danh Xuân Trường cùng với một số cán bộ tiêu biểu được cử đi học quân sự ở Liễu Châu (Quảng Tây - Trung Quốc); đầu năm 1944, về nước, anh hoạt động chủ yếu từ xã Trường Hà lên vùng Lục Khu - Hà Quảng, anh tích cực vận động xây dựng các đội tự vệ ở xã, góp phần xây dựng đội vũ trang châu Hà Quảng. Với nhiệt huyết đó, ngày 22/12/1944, Xuân Trường là một trong số những đội viên xuất sắc của châu Hà Quảng được đồng chí Văn (sau này là Đại tướng Võ Nguyên Giáp), chọn vào Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Ngay khi mới thành lập đội, Xuân Trường được cấp trên cử giữ chức Tiểu đội trưởng một tiểu đội.

Sau hai trận đánh Phai Khắt, Nà Ngần giành thắng lợi, Tiểu đội do Xuân Trường phụ trách cùng Đội hành quân về Lũng Dẻ, xã Trùng Khuôn, huyện Nguyên Bình - khu Việt Minh Thiện Thuật (nay thuộc xã Trương Lương) tuyển thêm quân để thành lập đại đội đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, bổ sung trang bị vũ khí, hành quân đi đánh đồn Đồng Mu (Bảo Lạc). Đồn Đồng Mu được xây dựng khá kiên cố, địch đóng quân trên một quả đồi cao, nằm giữa cánh đồng. Vì ở gần biên giới Việt - Trung, thường xuyên phải đối phó với bọn thổ phỉ nên địch xây dựng công sự khá vững chắc. Đồn có nhiều lô cốt, tường trình dày với lỗ châu mai, giao thông hào và dây thép gai bọc quanh. Quân địch gồm hơn bốn chục tên khố đỏ do ba tên sĩ quan Pháp chỉ huy” (1). Từ đồn Đồng Mu, thực dân Pháp sẵn sàng đưa quân lính ngăn chặn, đàn áp phong trào cách mạng của nhân dân ta và truy lùng, bắt cán bộ hoạt cách mạng.

Trận công đồn diễn ra vào đêm 04 rạng 05/2/1945 (ngày 22 tháng chạp), quân ta tổ chức thành 3 mũi tấn công vào cả ba cửa. Trận chiến đấu diễn ra ác liệt, địch ngoan cố chống cự, nhưng các chiến sĩ của ta anh dũng chiến đấu giáp la cà quyết liệt với địch. Tiểu đội trưởng Xuân Trường chỉ huy một tổ xung phong đột nhập qua cửa sổ, dùng súng tiểu liên diệt ngay tên đốc gác và một số tên khác. Đạn trong băng hết, anh rút thanh kiếm và khẩu súng ngắn xông vào sở chỉ huy địch. Một số tên địch tiếp tục bị tiêu diệt, quân địch cố thủ ở một lô cốt giữa đồn chống cự quyết liệt. Khi Xuân Trường đang lắp đạn thì bị một viên đạn địch xuyên qua ngực, anh ngã gục xuống, lúc này các tổ viên ở ngoài cũng vào tới nơi. Xuân Trường gượng dậy gọi đồng chí Thế Hậu và nói: “Mình bị đạn rồi, cậu lấy ngay khẩu súng của mình bắn đi”… Rồi Xuân Trường trút hơi thở cuối cùng giữa tiếng súng rền vang. “Cuộc chiến đấu diễn ra từ 11 giờ đêm đến 2 giờ sáng”[2] ngày 05/2/1945. Quân ta đã tiêu diệt 20 tên địch, bắt sống 3 tù binh, thu 5 khẩu súng và nhiều đạn dược. Trong trận chiến đấu này, Tiểu đội trưởng Xuân Trường đã anh dũng hy sinh, khi anh chưa lập gia đình.

Di tích Đồn Đồng Mu, nơi đồng chí Xuân Trường đã anh dũng hy sinh.

Di tích Đồn Đồng Mu, nơi đồng chí Xuân Trường đã anh dũng hy sinh.

Sau khi đồn Đồng Mu bị tấn công, địch bị thiệt hại nặng buộc phải rút chạy, xã Ân Quang được giải phóng. Thể theo nguyện vọng của nhân dân và cán bộ, xã Ân Quang được mang tên mới là xã Xuân Trường để tỏ lòng biết ơn và ghi nhớ công lao của liệt sĩ Xuân Trường.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, để phù hợp với việc lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý điều hành trong tình hình mới, xã Xuân Trường tiếp tục được tách thành 3 xã: Xuân Trường, Khánh Xuân, Phan Thanh. Hòa bình lập lại, xã Xuân Trường được chia tách thành 3 xã mới: Xuân Trường, Đồng Mu, Hồng An. Ngày 10/6/1981, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định số 265/CP về việc hợp nhất hai xã Xuân Trường và Đồng Mu thành một xã mới lấy tên là xã Xuân Trường. Mặc dù địa bàn của xã được tách nhập nhiều lần, nhưng tên gọi Xuân Trường luôn gắn liền với vùng đất người liệt sĩ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng đã anh dũng hy sinh và gắn bó với tình cảm của đồng bào các dân tộc nơi đây.

(1) Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxbctqg, H - 2010, tr 177

[2] Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxbctqg, H - 2010, tr 179

Đinh Ngọc Viện

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/xuan-truong-nguoi-liet-si-dau-tien-cua-quan-doi-nhan-dan-viet-nam-3170658.html