Trưng bày di sản văn hóa, tinh hoa đạo học của Hà Nội tại thành phố Hồ Chí Minh

Ngày 23/8, UBND thành phố Hà Nội phối hợp với UBND thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức khai mạc trưng bày 'Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, di sản cho mai sau' và 'Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Tinh hoa đạo học Việt Nam' tại Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình "Những ngày Hà Nội tại thành phố Hồ Chí Minh" nhân kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 10/10/2024),

Phát biểu khai mạc, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng khẳng định, Thăng Long - Hà Nội là thủ đô ngàn năm văn hiến, nơi hội tụ, kết tinh và lan tỏa các giá trị văn hóa dân tộc Việt Nam. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, mảnh đất địa linh nhân kiệt này đã được bồi đắp, hun đúc nên những giá trị văn hóa đặc sắc của đất kinh kỳ, tỏa sáng mọi miền của Tổ quốc.

Ngày nay, Thăng Long - Hà Nội vẫn lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, những di tích lịch sử văn hóa quý giá, tạo nên bản sắc và nguồn lực sáng tạo cho sự phát triển bền vững của Thủ đô. Chặng đường lịch sử vẻ vang của Thăng Long - Hà Nội là quá trình tiếp nối truyền thống, tạo nên những dấu ấn lịch sử của thủ đô anh hùng, thành phố vì hòa bình, thành phố sáng tạo, qua 70 năm xây dựng và phát triển.

"Vậy nên, thông qua trưng bày nhằm giới thiệu tới đông đảo nhân dân, du khách tham quan tại thành phố Hồ Chí Minh những giá trị văn hóa độc đáo của Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến" - ông Đỗ Đình Hồng nói.

Các đại biểu cắt băng khai mạc

Các đại biểu cắt băng khai mạc

Theo đó, trưng bày "Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, di sản cho mai sau" giới thiệu 150 tài liệu, hình ảnh, hiện vật, gồm 3 chủ đề:

Chủ đề 1 "Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, di sản của nhân loại", giới thiệu dấu mốc quan trọng trở thành di sản thế giới vào năm 2010 của khu di sản và những giá trị nổi bật toàn cầu được UNESCO vinh danh.

Chủ đề 2 "Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, di sản nghìn năm", giới thiệu hệ thống các di tích và di vật tiêu biểu của Hoàng thành Thăng Long trải qua hơn 1.000 năm lịch sử như Kỳ Đài, Đoan Môn, Điện Kính Thiên, Hậu Lâu... trong đó làm nổi bật bộ sưu tập hiện vật rồng, phượng. Đặc biệt, trong chủ đề này giới thiệu về các hiện vật/nhóm hiện vật có thể hiện hình tượng rồng đã được Chính phủ Việt Nam công nhận là Bảo vật Quốc gia. Đây là những dấu tích vật chất minh chứng cho lịch sử hào hùng của Thăng Long- Hà Nội và là những giá trị cốt lõi làm nên bề dày lịch sử của khu di sản nghìn năm tuổi.

Trưng bày "Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, di sản cho mai sau" giới thiệu 150 tài liệu, hình ảnh, hiện vật

Trưng bày "Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, di sản cho mai sau" giới thiệu 150 tài liệu, hình ảnh, hiện vật

Chủ đề 3 "Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, di sản cho mai sau" giới thiệu những kết quả nghiên cứu mới tại khu di sản. Đặc biệt, thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, dựa trên những kết quả nghiên cứu bước đầu, Trung tâm đã từng bước tiến hành phục dựng không gian Chính điện Kính Thiên thời Lê và Lễ Chính đán thời Lê, góp phần từng bước khôi phục không gian, diện mạo của Hoàng thành Thăng Long xưa.

Trưng bày cũng diễn giải làm nổi bật hơn một số hiện vật tiêu biểu thông qua ứng dụng công nghệ 3D, QR Code, đem đến cho du khách những hiểu biết đầy đủ hơn về di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long.

Nếu như Hoàng thành Thăng Long minh chứng cho lịch sử hào hùng của Thăng Long - Hà Nội thì Văn Miếu Quốc Tử Giám là biểu tượng của tinh hoa đạo học, nơi hun đúc truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của dân tộc.

Một số di tích, di vật được trưng bày tại triển lãm

Một số di tích, di vật được trưng bày tại triển lãm

Tại trưng bày "Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tinh hoa đạo học Việt Nam" đã giới thiệu quá trình hình thành, phát triển Văn Miếu - Quốc Tử Giám và hành trình học tập của một Nho sinh theo chế độ giáo dục khoa cử xưa...

Được chọn lọc từ hàng nghìn tư liệu khoa học và tranh ảnh, nội dung trưng bày mang tính điển hình và được thể hiện bằng hình thức phong phú, có giá trị thẩm mỹ cao. Đặc biệt, trưng bày đem tới những trải nghiệm mới mẻ và hấp dẫn cho công chúng tham quan khi kết hợp giữa hình thức trưng bày truyền thống đan xen hài hòa với các giải pháp công nghệ hiện đại như trình chiếu 3D mappping, công nghệ thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo AI...

Thông qua trưng bày, truyền thống hiếu học, tinh thần tôn sư trọng đạo và tư tưởng trọng dụng hiến tài của dân tộc cũng như các danh nhân văn hóa đã cống hiến tâm sức phụng sự đất nước một lần nữa được tôn vinh và ghi dấu ấn trong lòng công chúng, góp phần truyền cảm hứng, nhiệt huyết sáng tạo dựng xây cho thế hệ trẻ ngày nay.

Trưng bày cũng là dịp quảng bá và tôn vinh các giá trị di sản văn hóa của Thăng Long - Hà Nội nói chung và di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám nói riêng đến với đông đảo công chúng trên cả nước.

Ông đồ viết thư pháp tại khu vực trưng bày

Ông đồ viết thư pháp tại khu vực trưng bày

Trong dịp này, tại Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh còn trưng bày phiên bản 2 Trống đồng Cổ Loa, đây là món quà ý nghĩa của thành phố Hà Nội tặng thành phố Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô.

Hiện vật gốc Trống đồng Cổ Loa đang được lưu giữ tại Bảo tàng Hà Nội thuộc loại quý, hiếm của văn hóa Đông Sơn, có niên đại cách ngày nay khoảng 2.500 năm và được Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật Quốc gia tại Quyết định số 2382 của Thủ tướng Chính phủ ngày 25-12-2015.

Trưng bày kéo dài đến hết 31/10/2024 tại Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh./.

N.Linh

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/trung-bay-di-san-van-hoa-tinh-hoa-dao-hoc-cua-ha-noi-tai-thanh-pho-ho-chi-minh-20240823153026806.htm