Xuân về có manh áo mới

Tết xưa, ngày chúng tôi còn bé, được mặc quần áo mới là niềm mong đợi của tất cả những đứa trẻ con. Chỉ cần mới thôi, xấu đẹp không thành vấn đề, vậy mà đôi khi cái mong ước tưởng chừng đơn giản ấy cũng khó để trở thành hiện thực, nhất là với những đứa trẻ con nhà nghèo.

Và hình như ở cái thời đó, người phụ nữ nào cũng biết may vá thì phải. Mẹ của tôi cũng vậy, đa số quần áo của mấy đứa con là do mẹ tự cắt và khâu tay. Tuy nó không được nuột nà như may máy nhưng cũng khá đẹp và đặc biệt đỡ được rất nhiều chi phí.

Mẹ tôi làm việc ở một công ty dịch vụ tổng hợp của nhà nước, trong đó có một xưởng nhuộm vải. Mẹ là người coi kho thuốc nhuộm đồng thời cũng là thợ nhuộm kiêm luôn cả việc nhào, nắm than và nhóm lửa đốt lò. Hồi đó tôi thường hay tha thẩn chơi bên cái sân than của mẹ. Những đống than cám được trộn thêm nước và bùn cho dẻo rồi nắm lại thành từng nắm bằng quả cam to. Và đôi bàn tay mẹ cứ từng ngày mà thô ráp, mà nứt nẻ chằng chịt những vệt chỉ tay đen đúa.

Những ngày giáp tết là những ngày mẹ phải làm việc nhiều gấp mấy lần ngày thường. Thuở ấy, cuộc sống khó khăn hơn bây giờ nên để tiết kiệm chi phí, nhiều người chọn cách nhuộm lại đồ cũ thay vì may quần áo mới để mặc tết. Và qua đôi bàn tay và cái lò lửa thần kỳ của mẹ, những bộ quần áo cũ kỹ ấy đã được phủ lên những sắc màu tươi mới.

Một ngày mấy mẻ nhuộm ra lò, công việc nhiều và khá nặng nhọc nên mẹ thường rất mệt. Cái mệt mỏi làm mẹ dễ cáu giận với con cái vì những chuyện không đâu. Chính vì thế mà tôi luôn mong tết đến thật nhanh để mẹ được nghỉ ngơi và những nhọc nhằn năm cũ sẽ sớm qua đi.

Có một năm, hình như bố mẹ tôi gặp phải vấn đề gì đó về tài chính nên cuộc sống gia đình khá là khó khăn. Chúng tôi tin chắc rằng tết này sẽ không có quần áo mới, buồn thật nhiều nhưng cũng không dám vòi vĩnh gì cả.

Vậy mà như có phép màu, vào một buổi tối cuối năm, mẹ đưa cho hai chị em tôi mỗi đứa một bộ đồ mới. Cái áo hoa rất đẹp với nhiều màu sắc rực rỡ, còn quần bằng vải satin Nam Định đen bóng và mềm mượt vô cùng. Khỏi phải nói tôi vui sướng đến thế nào và lại bắt đầu đếm ngược thời gian mong chờ tết đến để được diện quần áo mới.

Mãi sau này tôi mới biết được rằng mẹ đã phải thức rất nhiều để đêm hoàn thành bộ quần áo ấy. Chiếc áo được can chắp khéo léo từ những mảnh vải vụn mẹ gom nhặt cất để dành từ lâu. Mẹ còn phá cả chiếc quần cưới của mẹ ra để may thành hai chiếc quần be bé cho chị em tôi rồi đem đi nhuộm đen như mới. Có lẽ đó chính là bộ quần áo đẹp nhất trong cuộc đời tôi. Nó đẹp không phải vì chất vải hay màu sắc mà vì có tình yêu thương và sự hy sinh trong từng đường kim mũi chỉ.

Cái tập quán mặc đồ mới trong dịp tết không biết có từ bao giờ nhưng thực sự đó là một nét văn hóa đẹp. Nó cũng là một lý do để người ta quan tâm đến nhau. Khi đi xa về gần, quà để biếu, tặng người thân không có gì hợp lý hơn là manh quần tấm áo. Trẻ con nhận được thì mừng vui hớn hở, người già thì hạnh phúc vì biết mình có con cháu thảo hiền.

Ngày nay, chuyện cái ăn, cái mặc không còn là việc quá khó khăn để thực hiện với đa số mọi người nữa. Các mặt hàng thiết yếu tràn ngập trong siêu thị, chợ búa và trên các sàn giao dịch điện tử. Người ta có thể may sắm quanh năm chứ không cần phải chờ đến tết.

Có lẽ chính vì thế mà nó lại trở nên thiếu thiếu một cái gì đó. Hình như đó là cái cảm giác háo hức mong chờ có được một bộ quần áo mới mỗi khi tết đến, xuân về. Lũ trẻ dường như cũng hờ hững hơn với những thứ mà với chúng tôi ngày xưa là cả một niềm mơ ước.

Nhưng dù thế nào thì tết vẫn cứ đến với vẹn nguyên ý nghĩa thiêng liêng của nó. Là sự khởi đầu cho những dự định tốt đẹp, là những hy vọng cho một năm hạnh phúc, đủ đầy, là niềm vui gia đình sum họp, là gạn đục khơi trong cho tâm hồn mình khoác lên màu áo mới.

NGA NGA CAO

Đống Đa, Hà Nội

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/xuan-ve-co-manh-ao-moi-post724363.html