Xuân về, nhớ Bác!
Mỗi khi Tết đến xuân về, Bác đều dành những lời thơ hay nhất, những lời thăm hỏi ân cần nhất và cả những sự quan tâm thiết thực nhất đối với mọi người dân Việt Nam.
Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, mùa xuân có ý nghĩa đặc biệt đối với đất nước, dân tộc và từng người dân Việt Nam. Vì vậy, mỗi khi Tết đến xuân về, Bác đều dành những lời thơ hay nhất, những lời thăm hỏi ân cần nhất và cả những sự quan tâm thiết thực nhất đối với mọi người dân Việt Nam.
Bác chúc Tết đồng bào bằng những vần thơ
Không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả trên thế giới, có lẽ Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị nguyên thủ duy nhất chúc Tết đồng bào của mình bằng những vần thơ.
Các bài thơ chúc Tết của Bác giản dị, súc tích nhưng có sức lay động lòng người. "Mấy lời thân ái nôm na/ Vừa là kêu gọi, vừa là mừng xuân" ấy đến nay vẫn còn vẹn nguyên giá trị, cho dù Bác đã đi xa. Để mỗi dịp Tết đến xuân về, người dân Việt Nam lại cảm nhận rõ ràng hơn những điều ý nhị sâu xa trong từng lời thơ chân thành, giản dị ấy.
Là người đứng đầu đất nước, nên nội dung trong thơ chúc Tết của Bác luôn mang tính dự báo cao, khẳng định mục tiêu cao cả của cuộc kháng chiến là độc lập, tự do cho dân tộc, là cơm no áo ấm, là hạnh phúc cho mỗi người; thể hiện rõ ràng đường lối cách mạng; bộc lộ sâu sắc lòng yêu nước, yêu dân, tin dân, tin cách mạng, tin vào thắng lợi của dân tộc.
Năm 1947, Bác làm bài thơ “Chúc năm mới Đinh Hợi”, trong đó có câu:
“Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi!
Thống nhất độc lập, nhất định thành công!”.
Tết Giáp Ngọ năm 1954, mặt trận Điện Biên Phủ đang vào giai đoạn quyết liệt để giành toàn thắng. Bác viết bài thơ chúc tết, có đoạn:
“Quân và dân ta nhất trí kết đoàn
Kháng chiến kiến quốc nhất định hoàn toàn thành công”.
Năm 1960 là năm có nhiều sự kiện chính trị đặc biệt. Trong thơ mừng xuân mới, Bác đã mở đầu bằng hai câu thơ:
“Mừng Nhà nước ta 15 xuân xanh
Mừng Đảng chúng ta 30 tuổi trẻ”.
Và xuân năm 1969:
"Năm qua thắng lợi vẻ vang,
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to.
Vì độc lập, vì tự do
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào.
Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào,
Bắc Nam sum họp, Xuân nào vui hơn".
Đó cũng chính là bài thơ chúc Tết cuối cùng của Bác.
Thơ chúc Tết của Bác luôn được nhân dân đón chờ trong đêm Giao thừa đón năm mới. Dù người già hay trẻ, dù công nhân lao động hay cán bộ, chiến sĩ đang ở chiến trường, ai ai cũng thấy ấm lòng, tăng thêm niềm tin khi được nghe giọng nói ấm áp, thiết tha, truyền cảm từ những vần thơ của Người.
Và cả khi Bác không còn nữa thì món quà tinh thần vô giá giữa thời khắc thiêng liêng ấy vẫn luôn là điều gì đó rất thiêng liêng, nghe như tiếng của non nước, tiếng của ngàn xưa vọng lại, nhắc nhở lớp lớp cháu con hôm nay biết trân trọng những giá trị quý báu của độc lập tự do, của đoàn kết, hòa bình!
Dành thời gian thăm hỏi, chia sẻ
Không chỉ gửi thơ chúc Tết đến toàn dân, trong những ngày đầu tiên của năm mới, Bác thường đi thăm, chúc Tết đồng bào, chiến sĩ.
Trước Tết hàng tháng Bác đã nhắc các cơ quan, các ngành, các địa phương chuẩn bị chu đáo cho dân đón Tết; nhắc văn phòng chuẩn bị thiếp "Chúc mừng năm mới" để kịp gửi đến những nơi xa xôi nhất, kể cả bộ đội ở các vùng rừng núi, hải đảo xa xôi và cán bộ công tác ở nước ngoài.
Tết đến, Bác đi thăm hỏi và tặng quà Tết tại các cơ quan, xí nghiệp, công trường, các đơn vị bộ đội, các gia đình lao động…
Bác vẫn thường nói: "Đấu tranh giành được độc lập rồi nhưng chỉ độc lập thực sự khi nhân dân được hưởng ấm no hạnh phúc". Vì quan niệm về độc lập, về sự ấm no hạnh phúc của nhân dân đơn giản nhưng sâu sắc ấy mà kể từ khi nước nhà được khai sinh cho đến khi Bác đi vào cõi vĩnh hằng, gần như năm nào Bác cũng đi chúc Tết, tặng quà và thăm hỏi đồng bào.
Nhiều cuộc gặp gỡ giữa Bác với người dân trong những ngày Tết diễn ra đầy xúc động. Theo sách “Vũ Kỳ-Thư ký Bác Hồ kể chuyện”, tối 30 Tết năm 1946, “Bác lên xe đi thăm một số gia đình nghèo ở Hà Nội. Xe dừng lại ở đầu ngõ Hàng Đũa, phố Sinh Từ... Đẩy cửa vào căn phòng hẹp, có một người nằm đắp chiếu rên trên giường. Tôi ghé vào đầu giường nói: Cụ Hồ đến chúc Tết đó. Không thấy tiếng đáp lại nhưng tiếng rên không to nữa. Tôi sờ tay lên trán chủ nhà, thấy sốt nóng. Bác bảo kéo chiếu lại rồi Bác cháu lặng lẽ ra đi. Trên xe, Bác nói khẽ như nói với chính mình: mai chú nhớ mang thuốc, quà và thiếp chúc Tết tới thăm hỏi”.
Hay, đêm giao thừa Tết Đinh Dậu 1957, Bác đã cùng đón Tết với các gia đình công nhân của Nhà máy điện Yên Phụ. Cả khu lao động như trong ngày hội với hai niềm vui lớn: được đón Tết trong các căn hộ mới và được vinh dự đón Bác đến thăm…
Tết Kỷ Dậu năm 1969, dù sức khỏe giảm sút nhiều, Bác vẫn đặt chương trình đi thăm, chúc Tết nhiều nơi và đi trồng cây. Ngày 16.2.1969 (tức mùng 1 Tết Kỷ Dậu), Bác đi thăm bộ đội Quân chủng Phòng không-Không quân ở Bạch Mai rồi về trồng cây đa ở xã Vật Lại, huyện Ba Vì.
Ngày 26.2.1969 (tức 10.1 âm lịch), tại buổi tiếp đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam ra thăm miền Bắc, Bác nói: “Thưa các cụ, các cô, các chú, trong thư chúc Tết năm nay, tôi có nói là: Tiến lên chiến sĩ đồng bào, Bắc Nam sum họp Xuân nào vui hơn! Trong lúc viết thì như thế, tôi cũng không chắc là câu thơ đó được thực hiện trong năm nay. Hôm nay, bác sĩ Phùng Văn Cung cùng phái đoàn ra đây, đồng bào miền Bắc rất sung sướng. Để mà hoan nghênh phái đoàn miền Nam ruột thịt, thì nói mấy câu, mấy nghìn câu, mấy vạn câu không thể hết được. Tôi xin phép chỉ nói một câu thôi: Bao giờ Nam Bắc một nhà, Việt Nam đại thắng chúng ta vui mừng”.
Và đây là những lời chúc Tết cuối cùng Bác dành cho đồng bào, đồng chí miền Nam trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc…
6 năm sau, năm 1975, đất nước thống nhất, thực hiện trọn vẹn lời chúc của Bác xuân năm 1947 “Thống nhất, độc lập, nhất định thành công”.
Một mùa xuân nữa lại về, Tết lại đến, chúng ta lại nhớ đến những việc làm tràn đầy tình thương yêu của Bác với toàn thể nhân dân, nhớ tới sự chăm sóc ân cần của Người tới mọi thế hệ người Việt Nam. Những hình ảnh ấy, lời nói ấy của Bác sẽ còn sống mãi như những điều kỳ diệu của lòng tin, sự biết ơn, làm nên sức mạnh để chúng ta bước vào một năm mới tràn đầy sức xuân.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/chinh-tri/xuan-ve-nho-bac-159069