Xuân về trên bản làng người Rục
Đã gần 60 năm rời hang đá, về hòa nhập với cộng đồng nhưng người Rục - Minh Hóa ở Quảng Bình còn nặng lòng với cuộc sống hoang sơ, gắn với tự nhiên, nơi rừng sâu, hang đá. Nhờ có các chiến sĩ biên phòng, người Rục nay đã bắt đầu biết trồng lúa nước, biết sử dụng điện thoại, xe máy, rồi điện sáng cũng về trên bản làng.
Chuyện đưa bà con người Rục rời hang
Chuyện xưa kể lại rằng: Trong đại ngàn của núi rừng Trường Sơn hùng vĩ ở Quảng Bình, có đồng bào Rục sinh sống. Họ là tộc người cuối cùng ở Việt Nam rời khỏi hang đá. Năm 1958, họ được bộ đội tìm được và đưa về hòa nhập cùng cộng đồng. Đồng bào người Rục thường ở hang, hay lèn dưới những vòm mái đá lèn hoặc làm trại dưới chân núi, nơi có nước rục hay còn gọi nước trong núi đá vôi hoặc trong lòng đất chảy ra. Vì lẽ đó, các tộc người khác đã gán cho họ cái tên "Rục". Người Rục là bộ phận cư dân tiền Việt Mường hiếm hoi còn lại ở nước ta. Trước khi rời hang đá, người Rục vốn sống tách biệt, cuộc sống hoàn toàn dựa vào tự nhiên nên còn giữ nhiều cách sinh hoạt của người tiền sử, cổ xưa. Người Rục không biết đến sự tồn tại của các tộc người khác, không tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Họ không mặc quần áo, chỉ che thân bằng những tấm vỏ cây sơ sài. Người Rục quen sống và leo trèo cây trên các triền núi cao ngất để săn bắt, hái lượm.
Những ngày cuối năm 2020, khi những ngọn gió Đông quất những cơn gió lạnh như roi vào da thịt, vào lưng chừng núi, vào những ngọn cây. Tiếng gió rít gào vọng vào sâu thẳm của đại ngàn, chúng tôi về cùng đồng bào Rục ở Quảng Bình. Khác xa với hình ảnh chúng tôi nghĩ về một vùng đất, nơi đó có những người rời xa hang đá cuối cùng ở Việt Nam. Trước mắt chúng tôi là những bản làng sạch đẹp, tươm tất, điện đường trường trạm đầy đủ. Và câu chuyện đồng bào nơi đây được lực lượng chức năng hổ trợ từ trồng lúa nước, biết cái chữ, biết làm ăn và nhất là trong đợt lũ vừa qua không ai bị thiếu ăn, thiếu mặc được người dân chia sẻ như một câu chuyện của sự tích và huyền thoại về sự đổi thay của đồng bào Rục giữa đại ngàn của Trường Sơn hùng vĩ.
Hiện tại đồng bào Rục ở Minh Hóa - Quảng Bình có 3 bản: Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ. Đã gần 60 năm, khi cán bộ tìm được trong núi rừng đại ngàn Trường Sơn xa xôi, hùng vĩ họ đã có những bước thay đổi để ổn định cuộc sống, từ điện. đường. trường trạm. Chúng tôi đi trên bản làng của người Rục công thức: điện - đường - trường - trạm đã trở thành hiện thực, với 203 hộ/800 nhân khẩu đều sống trong những ngôi nhà mới. Hầu như các gia đình đều có tivi, nhiều nhà dùng quạt điện, những chiếc chiếc xe máy chạy cả ngày lẫn đêm là phương tiện vận chuyển, trao đổi hàng hóa của đồng bào. Trước đây, khi các bản làng vùng sâu, vùng xa biên giới ở Quảng Bình chưa có điện lưới, đời sống sinh hoạt của người dân gặp nhiều khó khăn. Những năm gần đây, Quảng Bình ưu tiên đầu tư kéo điện đến hầu hết các xã vùng sâu, biên giới, nhờ vậy, đời sống của người dân được cải thiện.
Những thành công ấy là sự cố gắng không biết mệt mỏi từng ngày, từng tháng của cán bộ, chiến sỹ đồn Biên phòng Cà Xèng. Các anh vẫn động viên nhau cố gắng để không phụ lòng tin của người dân, cuối cùng, đất không phụ người, bắt đầu cho chút quả ngọt đầu mùa khi người Rục đã được đi học, đã biết trồng lúa nước.
Cách đây vài năm, mặc dù đã được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư và xây dựng làng bản, nhưng cái bụng và cái tay vốn quen với rừng, cách mà họ cầm dao, rìu, nỏ vẫn thuận tay hơn cầm cuốc, xẻng; bàn chân đi rừng thoăn thoắt và nỗi nhớ rừng vẫn luôn thường trực trong họ. Nhiều người Rục ở Thượng Hóa vẫn chưa quen với cái cuốc, cái cày, bàn chân vẫn chưa quen lội ruộng, cái bụng vẫn chưa quen ăn cơm gạo tẻ khiến họ không ngần ngại quay về rừng.
Ấy vậy mà, chỉ sau một thời gian ngắn, những cánh đồng lúa nước đã mọc lên giữa rừng, người Rục hết đói. Trước ngày được bộ đội phát hiện và đưa ra khỏi hang đá, người Rục chỉ biết hái rau rừng, ăn cây dại. Cuộc sống của họ chỉ đơn thuần với việc săn bắt, hái lượm, chiếm đoạt những vật phẩm có sẵn từ rừng. Trồng trọt với họ là một điều xa lạ, Bộ đội biên phòng phải xuống từng nhà, vận động từng người đi học cách trồng lúa.
Bỏ săn bắt, hái lượm để học trồng lúa nước
Sau khi đưa đồng bào ra khỏi cuộc sống trong hang, bộ đội đã phải phát rẫy, trồng ngô, trồng sắn, làm cho đồng bào xem, chỉ cho mọi người cách chỉa lỗ đất tra hạt. Ruộng rẫy thì rộng nhưng đồng bào sau khi tra hạt xong là để đó mặc cho trời, thú rừng phá hoại, đến mùa chẳng thu được là bao. Năm 2010, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Xèng, cùng các cơ quan chức năng đóng trên địa bàn đã khảo sát địa hình, đi tìm nguồn nước, xóa đói cho người Rục. Từ đó, dự án trồng cây lúa nước dưới chân núi Rục Làn được đưa vào thử nghiệm.
Ban đầu, các chiến sĩ phải làm tất cả mọi công đoạn, sau đó vận động, cầm tay chỉ việc, hướng dẫn bà con từ quy trình đến cách làm giống, gieo mạ, rồi đến thu hoạch. Sau 10 năm triển khai, với hàng ngàn ngày công giúp dân làm lúa nước, đến nay, các chiến sĩ đã giúp cho bà con nơi đây tự làm chủ được lương thực, không còn phụ thuộc vào trợ cấp gạo của Chính phủ hằng tháng như trước đây. Đến hôm nay, gần 10ha đất rừng hoang hóa đã nhường chỗ cho những cánh đồng lúa cho năng suất trung bình 4 tấn/ha, mang ấm no đến cho bản làng người Rục.
Ông Cao Xuân Long, Trưởng bản Mò O Ồ Ồ, cho biết: “Trước đây, bà con dân bản không biết trồng lúa nước, chỉ biết trỉa trên nương rẫy thôi, nhưng nay bà con đã biết làm rồi, cuộc sống ấm no hơn. Bà Liễu ở bản Mò O Ồ Ồ nói: “Chúng tôi vui mừng vì đã trồng được lúa nước. Người dân chúng tôi sẽ không còn đói ăn nữa rồi. Từ nay có gạo, là no cái bụng rồi. Đời cha ông chúng tôi sống trong sống trong hang đá, ăn củ mài, củ sắn, rồi áo quần không có mặc, phải lấy lá cây rừng để che giờ đã có cái cái mặc. Từ nay không lo đói rét nữa.
Anh Phạm Văn Phương, Đồn Trưởng Đồn Biên phòng Cà Xèng cho biết: “Đóng quân trên địa bàn, nhận thấy đời sống đồng bào còn khó khăn nên chúng tôi quyết tâm tìm cách giúp đồng bào thay đổi. "Lúa nước Rục Làn" là một trong những mô hình đã thực sự làm thay đổi nhận thức của đồng bào rõ nét nhất. Câu chuyện về những gian nan, vất vả, rồi địa hình đồi núi, nước ruộng khan hiếm, đặc biệt là hiểu biết của đồng bào về lúa nước còn lạ lẫm khiến những cơ quan chức năng trên địa bàn phải “đau đầu”. Vì đồng bào Rục vốn quen săn bắt hái lượm, giờ làm quen với trồng lúa nước là câu chuyện không phải một sớm một chiều.
Trong câu chuyện cùng chúng tôi, Đồn trưởng Phương bảo: Giờ bà con đã tự giác xuống đồng, cơ bản nắm được quy trình làm lúa nước, biết quý trọng hạt gạo do chính mồ hôi công sức mình bỏ ra, không như trước kia chỉ đợi gạo của Chính phủ cấp về”.
Thời gian qua, những lực lượng đóng trên địa bàn vùng biên giới, không chỉ lực lượng Biên phòng, mà Công an, Hải quan cùng các cơ quan chức năng khác luôn kề vai sát cánh cùng bà bà con các xã vùng biên. Với Hải quan đóng trên địa, bàn luôn có những hoạt động tuyên truyền về chống ma túy, buôn lậu qua biên giới, trao tặng quà cho bà con dân tộc như Bru Vân Kiều, dân tộc Rục.
Câu chuyện ánh sáng vùng biên cũng được nhiều cơ quan chức năng quan tâm. “Ánh sáng vùng biên” tại 3 bản Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ, của đồng bào Rục được thực hiện. Rồi lớp học dành cho bà con, tuy không có kinh phí hoạt động nhưng những lớp học buổi tối cho người Rục ở Thượng Hóa vẫn thường xuyên được đồn Biên phòng Cà Xèng duy trì để dạy chữ.
Lớp học của thầy Lưu vừa mở đã thu hút được 37 học sinh từ 15 đến xấp xỉ 50 tuổi. Lớp học được tổ chức vào các buổi tối, vì ban ngày học sinh còn phải lên rẫy, giờ thì bà con đã biết tính toán làm ăn, đời sống khá hơn trước. Đêm đêm tiếng đánh vần của học sinh cứ vang lên đều đặn giữa núi rừng. Rồi trẻ em ở đây, độ tuổi đến trường đều được đến lớp, không có trẻ bỏ học.
Bà Hoa ở ở bản Yên Hợp nói: “Con em chúng tôi đã được đến trường, được học cái chữ của Bác Hồ, các cháu được học cái chữ sẽ không còn khổ nữa”
Đi trên những bản làng của người Rục, những chiếc xe máy chạy lượt qua, điện thoại cũng được nhiều người sử dụng, trẻ em đã biết cái chữ. Đồng chí, Nguyễn Trung Chính, Chính trị viên Đồn Biên Phòng Cà Xèng nói: Mừng cho đồng bào, 60 năm rời xa hang đá, từ bỏ cuộc sống trong hang đá và ở trên cây, đồng bào Rục ở Quảng Bình đã biết đến cái chữ, đã biết trồng lúa nước, đã biết ánh sáng của văn minh.
Hiện tại đồng bào nơi đây thực hiện tốt đề án "Nâng bước em đến trường", “con nuôi Đồn Biên phòng”, công trình “Ánh sáng vùng biên”, duy trì có hiệu quả mô hình lúa nước tại Rục Làn, mô hình nuôi gà, ngan bán chăn thả. Góp phần xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân, qua đó cũng cố lòng tin với Đảng, Nhà nước, bộ đội biên phòng, xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh. Thêm một niềm vui đối với bà con trong đại ngàn của núi rừng Trường Sơn hùng vĩ, Công ty Oxalic, một trong những công ty du lịch hàng đầu của Quảng Bình đã có những cuộc khảo sát và đang xây dựng tour tuyến đến vùng núi rừng xa xôi, đem án sáng ngày càng văn minh đến bản làng người Rục.