Xuất bản 2024 lập kỷ lục về số lượng nhưng vẫn thiếu chiều sâu nội dung
Đó là nhận định thẳng thắn của ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành trong Hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác xuất bản, in và phát hành xuất bản năm 2025 vừa được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh.
Theo thống kê từ Cục Xuất bản, In và Phát hành, năm 2024, cả nước đã xuất bản 51.443 tựa sách, với tổng số lượng 597 triệu bản in. Tổng doanh thu toàn ngành đạt hơn 4.500 tỉ đồng, tăng 10,3% so với năm trước, trong khi lợi nhuận sau thuế đạt gần 508 tỉ đồng, tăng 11,41%, đây cũng là mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận cao nhất trong vòng ba năm qua.

Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành phát biểu tại Hội nghị.
Đáng chú ý, có 5 nhà xuất bản có doanh thu trên 100 tỷ đồng trong năm 2024, gồm: Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, Nhà Xuất bản Kim Đồng, Tài nguyên - Môi trường và Bản đồ Việt Nam, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam và Nhà Xuất bản Trẻ. Trong đó, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam có doanh thu lớn nhất với hơn 3.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành nhận định, năm 2024 là năm ngành xuất bản Việt Nam đạt số lượng xuất bản phẩm cao nhất từ trước đến nay, với 51.443 tựa sách, vượt mốc 48.000 của năm 2022. Trong tổng số 597 triệu bản được phát hành, hơn 570 triệu là sách in và hơn 20 triệu là sách điện tử.
Tuy nhiên, theo ông Nguyên, đằng sau những con số ấn tượng này vẫn tồn tại nhiều vấn đề đáng lo ngại. Ông thẳng thắn chỉ ra rằng, không ít nhà xuất bản chạy theo số lượng đầu sách mà chưa chú trọng đến chất lượng nội dung. Nhiều ấn phẩm mang tính phổ thông, giá trị tư tưởng thấp, thậm chí "vô bổ" vẫn chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường.
Cũng theo đánh giá của Cục trưởng, mảng sách học thuật, sách khoa học - công nghệ đang sụt giảm, cho thấy sự mất cân đối trong định hướng phát triển. Trong khi đó, sách giáo khoa, giáo trình, sách giáo dục vẫn tiếp tục tăng mạnh. Tình trạng này phản ánh rõ sức mua thị trường xuất bản hiện nay và cho thấy nhiều nhà xuất bản vẫn chậm thích ứng với thay đổi trong nhu cầu và thói quen đọc sách của công chúng.
Tại hội nghị, các đơn vị hoạt động trong ngành xuất bản đã cùng nhau đánh giá toàn diện tình hình xuất bản, in và phát hành năm 2024, đồng thời thảo luận các định hướng trọng tâm cho năm 2025. Trong đó, chuyển đổi số được xác định là một xu hướng tất yếu và đang từng bước định hình lại phương thức vận hành của ngành.
Quá trình chuyển đổi này diễn ra rõ nét nhất ở các hoạt động marketing và phân phối, khi nhiều nhà xuất bản và công ty phát hành đã đẩy mạnh kinh doanh trên các nền tảng trực tuyến. Thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào sách in truyền thống, các đơn vị xuất bản đang chuyển hướng tiếp cận bạn đọc thông qua sách điện tử, từng bước thích nghi với hành vi tiêu dùng và thói quen đọc mới trong thời đại số.

Các kết quả về hoạt động xuất bản được các đại biểu thống kê và thảo luận chi tiết.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh, trong khuôn khổ Tuần lễ sách và chuyển đổi số năm 2024, người dân trên địa bàn đã có cơ hội tiếp cận hơn 3.000 tựa sách điện tử và sách nói. Nhiều đầu sách hiện nay được phổ biến rộng rãi và tích hợp mã QR, giúp độc giả dễ dàng đọc và tra cứu trực tuyến hoàn toàn miễn phí, một bước tiến rõ nét trong hành trình chuyển đổi số của ngành xuất bản.
Tuy nhiên, ông Hồi cũng chỉ ra rằng, quá trình chuyển đổi số dù mang lại nhiều cơ hội, nhưng vẫn còn đối mặt với không ít thách thức. Cụ thể, tình trạng xâm phạm bản quyền vẫn diễn biến phức tạp với nhiều hình thức tinh vi như sao chép, thay đổi định dạng nội dung, đăng tải trái phép trên website hoặc ứng dụng di động dưới danh nghĩa phục vụ miễn phí; thậm chí có nền tảng còn tự ý thay tên người dịch để tránh bị phát hiện. Ngoài ra, sách lậu, sách giả tràn lan trên mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử, cùng hiện tượng livestream đọc sách để tăng tương tác cũng đang đặt ra bài toán cấp bách về quản lý nội dung số và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực xuất bản hiện đại.