Xuất bản không biên giới và sự hợp tác của hai 'ông lớn' Anh, Mỹ
Theo Publishersweekly, xu hướng hợp tác xuyên Đại Tây Dương của ngành xuất bản Anh và Mỹ có thể mang lại thành công chung cho hai bên.
Cùng sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ chung, ngành xuất bản Mỹ và Anh đã có mối quan hệ lâu đời, hầu hết công ty xuất bản hàng đầu thế giới, dù là tập đoàn lớn hay nhà xuất bản độc lập nhỏ hơn, đều có hoạt động ở cả hai quốc gia này. Và thay vì dấn sâu vào cuộc cạnh tranh lẫn nhau, ngành xuất bản hai nước thường có mối quan hệ cộng sinh và cùng hỗ trợ nhau.
Phát triển mô hình hoạt động chung
Như trong trường hợp kinh doanh sách, chuỗi cửa hàng sách lớn nhất nước Mỹ, Barnes & Noble, hiện được điều hành bởi một người Anh là James Daunt. Ông Daunt cũng đang điều hành chuỗi hiệu sách thống trị ở Anh, Waterstones, cùng một chuỗi hiệu sách độc lập nhỏ khác ở London. Ông Daunt đã đưa triết lý bán sách đường phố cao cấp của Vương quốc Anh đến Mỹ, thực hiện phong cách thiết kế sách rõ ràng hơn, quản lý chặt chẽ hơn và các chương trình khuyến mãi khuyến khích mua nhiều.
Còn ở Vương quốc Anh, các nhà bán sách độc lập đã phát triển mạnh, một phần nhờ áp dụng chiến lược tiếp thị khuyến khích độc giả ủng hộ hoạt động kinh doanh địa phương được Hiệp hội các nhà bán sách Mỹ giới thiệu cho họ. Và Mỹ cũng đã mở rộng hoạt động của nền tảng Bookshop.org, hiệu sách trực tuyến đầu tiên có thể cạnh tranh được với Amazon, tới Vương quốc Anh.
Cũng đã có sự lan tỏa lành mạnh các cuốn sách bán chạy nhất giữa hai nước. Lấy nhà xuất bản Bloomsbury làm ví dụ: Khi họ xuất bản cuốn Harry Potter and the Philosopher’s Stone, họ đã bán bản quyền tại Mỹ cho Scholastic và đưa tên tuổi của loạt truyện này thành công hơn nữa.
Ngày nay, Bloomsbury đã thành lập chi nhánh của riêng mình ở Mỹ, có một loạt thành công ở cả hai bờ Đại Tây Dương. Các tác phẩm đáng chú ý họ ra mắt ở Mỹ là bộ truyện Heartstopper của nhà văn người Anh Alice Oseman và tiểu thuyết lãng mạn của tác giả người Mỹ Sarah J. Maas. Vào cuối tháng 1, cuốn tiểu thuyết mới nhất của Maas, House of Flame and Shadow, đã đạt vị trí số 1 trên Amazon ở Mỹ và Anh, cũng như ở Australia, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Thụy Điển.
Kathleen Farrar, CEO nhóm bán hàng và tiếp thị tại Bloomsbury ở London, nói rằng thành công của Maas không đến chỉ sau một đêm mà là kết quả của sự hợp tác lâu dài. Farrar lưu ý: “Phải mất hơn 10 năm làm việc chặt chẽ giữa các văn phòng toàn cầu, triển khai một chiến dịch phát triển lớn trên toàn thế giới, từ năm này qua năm khác. Và với sự mở rộng toàn cầu hóa của các phương tiện truyền thông xã hội, chúng tôi biết rằng độc giả có thể khám phá sách cùng một lúc trên khắp các thị trường”.
Sự phối hợp này cũng giúp đưa bộ truyện Children of Blood and Bone của Tomi Adeyemi trở thành cuốn sách bán chạy nhất ở Mỹ và Anh đối với nhà xuất bản Macmillan.
Belinda Rasmussen, CEO Macmillan Children's Books tại chi nhánh Pan Macmillan ở Anh, cho biết: “Có các cuộc họp tiến độ hàng tuần, chiến lược tiếp thị chung và phương pháp quảng bá trực tuyến toàn cầu. Luôn có nhiều cơ hội cho sự hợp tác xuyên Đại Tây Dương. Có lẽ đã qua rồi cái thời mà các nhà xuất bản dành cho trẻ em nghĩ rằng một nội dung đó quá Mỹ nên khó xuất bản ở Anh. Các biên tập viên của chúng tôi có toàn quyền tự do tiếp cận mọi bản thảo từ mọi tác giả họ muốn”.
Xuất bản không biên giới
Hiện tại, các nhà đại diện văn học thường muốn phân chia quyền sở hữu bản quyền theo quốc gia, lãnh thổ càng nhiều càng tốt để tăng được giá trị cho tác phẩm. Tuy nhiên, các nhà xuất bản đa quốc gia thường muốn mua bản quyền tiếng Anh trên toàn thế giới để dễ dàng hơn trong việc xuất bản và tăng doanh thu. Quy trình mua lại quyền sở hữu và chia sẻ bản quyền này sẽ khác nhau tùy theo công ty.
Ví dụ, tại Simon & Schuster, văn phòng tại Mỹ và Anh đều sẽ có quyền lợi khi một trong hai giành được bản quyền tiếng Anh trên toàn thế giới của một tác phẩm nào đó. Trong trường hợp cả hai văn phòng đều quan tâm tới một bản thảo và có nguy cơ bị đối thủ cạnh tranh trả giá cao hơn, hai bên đôi khi cùng hỗ trợ nhau.
“Trong nhiều trường hợp, văn phòng ở Mỹ và Vương quốc Anh có thể chia sẻ chi phí bản quyền để có thể giành được bản quyền xuất bản bằng tiếng Anh trên toàn cầu hoặc thậm chí tốt hơn là bản quyền xuất bản bằng mọi ngôn ngữ trên thế giới”, theo bà Suzanne Baboneau, Giám đốc điều hành mảng xuất bản tác phẩm người lớn tại chi nhánh Simon & Schuster Vương quốc Anh.
Tình huống tại nhà xuất bản khác như Pan Macmillan hay Bonnier cũng tương tự. Perminder Mann, Giám đốc điều hành của chi nhánh Bonnier Vương quốc Anh nói: “Có nhiều trường hợp sách được bán bản quyền cho một nhà xuất bản Bắc Mỹ hoặc ở Anh, nhưng sau đó được xuất bản đồng thời ở cả 2 bên.
Điều này đòi hỏi sự cộng tác cực kỳ chặt chẽ giữa các ban biên tập, bộ phận tiếp thị và quảng bá. Trong thời đại truyền thông xã hội và tiếp thị kỹ thuật số, việc ra mắt đồng thời một cuốn sách tại nơi rất hiệu quả”.
Juliet Mabey, đồng sáng lập nhà xuất bản Oneworld, Vương quốc Anh, cho biết: “Mạng lưới các nhà xuất bản Bắc Mỹ và Anh là một yếu tố quan trọng của phân khúc xuất bản tác phẩm tiếng Anh toàn cầu. Tôi thấy việc hợp tác chặt chẽ với các biên tập viên Mỹ rất có lợi và các cuộc thảo luận qua email của chúng tôi thường được gửi tới tác giả, đôi khi cả người đại diện của tác giả. Tôi cũng không chỉ chia sẻ các lưu ý về biên tập với các biên tập viên mà còn thường xuyên thảo luận về việc quảng bá, kế hoạch tiếp thị và các sự kiện quan trọng, ngoài ra còn chia sẻ các xác nhận và đánh giá mới”.
Các nhà xuất bản Mỹ hoạt động trong lĩnh vực mua bán bản quyền thường tới London để dự Hội chợ sách London, trong khi các nhà xuất bản ở Anh thường xuyên lên kế hoạch cho các chuyến đi đến Thành phố New York, thường là vào tháng 9, để ký kết các giao dịch trước Hội chợ sách Frankfurt vào tháng 10.
Valentina Rice, Phó chủ tịch phụ trách bán hàng và tiếp thị tại nhà xuất bản Bloomsbury Mỹ, nói: “Một tác phẩm thành công ở Anh có thể sớm thành công ở Mỹ và ngược lại”.