Xuất hiện các 'chi tiết lạ' ở công trình cảng Bến Đình, nhà thầu nói gì?
Trước thời điểm đưa vào hoạt động thử nghiệm, cảng Bến Đình (tỉnh Quảng Ngãi) xuất hiện các vết hoen gỉ, ván khuôn ăn dính vào bê tông trụ, dầm.
Ngày 2/6, trực tiếp có mặt tại công trình cảng Bến Đình (huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), PV ghi nhận các hạng mục chính như công trình nhà điều hành, cầu cảng đã hoàn thành, những hư hỏng sau cơn bão số 9 năm 2020 đã được khắc phục xong.
Đi dọc công trình cầu cảng, PV ghi nhận khu vực đáy bản bê tông sàn, dầm xuất hiện các vệt màu đỏ, hoen gỉ. Ở khu vực kết cấu hạ bộ cầu cảng, tại một số điểm trụ và sàn dầm, bản sàn còn nhiều ván khuôn còn dính, ăn vào bề mặt bê tông. Một số vị trí đáy sàn bê tông cầu cảng xuất hiện vết thấm, ẩm ướt.
Trước những hình ảnh này, nhiều ý kiến nghi ngờ về chất lượng thi công công trình, độ an toàn của công trình khi được đưa vào khai thác, sử dụng.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Phan Tiến Hòe, Phó Giám đốc Công ty Công trình thủy Hà Nội cho biết: Trong quá trình thi công kết cấu dầm cầu cảng có một số vị trí ván khuôn dắt kẹt vào giữa dầm và cọc, vị trí khó thi công, tháo gỡ, nhân công sơ ý bỏ sót lại. Việc này không ảnh hưởng đến kết cấu chung giữa dầm, bản, trụ cọc. Tuy nhiên, để đảm bảo thẩm mỹ chúng tôi sẽ có biện pháp khắc phục, tháo gỡ.
"Hiện nay xuất hiện các vết màu đỏ, hoen gỉ trên bề mặt dầm, sàn, trụ cọc là sự hoen gỉ đầu sắt thi công giằng giữa 2 ván khuôn. Khi thi công, các giằng ván khuôn được luồn trong các ống nhựa nằm hoàn toàn trong bê tông, nhưng không dính vào kết cấu sắt chính của trụ cọc, sàn, dầm. Sau quá trình thi công, nhân công đã cắt các thanh sắt giằng và trát vữa, nhưng sau gần 4 năm thi công cho đến nay lớp vữa trát bị bong bật, ăn mòn khiến xuất hiện các vết hoen gỉ. Về cơ bản, những vết hoen gỉ này không ảnh hưởng đến bê tông, kết cấu dầm, sàn", ông Hòe thông tin.
"Thông thường, đối với các hiện tượng thấm, nứt tại các kết cấu công trình đều xử lý được. Đối với các vết nứt, thì thực hiện biện pháp khoan lỗ dọc theo vết nứt, dùng epoxy hoặc sikadur hoặc vật liệu tương tự bơm dưới áp lực cao để chèn toàn bộ khe nứt sâu bên trong. Đối với các tấm gỗ còn trong bê tông, thì tiến hành đục lấy ra, đóng ván khuôn và bơm sikagrout vào. Tuy nhiên, để có biện pháp khắc phục bài bản thì nên thực hiện kiểm định, giám định để có thông số kỹ thuật và đưa ra biện pháp kỹ càng cho từng vị trí lỗi", ông Nguyễn Hoàng Ngân, một chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng tại TP. Hồ Chí Minh chia sẻ.
Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi (chủ đầu tư), sau khi nhận được thông tin về các "khuyết tật" trên công trình cầu cảng Bến Đình, Ban đã cùng với các đơn vị, nhà thầu thi công đến hiện trường kiểm tra, xác minh, đánh giá một cách cụ thể.
Ông Phạm Ngọc Thủy, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Ngãi (đơn vị quản lý, sử dụng và khai thác cảng Bến Đình) thông tin: Sau khi trực tiếp kiểm tra hiện trường cảng Bến Đình, Sở GTVT tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu thi công rà soát các vị trí hạng mục công trình còn thiếu sót và khẩn trương khắc phục xong trước ngày 20/6, để đảm bảo thời gian đưa cảng Bến Đình vào hoạt động thử nghiệm.
Trước đó, ngày 18/5, để thực hiện khai thác thử nghiệm cảng Bến Đình (huyện Lý Sơn), Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi khẩn trương khắc phục các tồn tại tại cảng Bến Đình. Đồng thời hoàn thiện đầy đủ thủ tục, hồ sơ liên quan để bàn giao công trình cảng Bến Đình cho Sở GTVT tỉnh Quảng Ngãi. Thời gian hoàn thành các công việc này trước ngày 30/5/2022, để tổ chức khai thác thử nghiệm cảng Bến Đình trước ngày 30/6/2022.
Dự án công trình cảng Bến Đình có hình chữ L, dài 240m, bao gồm các hạng mục chính: Bến cập tàu dài 87m, cầu dẫn dài 153m, kè bảo vệ bờ dài hơn 498m, diện tích khu lấn biển 4,8ha, khu vực cảng 3,1ha; nhà ga rộng 1.000m2, nhà làm việc 250m2...Tổng mức đầu tư công trình cảng Bến Đình hơn 256 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương và địa phương.
Theo chủ đầu tư, sau khi hoàn thành đưa vào khai thác, cảng Bến Đình sẽ trở thành khu trung tâm vận tải hành khách và hàng hóa, có thể tiếp nhận cùng lúc 1 tàu có trọng tải 2.000 tấn, 1 tàu trọng tải 1.000 tấn, một tàu khách công suất 400 ghế, đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân cùng khách du lịch trong nước và quốc tế.
>>> Một số hình ảnh về công trình cảng Bến Đình trước ngày đưa vào hoạt động thử nghiệm (30/6/2022):