Xuất hiện hai ổ dịch, nhiều người bị chó dại cắn
Huyện vùng cao Quan Hóa, Thanh Hóa ghi nhận hai ổ dịch sau khi nhiều người dân bị chó dại cắn. Hiện địa phương này đang chỉ đạo, triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch.
Thông tin từ UBND huyện Quan Hóa, Thanh Hóa cho biết, từ ngày 16/3 đến nay, trên địa bàn thị trấn Hồi Xuân xuất hiện 3 con chó nghi mắc bệnh dại đã cắn nhiều người. Trong đó, 1 con chó đã cắn 4 người, hiện chưa tìm được; 1 con cắn 2 người đã bị người dân đánh chết và tiêu hủy; 1 con chạy điên cuồng, bị người dân đập chết, lấy mẫu gửi xét nghiệm bệnh dại và tiêu hủy. Hiện đã có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh dại động vật.
Sau khi xảy ra sự việc, Trung tâm Y tế huyện Quan Hóa đã thực hiện tiêm phòng cho 6 người liên quan trực tiếp đến con chó nghi dại cắn ngày 16-17/3 và 3 trường hợp là chó, mèo khác cắn.
Bà Hà Thị Nga, Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa cho biết, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện đã có 6 người bị chó cắn và 3 người tiếp xúc với mầm bệnh dại, đều đã được tiêm phòng vaccine phòng dại, huyết thanh kháng dại.
Hiện Chủ tịch UBND huyện đã ban hành quyết định công bố dịch 2 địa bàn là thị trấn Hồi Xuân và xã Phú Nghiêm. Đồng thời, huyện đang chỉ đạo, quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn.
Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, việc xuất hiện dịch bệnh dại ở đàn chó trên địa bàn huyện Quan Hóa có nguyên nhân do việc thống kê đàn chó không đúng với thực tế, dẫn đến việc tiêm phòng vaccine dại cho đàn chó đạt tỷ lệ thấp. Tính đến thời điểm ngày 26/3 vừa qua, tổng đàn chó, mèo của địa phương này đã có hơn 6.500 con, tăng lên khoảng 3.000 con so với năm 2023.
Hiện huyện Quan Hóa yêu cầu các xã phải rà soát, thống kê chính xác tổng đàn chó, mèo trên địa bàn để tổ chức tiêm phòng đạt hiệu quả cao. Nếu xã nào không rà soát, thống kê chính xác số tổng đàn chó, mèo để tiêm phòng phòng chống dịch, thì Chủ tịch UBND xã phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện.
Theo bà Hà Thị Nga, sau khi phát hiện hai ổ dịch huyện đã thực hiện tiêu hủy 30 con chó mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chó bị chó dại cắn, tiếp xúc với chó mắc bệnh, chó chạy rông trong vùng dịch... đồng thời tiến hành các biện pháp tiêu độc khử trùng môi trường; tiêm phòng bao vây bằng vaccine dại cho toàn bộ đàn chó, mèo trên địa bàn vùng dịch và vùng bị uy hiếp.
"Chúng tôi đã thành lập 3 chốt kiểm soát dịch bệnh, để kiểm soát vận chuyển, buôn bán trên địa bàn. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thanh Hóa đang phối hợp với địa phương triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định", bà Nga cho biết.
Biện pháp để phòng tránh bệnh dại:
Tiêm phòng dại cho chó, mèo định kỳ hàng năm.
Khi có vết thương hở tránh tiếp xúc với nước bọt của chó, mèo.
Khi bị chó mèo cắn cần sơ cứu, vệ sinh vết thương bằng xà phòng dưới vòi nước sạch trong vòng 15 phút để rửa trôi virus. Sau đó tiếp tục sát trùng vết thương với cồn 45-70%, cồn iod hoặc povidone – iodine (nếu có) và đến cơ sở y tế để được khám và tiêm phòng.
Vết thương bị động vật nghi dại cắn không nên khâu kín, băng bó hay, bôi thuốc kín.
Tuân thủ các biện pháp dự phòng để có hiệu quả tốt nhất. Đặc biệt lưu ý với những vết cắn vào các vùng nguy hiểm như đầu, mặt, cổ.
Dự phòng dại bằng huyết thanh và vaccine phòng dại là giải pháp duy nhất và hiệu quả nhất để bảo vệ tính mạng của người bệnh bị phơi nhiễm.