Xuất hiện tình trạng 'đơ' lệnh trên sàn HoSE, VN-Index rơi sâu, cổ phiếu đầu cơ 'quay ngoắt'
Chứng khoán Việt Nam rơi sâu nhất trong các thị trường chứng khoán châu Á đầu tuần. Lợi suất trái phiếu Mỹ leo lên cao nhất từ tháng 1/2020 trước thềm công bố lạm phát Mỹ vào thứ 4 này.
Đảo chiều, VN-Index về sát mốc 1.500 điểm
Mở cửa đầu tuần mới, các chỉ số ban đầu giao dịch khá giằng co nhưng bất ngờ “tụt áp” lúc 13h15. VN-Index đóng cửa ở mức thấp nhất trong phiên, với 1.503,71 điểm, giảm 24,77 điểm (-1,62%) so với phiên liền trước. HNX-Index giảm 10,95 điểm (-2,22%) xuống 482,89 điểm. UPCoM-Index giảm 1,3 điểm (-1,12%) xuống 114,3 điểm.
Mức rơi 1,62% của VN-Index khiến Việt Nam trở thành thị trường chứng khoán giao dịch tiêu cực nhất trong các thị trường châu Á. Khá nhiều thị trường vẫn đóng cửa trong sắc xanh như thị trường Đài Loan, Thượng Hải, Hồng Kông, Ấn Độ hay một số thị trường Đông Nam Á.
Chứng khoán Việt Nam đảo chiều rơi sâu từ phiên chiều
Theo chuyên gia phân tích từ Chứng khoán KB, diễn biến tăng của lợi suất trái phiếu Mỹ trong bối cảnh số liệu lạm phát của Mỹ sẽ được công bố vào thứ 4 tuần này là một trong các nguyên nhân làm dấy lên lo ngại của nhà đầu tư. Lợi tức trên trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm mở đầu tuần mới tăng lên 1,79%, mức cao nhất kể từ tháng 1 năm 2020.
Các nhà đầu tư đặt cược rằng Fed sẽ phải thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn dự đoán ban đầu, sau biên bản của FOMC công bố vào tuần trước. Trong khi đó, dữ liệu CPI mới của Mỹ sẽ được công bố vào thứ Tư và bài phát biểu của một số quan chức Fed sẽ cung cấp thêm manh mối về thời điểm tăng lãi suất của Fed. Sự thận trọng cũng được thấy ở một số thị trường chứng khoán như Nhật Bản, Hàn Quốc nhưng chỉ số các sàn này chỉ giảm khá nhẹ, dưới 1%.
Tuy nhiên, cú rơi hôm nay diễn ra sau một quãng đi lên tương đối dài của chứng khoán Việt Nam tuần trước. UPCoM-Index trước đó đã tăng liên tiếp 10 phiên, HNX-Index cũng đã tăng phiên thứ 6 liên tiếp.
Không ít cổ phiếu tác động tiêu cực đến VN-Index phiên hôm nay cũng là cổ phiếu đóng góp nhiều điểm tăng nhất tuần trước như GAS, BCM, POW, DIG. Cổ phiếu GAS là đầu tàu kéo chỉ số tăng điểm trong khi tuần trước nằm trong top 3 kéo chỉ số tăng điểm. BCM và POW giảm kịch biên độ.
Bất ngờ FLC, qua thời "bạo phát"?
Sắc đỏ bao trùm thị trường. Toàn sàn có 541 mã giảm, 33 mã giảm sàn; trong khi chỉ có 345 mã tăng và 78 mã tăng kịch trần. Đại đa số các ngành đều giao dịch tiêu cực, nhất là nhóm chứng khoán với đa phần các mã cổ phiếu giảm trên 4%.
Thị trường xuất hiện vài điểm sáng lẻ loi như bộ đôi HAG - HNG tăng kịch biên độ; QCG có phiên tăng trần thứ 5 liên tiếp. Trong khi đó, CII sau quãng tăng 2,8 lần sau 3 tháng đã đảo chiều giảm sàn. Thông tin tiêu cực từ kế hoạch bán 44 triệu cổ phiếu quỹ cùng đà giảm chung của thị trường đã kéo cổ phiếu kịch biên độ.
Kịch tính hơn, cổ phiếu FLC từng có thời điểm chạm trần phiên sáng nhưng “quay ngoắt” chạm sàn và đóng cửa giảm 6,42%. Đã có 13% lệnh đặt trong phiên ở mức giá trần. Đà tăng mạnh của cổ phiếu FLC, đặc biệt từ đầu tháng 12/2021 khiến dòng tiền ngày càng quan tâm cổ phiếu này. Tại phiên biến động hôm nay, khối lượng giao dịch cổ phiếu FLC đã xác lập kỷ lục mới với 134,96 triệu cổ phiếu được sang tay. Giá trị giao dịch đạt 2.483 tỷ đồng, cao nhất trong lịch sử giao dịch của FLC. GEX tiếp tục giữ được mức thanh khoản trên nghìn tỷ đồng (1.204 tỷ đồng) và là cổ phiếu có giá trị giao dịch bình quân 10 ngày cao nhất trên ba sàn. Một số cổ phiếu giảm kịch sàn cũng ghi nhận mức thanh khoản cao như CII, ROS.
Tổng giá trị giao dịch trên ba sàn vọt lên 50.120 tỷ đồng. Thanh khoản thị trường đã leo lên mức rất cao so với bình quân thời gian gần đây. Tổng giá trị khớp lệnh đạt 47.345 tỷ đồng, tăng 33% so với phiên trước. Tuy nhiên, đáng chú ý, trong phiên giao dịch chiều 10/1/2022 đã xuất hiện sự cố mất ổn định tạm thời của hệ thống Gateway (hệ thống trả thông tin thị trường về cho các công ty chứng khoán) tại sàn HoSE.
Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu giao Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX) chỉ đạo các công ty thành viên khẩn trương báo cáo lãnh đạo Bộ tình hình, làm rõ nguyên nhân xảy ra sự cố nêu trên ngay trong ngày 10/1/2022. Đồng thời, Bộ trưởng giao HoSE khẩn trương làm việc với các công ty công nghệ thông tin để áp dụng các biện pháp kỹ thuật, phương án dự phòng nhằm khắc phục triệt để tình trạng và khẩn trương nâng cấp, tăng cường năng lực tổng thể của hệ thống giao dịch. Trước đó, tại phiên đầu tiên của năm mới 2022, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng cho biết số lệnh giao dịch đã tăng lên 2,5 triệu lệnh, tiến sát năng lực xử lý 3 triệu lệnh.