Xuất khẩu 6 tháng cuối năm: Cơ hội lội ngược dòng
Trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023 giảm. Tuy nhiên, xuất khẩu nông sản vẫn tiếp tục tăng trưởng. Đó cũng chính là cơ sở để tạo đà cho xuất khẩu những tháng còn lại của năm nay.
Thông tin từ Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm giảm 12,1% so với cùng kỳ; xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường chủ lực đều giảm so với cùng kỳ năm trước, như: thị trường Hoa Kỳ giảm 22,6%, EU giảm 10,1%; Trung Quốc giảm 2,2%; Hàn Quốc giảm 10,2%; Nhật Bản giảm 3,3%; ASEAN giảm 8,7%.
Những điểm sáng xuất khẩu
Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo đều giảm, trong đó có những mặt hàng xuất khẩu chủ lực, như dệt may giảm 15,3%; giày dép các loại giảm 15,2%; điện thoại các loại và linh kiện giảm 17,9%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 28,8%, phân bón các loại giảm 45,6%.
Tuy nhiên trong 6 tháng vừa qua, cả nước có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 57,8% tổng kim ngạch xuất khẩu chung. Như vậy, với kết quả xuất khẩu đạt gần 165 tỷ USD đã giúp lĩnh vực này phục hồi 87,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Thông tin từ Tổng cục Thống kê cũng cho biết, trong 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 316,7 tỷ USD, giảm 15,2% so cùng kỳ. Tuy nhiên tăng trưởng của 6 tháng những năm trước đều đạt rất cao (năm 2022 tăng 17%; năm 2021 tăng 33,1%). Nếu so sánh về quy mô thì 6 tháng năm 2023 đạt tương đương với quy mô của 6 tháng năm 2021 (tổng kim ngạch bằng 99,3%. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa bằng 103,7%; nhập khẩu hàng hóa bằng 94,9%). Do vậy, kết quả tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm vẫn được đánh giá là điểm sáng trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm.
Thực tế trong bức tranh xuất khẩu 6 tháng đầu năm, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vẫn có sự tăng trưởng. Gạo là một trong những điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu nửa đầu năm nay. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, hiện giá nhiều loại gạo của Việt Nam vẫn duy trì mức cao hơn Thái Lan, Ấn Độ. Cụ thể, giá gạo 5% tấm của Việt Nam những tuần đầu tháng 6/2023 đạt khoảng 498 USD/tấn, trong khi giá gạo của Thái Lan và Ấn Độ lần lượt là 492 USD/tấn và 453 USD/tấn. Gạo 25% tấm của Việt Nam cũng ghi nhận mức giá 478 USD/tấn, cao hơn Thái Lan khoảng 10 USD/tấn, cao hơn Ấn Độ khoảng 50 USD/tấn.
Chủ động nắm bắt cơ hội
Mặc dù có những tín hiệu tích cực song theo các chuyên gia từ nay tới cuối năm, nền kinh tế thế giới giảm cầu; trong khi các chi phí đầu vào phục vụ sản xuất kinh doanh tăng cao. Với xu hướng biến động ngày càng phức tạp, khó lường, khó khăn có thể kéo dài đến hết năm 2023, thậm chí đến năm 2024.
Các chuyên gia dự báo, xuất nhập khẩu sẽ còn gặp nhiều trở ngại. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, việc khơi mở đúng thị trường có nhu cầu nhập khẩu và tập trung xúc tiến thương mại nhóm ngành hàng đáp ứng thị hiếu tiêu dùng sẽ góp phần quan trọng để gia tăng xuất khẩu; đặc biệt là nông sản, thực phẩm chế biến. Riêng về ngành hàng tôm, khối lượng nhập khẩu tôm của thị trường Mỹ từ Việt Nam ghi nhận 3 tháng liên tục tăng, tháng sau cao hơn tháng trước đó, từ 2.423 tấn trong tháng 2/2023, đạt 2.845 tấn trong tháng 3 và tăng lên 3.665 tấn trong tháng 4. Nếu xu hướng này tiếp tục thì thị trường Mỹ được nhận định sẽ có thể phục hồi sớm từ tháng 7 này.
Theo Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Đỗ Nhất Hoàng, gần đây nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đã đến tìm hiểu cơ hội đầu tư và hướng tới những dự án quy mô lớn tại Việt Nam. Cơ quan chức năng cũng đánh giá, thu hút vốn đầu tư nước ngoài sẽ cải thiện mạnh trong thời gian tới, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm cũng như góp phần an sinh xã hội.
Nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6% so với năm 2022, kim ngạch xuất khẩu năm 2023 dự kiến đạt 393-394 tỷ USD, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, bên cạnh việc khai thác thêm các thị trường mới, Bộ Công thương sẽ đẩy mạnh khai thác hiệu quả các FTA. Cùng đó, tạo thuận lợi, tăng cường chuyển đổi số trong việc cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) ưu đãi nhằm hỗ trợ DN tận dụng cam kết trong các Hiệp định FTA. Ngoài ra, Bộ Công thương sẽ thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, qua đó giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; đẩy mạnh phát triển xuất nhập khẩu thông qua hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới.
Đặc biệt, Bộ sẽ tổ chức các Hội nghị giao ban định kỳ hàng tháng giữa các cơ quan của bộ, hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và các bộ, ngành liên quan. Điều này nhằm kịp thời cập nhật cho doanh nghiệp, hiệp hội về thông tin, nhu cầu, cũng như các quy định mới của thị trường hướng tới đẩy mạnh xuất khẩu.
Cần tận dụng tốt các hiệp định thương mại
Theo ông Nguyễn Việt Phong - Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ, trong bối cảnh đang phải đối mặt với lạm phát, các giải pháp thúc đẩy hoạt động xuất khẩu trong thời gian tới cần làm là tận dụng tốt các hiệp định thương mại (đặc biệt là các FTA đã ký kết) và nỗ lực các hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa ngành hàng để giảm bớt sự phụ thuộc vào các thị trường và ngành hàng truyền thống, cụ thể các thị trường Bắc Âu, Đông Âu, Mỹ la tinh.. Cần theo dõi sát diễn biến của kinh tế thế giới, đặc biệt chính sách của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản… ảnh hưởng tới thương mại với Việt Nam, từ đó kịp thời đưa ra cảnh báo cho cộng đồng doanh nghiệp có các phản ứng kịp thời. Bên cạnh đó nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; đồng thời thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu.