Xuất khẩu cá sấu, dừa tươi...hứa hẹn bùng nổ nhờ lý do này

Người dân, doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, dừa tươi, cá sấu đang rất vui mừng khi các mặt hàng này được cấp phép xuất khẩu sang Trung Quốc.

Ngày 19-8, dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình, Bộ NN&PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký nghị định thư mở đường xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc với các mặt hàng sầu riêng đông lạnh, dừa tươi, cá sấu.

Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc trong thời gian tới.

Doanh nghiệp đầu tư nhà xưởng, đón đầu xuất khẩu

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T Group, chia sẻ: “Đây là tin rất vui đối với hàng nông sản của Việt Nam. Kể từ khi chúng ta mở cửa thị trường Trung Quốc với trái sầu riêng tươi, đến nay kim ngạch xuất khẩu rau quả nói chung, sầu riêng nói riêng luôn tăng vượt bậc. Bây giờ thêm mặt hàng sầu riêng đông lạnh cũng được xuất khẩu sang thị trường này thì dự kiến sẽ đóng góp thêm 400-500 triệu USD trong kim ngạch xuất khẩu sầu riêng năm nay”.

 Kim ngạch xuất khẩu sầu riêng tươi tăng vọt từ khi mở cửa thị trường Trung Quốc. Trong ảnh: Kho sầu riêng của Công ty Vina T&T. Ảnh: AH

Kim ngạch xuất khẩu sầu riêng tươi tăng vọt từ khi mở cửa thị trường Trung Quốc. Trong ảnh: Kho sầu riêng của Công ty Vina T&T. Ảnh: AH

Sầu riêng đông lạnh, bao gồm sầu riêng nguyên quả, cơm sầu riêng (không vỏ) là sản phẩm mới, có giá trị gia tăng cao hơn so với sầu riêng tươi. Việc mở cửa thị trường cho sản phẩm này sẽ giúp đa dạng hóa chế biến, giảm áp lực về thời vụ thu hoạch, đồng thời tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn cho ngành sầu riêng. Trung bình 3 kg sầu riêng tươi (nguyên quả) mới cho ra 1 kg sầu riêng đông lạnh (cơm sầu riêng).

Bà Nguyễn Thị Thái Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Ban Mê Green Farm, doanh nghiệp chuyên làm về sầu riêng đông lạnh cũng bày tỏ niềm vui khi mặt hàng này đã mở cửa được thị trường Trung Quốc.

Chủ tịch của Ban Mê Green cho biết, việc xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sẽ giúp hạn chế sinh vật gây hại vào nước nhập khẩu và giải quyết được bài toán ô nhiễm môi trường rác thải trong quá trình xử lý vỏ sầu riêng. Đây chính là hướng đi lâu dài cho ngành hàng sầu riêng.

Tuy nhiên, trở ngại hiện nay là kỹ thuật cấp đông sầu riêng vẫn còn nhiều khó khăn và chi phí cao, đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư vốn lớn. May mắn thị trường Trung Quốc ở sát Việt Nam nên chi phí vận chuyển sẽ thấp hơn so với các đối thủ cạnh tranh khác.

“Khi có thông tin Việt Nam và Trung Quốc đang đàm phán về việc ký nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, chúng tôi đã tiến hành xây dựng kho xưởng, làm hồ sơ cấp mã. Dự kiến năm nay, kho cấp đông của doanh nghiệp sẽ bóc múi gần 10.000 tấn” - bà Thanh cho hay.

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, so với các quốc gia như Thái Lan, Malaysia, Philippine, Indonesia… Việt Nam có nhiều lợi thế trong trồng sầu riêng, cho sản lượng dồi dào, thu hoạch quanh năm.

Năm 2023, Việt Nam có khoảng 110 ngàn ha trồng sầu riêng, sản lượng khoảng 1,2 triệu tấn (gấp hơn 2 lần cả về diện tích và sản lượng so với năm 2018), trong đó xuất khẩu trên 600 ngàn tấn và thu về khoảng 2,2 tỉ USD. Năm 2024, diện tích trồng sầu riêng tăng lên khoảng 150 ngàn ha, sản lượng dự kiến sẽ đạt 1,5 triệu tấn.

Với Trung Quốc là thị trường nhập khẩu sầu riêng lớn nhất thế giới, Việt Nam còn có thêm lợi thế về thời gian vận chuyển nhanh hơn nên giá thành cạnh tranh hơn so với một số nước khác. Đây là những yếu tố giúp cho sầu riêng Việt Nam tạo được bước tiến lớn tại thị trường 1,4 tỉ dân này chỉ sau chưa đầy hai năm gia nhập.

Cụ thể, năm 2022, kể từ khi Nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng Việt Nam sang Trung Quốc có hiệu lực, xuất khẩu sầu riêng đạt 421 triệu USD, tăng gần 137% so với năm 2021.

Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đạt hơn 2,2 tỉ USD, tăng 5 lần so với 2022. 7 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sầu riêng đã đạt 1,8 tỉ USD.

Xuất khẩu trái cây hứa hẹn bùng nổ

Ngoài sầu riêng đông lạnh, việc trái dừa tươi của Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc cũng khiến nhiều doanh nghiệp, bà con trồng dừa vui mừng.

 Sơ chế dừa tươi trước khi xuất khẩu tại Công ty Vina T&T Group. Ảnh: AH

Sơ chế dừa tươi trước khi xuất khẩu tại Công ty Vina T&T Group. Ảnh: AH

Hiện nay, Việt Nam là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu dừa lớn trên thế giới. Diện tích trồng dừa của Việt Nam có khoảng 175 ngàn ha, tập trung chủ yếu ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Là đơn vị đi đầu trong xuất khẩu trái dừa tươi, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T Group thông tin: “Xuất khẩu dừa tươi Việt Nam tới các thị trường thế giới đang tăng trưởng rất tốt.

Với việc mở cửa thị trường Trung Quốc, là thị trường tỉ dân, sát Việt Nam, trong khi chúng ta có nguồn nguyên liệu lớn, chất lượng cao, các doanh nghiệp đã có kinh nghiệm trong sản xuất, xuất khẩu loại trái cây này thì tôi tin rằng trái dừa sẽ có tiềm năng lớn, có thể đóng góp kim ngạch đến tỉ USD vào kim ngạch chung của xuất khẩu rau quả Việt Nam thời gian tới”.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cũng cho hay hàng năm Trung Quốc nhập khẩu khoảng 500 triệu USD dừa tươi từ Thái Lan. Tới đây khi Việt Nam xuất khẩu dừa sang Trung Quốc thì có thể chiếm thị phần khoảng 200 triệu USD.

“Với việc sầu riêng đông lạnh và dừa tươi mở cửa được thị trường Trung Quốc thì chúng tôi nhận định kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sẽ tăng vọt. Năm nay xuất khẩu rau quả dự báo từ 6,5-7 tỉ USD, nhưng từ năm sau thì có thể tăng vọt lên 7,5 tỉ USD. Chúng tôi kiến nghị Bộ NN&PTNT khẩn trương có hướng dẫn để bà con, doanh nghiệp làm thủ tục, sớm tham gia thị trường này” - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam kiến nghị.

Trung Quốc nhập cá sấu nuôi từ Việt Nam

Ngoài sầu riêng đông lạnh, dừa tươi, Bộ NN&PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch và sức khỏe đối với cá sấu nuôi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc. Ngành nuôi cá sấu ở Việt Nam đã phát triển trong hơn 30 năm qua. Các sản phẩm từ cá sấu như thịt, da và các bộ phận khác hầu hết đều có giá trị kinh tế cao.

Việc mở cửa thị trường Trung Quốc cho cá sấu sẽ tạo ra cơ hội lớn cho ngành này. Đây không chỉ là cơ hội kinh tế mà còn là động lực để ngành nuôi cá sấu Việt Nam phát triển theo hướng bền vững, đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường và phúc lợi động vật.

Nhanh chóng hoàn thiện thủ tục để doanh nghiệp sớm xuất khẩu sang Trung Quốc

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết việc ký kết ba nghị định thư được kỳ vọng góp phần thúc đẩy mạnh mẽ xuất khẩu nông sản, đặc biệt là các sản phẩm vừa được ký kết sang thị trường Trung Quốc, góp phần vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp Việt Nam.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định Bộ sẽ tiếp tục làm việc chặt chẽ với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để triển khai các bước tiếp theo sau khi các Nghị định thư được ký kết, đảm bảo doanh nghiệp của Việt Nam có thể xuất khẩu các sản phẩm nói trên vào thị trường Trung Quốc một cách thuận lợi.

AN HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/xuat-khau-ca-sau-dua-tuoihua-hen-bung-no-nho-ly-do-nay-post806099.html