Xuất khẩu cá tra khởi sắc, cả năm 2024 sẽ cán đích 2 tỷ USD

Với kết quả 1,5 tỷ USD đạt được trong 9 tháng, VASEP dự báo xuất khẩu cá tra cả năm 2024 sẽ cán đích 2 tỷ USD, nhưng vẫn thấp hơn con số hơn 2,4 tỷ USD của năm 2022…

Xuất khẩu cá tra 3 quý của năm 2024 tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái

Xuất khẩu cá tra 3 quý của năm 2024 tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái

Dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết xuất khẩu cá tra tháng 9/2024 đạt 172 triệu USD, tăng 3% so với tháng 9/2023. Lũy kế 9 tháng năm 2024, xuất khẩu cá tra đạt 1,5 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái.

SỤT GIẢM Ở THỊ TRƯỜNG TRUNG QUỐC, TĂNG MẠNH TẠI HOA KỲ

Về thị trường tiêu thụ, sau 5 tháng liên tiếp tăng trưởng dương, tháng 9/2024, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc chứng kiến sụt giảm 16% so với cùng kỳ năm 2023, với giá trị đạt 48 triệu USD. Đây cũng là tháng thứ 3 kể từ đầu năm nay, thị trường này giảm nhập khẩu cá tra Việt Nam. Tính đến hết quý 3 năm nay, xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc đạt 418 triệu USD, giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái.

"Tồn kho cá tra thành phẩm tại Hoa Kỳ hiện thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023, cũng như năm 2022 sẽ thúc đẩy các nhà bán lẻ bổ sung hàng tồn kho cho mùa lễ hội cuối năm. Bên cạnh đó, số liệu lạm phát tại Hoa Kỳ giảm là yếu tố thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ".

Bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông của VASEP.

Xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ vẫn ghi nhận kết quả tích cực trong tháng 9/2024, với giá trị đạt hơn 30 triệu USD, tăng 32% so với tháng 9/2023. Tính chung 3 quý năm 2024, xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ đạt 256 triệu USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Hoa Kỳ tiếp tục duy trì là thị trường tiêu thụ cá tra nhiều thứ 2 của Việt Nam, sau Trung Quốc. Theo Trung tâm thương mại thế giới (ITC), Việt Nam vẫn là nhà cung cấp các sản phẩm cá tra lớn nhất cho Hoa Kỳ trong 9 tháng đầu năm nay.

Tháng 9/2024, Thái Lan vươn lên là nhà nhập khẩu đơn lẻ nhiều thứ 3 cá tra Việt Nam. Xuất khẩu cá tra sang “xứ sở Chùa Vàng” trong tháng 9/2024 đạt 5,8 triệu USD, giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính từ đầu năm đến hết tháng 9/2024, xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt 46 triệu USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023.

Xuất khẩu cá tra sang EU chứng kiến giảm nhẹ 1% trong 9 tháng năm 2024 với giá trị 128 triệu USD. Riêng tháng 9/2024, xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt đạt 14 triệu USD, giảm 2% so với tháng 9/2023. Hà Lan vẫn là thị trường đứng đầu trong khối EU về tiêu thụ cá tra Việt Nam. Xuất khẩu cá tra sang Hà Lan trong 9 tháng năm 2024 đạt 36 triệu USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về sản phẩm xuất khẩu, phile cá tra đông lạnh vẫn là sản phẩm chủ lực của xuất khẩu cá tra Việt Nam. Giá trị xuất khẩu sản phẩm này sang các thị trường trong 9 tháng năm nay tăng 5% và đạt 1,2 tỷ USD. Tính đến hết tháng 9/2024, xuất khẩu cá tra chế biến tiếp tục tăng trưởng 45%, đạt 32 triệu USD. Xuất khẩu cá tra khô và sản phẩm đông lạnh khác (nguyên con, cắt khúc,...) đạt 273 triệu USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái.

CẦN CHẾ BIẾN SÂU ĐỂ NÂNG TỶ SUẤT LỢI NHUẬN

Bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông của Hiệp hội VASEP, nhận định rằng các doanh nghiệp thủy sản hiện đang ở tháng đầu của quý cuối năm với kỳ vọng sẽ đạt được kết quả vượt trội hơn so với năm 2023.

“Quý 3/2024 là một giai đoạn đáng ghi nhớ với sự phục hồi mạnh mẽ từ các thị trường nhập khẩu chính. Hai thị trường lớn là Hoa Kỳ và Trung Quốc, đã đóng vai trò quan trọng trong việc đưa xuất khẩu thủy sản Việt Nam trở về quỹ đạo tăng trưởng. Cụ thể, trong quý 3/2024, xuất khẩu thủy sản sang Hoa Kỳ đạt 551 triệu USD, tăng 19,5% so với quý 3 năm ngoái. Trong khi đó xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc và Hong Kong tăng 35,6%, đạt 571 triệu USD. Điều này cho thấy nhu cầu từ các thị trường lớn đang tăng trở lại, đặc biệt là đối với các sản phẩm chủ lực như tôm và cá tra", bà Lê Hằng chia sẻ.

Theo đại diện VASEP, năm 2024, cả tôm và cá tra tiếp tục là những sản phẩm chủ lực và có triển vọng tích cực, nhờ vào nhu cầu tăng trưởng và giá cả hồi phục tại các thị trường như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Australia. Trong quý 4/2024, các hoạt động thương mại dịch vụ bắt đầu sôi nổi tích trữ hàng hóa chuẩn bị cho các lễ hội sẽ là mùa cao điểm để xuất khẩu cá tra về đích năm 2024.

"Trong 9 tháng của năm 2024, sản lượng cá tra thu hoạch đạt 1.259.500 tấn, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo sản lượng cá tra cả năm sẽ đạt khoảng 1,67 triệu tấn".

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản.

Do đó, doanh nghiệp cần tận dụng thời gian, đẩy mạnh truyền thông, tích cực chào hàng đối với các sản phẩm cá tra khác như cá tra giá trị gia tăng để chủ động nắm bắt cơ hội từ thị trường, đặc biệt là đối với khách hàng sát biên giới như Trung Quốc.

Trước đó, năm 2022, lần đầu tiên xuất khẩu cá tra đạt trên 2,4 tỷ USD, nhưng sang đến năm 2023 chỉ đạt 1,8 tỷ USD, giảm 0,4 tỷ USD so với năm 2022. Tuy nhiên, với kết quả đạt được trong 9 tháng năm 2024, VASEP dự báo xuất khẩu cá tra cả năm 2024 sẽ giành lại mốc 2 tỷ USD.

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết cá tra được nuôi chủ yếu tại vùng đồng bằng sông Cửu Long với diện tích hơn 6.000 ha/năm, sản lượng trên 1,5 triệu tấn/năm, tập trung ở một số địa phương như: An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Bến Tre và Vĩnh Long.

Những năm qua, chuỗi ngành hàng cá tra đã giúp tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động và đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương. Diện tích thả nuôi cá tra cả nước trong năm 2023 đạt khoảng 5.700ha, sản lượng khoảng 1,61 triệu tấn.

Cục trưởng Cục Thủy sản nhận định, hiện nay, hoạt động chế biến và xuất khẩu cá tra đã được cải thiện đáng kể, quản lý chất lượng hàng xuất khẩu ngày càng nghiêm ngặt. Hầu hết doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra đều áp dụng chương trình quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm quốc tế như: HACCP, BRC, Global Gap, IFS, ASC và chứng chỉ BAP theo yêu cầu của từng thị trường.

Các vùng nuôi cá tra đã được cấp gần 400 mã số nhận diện ao nuôi cá tra thương phẩm với diện tích gần 2.000 ha; sản xuất theo quy trình, quy chuẩn VietGap, Global Gap, ASC và tương đương với diện tích 827 ha, chiếm trên 55% diện tích nuôi.

Tuy nhiên hiện nay, Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia và một số nước đã và đang đầu tư rất mạnh vào sản xuất, có thể sẽ phá thế độc quyền của Việt Nam trong tương lai không xa. Điều này cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam không thể tiếp tục cạnh tranh bằng giá rẻ mà phải tiến thêm một nấc cao hơn trong chuỗi giá trị.

“Hiện lĩnh vực chế biến thủy sản xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam đã có chỗ đứng nhất định trên thị trường quốc tế, do đó doanh nghiệp cần chuyển hướng chiếm lĩnh thị phần cao cấp để nâng tỷ suất lợi nhuận cho các sản phẩm chế biến”, ông Trần Đình Luân nhấn mạnh.

Chu Khôi

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/xuat-khau-ca-tra-khoi-sac-ca-nam-2024-se-can-dich-2-ty-usd.htm