Xuất khẩu cá tra sang CPTPP tăng trưởng 3 con số

Trong khi xuất khẩu cá tra sang các thị trường truyền thống chững lại thì diễn biến tại các nước thuộc khối Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) lại rất tích cực, tăng trưởng ở mức 3 con số.

Thị trường truyền thống chững lại

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu cá tra sang các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Mỹ đang chững lại.

Cụ thể, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc đạt đỉnh 113 triệu USD vào tháng 4, tới tháng 7 giảm còn 44 triệu USD. Lũy kế 7 tháng kim ngạch vẫn tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ, đạt 451 triệu USD, chiếm 28% tổng giá trị xuất khẩu cá tra của nước ta.

CPTPP là thị trường triển vọng cho cá tra

CPTPP là thị trường triển vọng cho cá tra

Tương tự, xuất khẩu cá tra sang Mỹ chạm mức cao nhất là 81 triệu USD vào tháng 4, đến tháng 7 chỉ đạt 32 triệu USD. Đây là mức thấp nhất kể từ đầu năm và giảm 4% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 7 tháng năm 2022, xuất khẩu cá tra sang Mỹ vẫn cao hơn 92% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 24% tổng xuất khẩu cá tra của nước ta.

Tổng Thư ký VASEP Trương Đình Hòe cho biết, Trung Quốc nới lỏng cơ chế kiểm tra Covid-19 đã phần nào giảm bớt áp lực cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, thị trường này ngày càng khắt khe trong việc kiểm tra các chỉ tiêu vi sinh, vệ sinh an toàn thực phẩm và đây là nguyên nhân khiến xuất khẩu cá tra có dấu hiệu chững lại. Với thị trường Mỹ, sau khoảng thời gian tăng trưởng nóng, các nhà nhập khẩu nước này bắt đầu điều chỉnh giảm giá, vì lượng tồn kho tăng và tiêu thụ chậm lại bởi các yếu tố logistics, lạm phát tăng cao.

Theo dự đoán của Tổng Thư ký VASEP, sang tháng 9, nhu cầu của các thị trường này sẽ phục hồi.

Thắng lớn tại thị trường CPTPP

Trong khi xuất khẩu thủy sản nói chung và cá tra nói riêng sang các thị trường truyền thống gặp bất ổn vì biến động tiền tệ và cước vận tải quá cao, thì khối các nước CPTPP lại ít chịu tác động.

7 tháng năm 2022, khối thị trường CPTPP tiêu thụ hơn 13% tổng xuất khẩu cá tra với giá trị đạt 211,4 triệu USD; tăng 73% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng tháng 7, mức tăng trưởng là 3 con số, đạt trên 31 triệu USD; tăng 123%. Đa số các thị trường đều tăng mạnh nhập khẩu cá tra Việt Nam. Diễn biến tích cực này góp phần đưa xuất khẩu cá tra 7 tháng đạt 1,62 tỷ USD, tăng 78,8% so với cùng kỳ năm 2021 và cao hơn kim ngạch xuất khẩu cả năm 2021.

Trong khối CPTPP, Mexico là nước nhập khẩu lớn nhất, chiếm 4,5% với gần 73 triệu USD. Theo sau là sự tăng đột biến của cá tra sang Canada khi cao gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 2,5% với trên 40 triệu USD.

Bên cạnh đó, xuất khẩu sang Australia, Singapore, Malaysia và Chile đều tăng trưởng 3 con số trong tháng 7, mức tăng 108 - 166% so với cùng kỳ. Nhật Bản cũng tăng 66% nhập khẩu cá tra từ Việt Nam.

Về giá, cá tra xuất sang Canada vẫn có giá trung bình cao nhất. Cá tra phile đông lạnh sang Canada giá trung bình trong tháng 7 đạt 3,34 USD/kg. Australia cũng có giá trung bình nhập khẩu tương đối cao, đạt 3,26 USD/kg trong 6 tháng đầu năm và 3,3 USD/kg trong tháng 7.

Phó Giám đốc Trung tâm VASEP.PRO Lê Hằng cho biết, xuất khẩu cá tra sang CPTPP có thể giữ đà tăng trưởng tốt trong các tháng cuối năm. Lý do là mức thuế nhập khẩu 0% khi thực thi thực thi CPTPP đã hỗ trợ nhiều cho doanh nghiệp xuất khẩu. Cùng với đó, người tiêu dùng đã thay đổi thói quen khi lựa chọn những loài có giá vừa phải và cá tra là một trong những lựa chọn tốt.

Tổng Thư ký VASEP Trương Đình Hòe lưu ý, xuất khẩu vào thị trường CPTPP, doanh nghiệp cá tra phải chú trọng nâng cao năng lực sản xuất, chế biến để bảo đảm chất lượng cho sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm. “Khi có mức giá hợp lý ổn định thì chất lượng cũng phải như thế nếu muốn duy trì sự tăng trưởng”.

Hạnh Nhung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/xuat-khau-ca-tra-sang-cptpp-tang-truong-3-con-so-i300483/