Xuất khẩu cần cẩu từ Trung Quốc sang các nước Mỹ Latinh bất ngờ tăng vọt, câu chuyện đằng sau là gì?

Theo các chuyên gia phân tích, xuất khẩu cần cẩu của Trung Quốc sang các nước Mỹ Latinh đang tăng vọt, cho thấy hoạt động xây dựng trong Sáng kiến 'Vành đai và Con đường' đang được Bắc Kinh mở rộng, trong nỗ lực đa dạng hóa thị trường giữa bối cảnh cuộc chiến thương mại với Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục leo thang.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng Tổng thống Peru Dina Boluarte dự lễ khánh thành cảng nước sâu Chancay do Bắc Kinh đầu tư, ngày 14/11/2024. (Nguồn AFP)

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng Tổng thống Peru Dina Boluarte dự lễ khánh thành cảng nước sâu Chancay do Bắc Kinh đầu tư, ngày 14/11/2024. (Nguồn AFP)

Dữ liệu của cơ quan hải quan Trung Quốc cho thấy, xuất khẩu cần cẩu sang Peru đã tăng gần 132% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi tổng lượng máy móc xuất khẩu - được sử dụng để xếp dỡ tàu container - đã tăng gần 76% trong 10 tháng đầu năm lên 143 triệu USD.

Tháng 5/2024, xuất khẩu cần cẩu của Trung Quốc sang Peru đã tăng từ dưới 100.000 USD chỉ một năm trước đó lên hơn 54 triệu USD, ngay khi chính quyền Tổng thống Biden công bố mức thuế 25% đối với cần cẩu nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ qua đường biển.

Xuất khẩu cần cẩu của Trung Quốc sang Mexico cũng tăng chóng mặt với mức tăng 193% so với cùng kỳ năm trước trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 10. Riêng tháng 8/2024, xuất khẩu đã tăng vọt kỷ lục lên 1.202%.

"Nhiều khả năng những cần cẩu này được các nước Mỹ Latinh nhập để xây dựng cảng", Liang Yan, chuyên gia kinh tế tại Đại học Willamette, tiểu bang Oregon (Mỹ) nhận định.

Cùng quan điểm, bà Alicia Garcia-Herrero, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Ngân hàng đầu tư Natixis của Pháp tại Hong Kong (Trung Quốc) cũng cho rằng, việc Bắc Kinh xuất khẩu ồ ạt cần cẩu sang các nước Mỹ Latinh cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang muốn mờ rộng năng lực cảng tại các quốc gia này để thúc đẩy xuất khẩu sang Mỹ.

Bắc Kinh đang tích cực mở rộng ảnh hưởng của mình tại các cảng thuộc khu vực Mỹ Latinh, động thái gần nhất là vào ngay trong tháng này, siêu cảng nước sâu Chancay tại Peru đã được khánh thành nhân chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Tập Cận Bình .

Tân Hoa xã đưa tin,phát biểu tại buổi lễ khánh thành, ông Tập nói rằng cảng Chancay sẽ củng cố mạnh mẽ vị thế của Peru như một cửa ngõ kết nối đất liền và biển ở khu vực châu Á và Mỹ Latinh. Nhà lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh cảng Chancay không chỉ là một cảng nước sâu tốt mà còn là cảng thông minh và cảng xanh đầu tiên ở Nam Mỹ, khi hoàn thành cũng sẽ mang lại cho Peru nguồn doanh thu khổng lồ và tạo nhiều việc làm.

Cảng Chancay được xây dựng nhằm rút ngắn thời gian vận chuyển giữa Thượng Hải và Peru từ 10 đến 12 ngày xuống còn khoảng 23 ngày và giảm chi phí hậu cần ít nhất 20%. Chủ đầu tư là Tập đoàn công nghiệp nặng Shanghai Zhenhua thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc. Tập đoàn này cũng đang thống trị thị trường cần cẩu toàn cầu với thị phần khổng lồ lên tới 70%.

Shanghai Zhenhua cũng là tập đoàn tích cực tham gia các dự án thuộc Sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc nhằm tăng cường kết nối khu vực thông qua cơ sở hạ tầng. Tập đoàn đã giao 18 cần cẩu cho quốc gia Trung Mỹ Panama trong 3 tháng qua, theo tờ Thông tin Thương mại Hàng hải.

Tuy nhiên, bà Garcia-Herrero cũng chỉ ra những rủi ro tiềm ẩn đối với các cảng do Trung Quốc đầu tư xây dựng tại khu vực châu Mỹ Latinh, cho rằng Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có thể sẽ cấm các sản phẩm được giao thương qua các cảng này như một biện pháp nhằm ngăn chặn hàng hóa Trung Quốc xâm nhập thị trường Mỹ.

Tháng trước, lượng cần cẩu xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ đã giảm gần 66% so với cùng kỳ năm trước. Sự sụt giảm này được dự báo có thể còn giảm sâu hơn nữa khi ông Trump tuyên bố hôm 26/11 rằng sẽ áp thuế 25% đối với hàng nhập khẩu từ Mexico - một điểm tập kết phổ biến của các nhà xuất khẩu Trung Quốc vốn muốn "né thuế quan" từ Mỹ.

Báo cáo của Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Washington cho thấy, Trung Quốc đã đầu tư vào các dự án cảng ở 16 trong số 20 quốc gia hoặc vùng lãnh thổ có thể mạnh về logistics và là trung tâm vận chuyển lớn của các tuyến đường hàng hải quốc tế.

Cũng theo Trung tâm này, năm 2023, hơn 27% lượng container toàn cầu đã đi qua các điểm trung chuyển nơi các công ty có trụ sở tại Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) nắm giữ cổ phần trực tiếp. Hutchison Port Holdings có trụ sở tại Hong Kong đang vận hành 7 cảng ở Mỹ Latinh và Caribe, 4 cảng ở Mexico, 2 cảng ở Panama và 1 cảng ở Bahamas

(theo SCMP)

Châu Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/xuat-khau-can-cau-tu-trung-quoc-sang-cac-nuoc-my-latinh-bat-ngo-tang-vot-cau-chuyen-dang-sau-la-gi-295352.html