Xuất khẩu chờ cơ hội khi... 'bão tan'
Sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thị trường sẽ 'khát' hàng… Đó là lý do để nhiều doanh nghiệp xuất khẩu chuẩn bị nguyên liệu, máy móc đón cơ hội nhanh nhất khi thị trường toàn cầu khởi sắc trở lại.
Mặc dù, xuất khẩu vẫn đang trong giai đoạn khó khăn, đơn hàng suy giảm mạnh nhưng cũng có những tín hiệu cho thấy, nền kinh tế toàn cầu đang khởi sắc, bằng chứng là việc bắt đầu có đơn hàng trở lại của một số ngành hàng.
Cầm cự chờ tia sáng
Theo ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), ngành dệt may đang ở trong giai đoạn rất khó khăn. Đơn cử như ngành may, doanh nghiệp chỉ nhận được đơn hàng nhỏ lẻ, manh mún, chưa bao giờ có những doanh nghiệp quy mô vài nghìn lao động lại phải nhận đơn hàng 500 – 1.000 áo jacket. Thậm chí, doanh nghiệp dệt may còn phải đối mặt với tình trạng giảm giá khủng, nhiều mã giảm tới 50%.
Theo ông Hiếu, đơn hàng nhỏ lẻ, chi phí gia công thấp, doanh nghiệp phải nhận các mặt hàng không đúng sở trường. Khi khó thì dệt thoi làm dệt kim, đơn vị làm quần thì phải làm áo nên phải thêm máy móc thiết bị, đào tạo công nhân để chống dừng dây chuyền, đảm bảo công ăn việc làm.
Năm nay, Vinatex đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 610 tỷ đồng, giảm hơn 40% so với mức lãi năm 2022. Đây là kịch bản tốt nhất mà Vinatex dự tính có khả năng đạt được trong bối cảnh thị trường khó khăn.
Tuy nhiên, Tổng Giám đốc Vinatex cho biết, sẽ tập trung vào đẩy mạnh dự báo thị trường, chủ động kế hoạch sản xuất, ổn định dòng tiền, ưu tiên giữ lực lượng lao động để sẵn sàng đón cơ hội khi thị trường phục hồi.
Với ngành gỗ, ông Lý Vĩnh Hùng, Giám đốc Công ty Chế biến và Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu Lyprodan tại Đồng Nai cho hay, công ty đã bắt đầu nhận đơn hàng ngoại thất cho vụ mới, sản xuất từ tháng 6 để kịp giao từ tháng 9 năm nay đến tháng 5 năm sau.
"Ngoài ra cũng có nhiều khách hỏi báo giá, mẫu mã, tín hiệu tích cực đã trở lại nhưng không thể mạnh như năm 2022”, ông Hùng dự báo nửa cuối năm 2023 sẽ bớt khó khăn hơn với ngành gỗ, sang năm 2024, xuất khẩu gỗ sẽ cải thiện rõ rệt do doanh nghiệp đã có đơn hàng.
Theo bà Lê Hải Liễu, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Chế biến gỗ Đức Thành, bước sang năm 2023, "vẫn chưa có nhiều tia sáng", khó khăn vẫn còn đó, với chiến tranh Nga-Ukraine, lạm phát cao kéo dài. Tuy nhiên, bất kỳ cuộc khủng hoảng nào cũng sẽ có điểm dừng và việc của Gỗ Đức Thành là chuẩn bị sẵn sàng cho thời điểm thị trường khởi sắc trở lại. "Chúng tôi chờ đợi thời điểm đó và đón đầu cơ hội", bà Liễu chia sẻ.
Ai sẵn sàng sẽ thắng
Do đó trong năm 2023, Gỗ Đức Thành đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu tăng 30% so với năm trước đạt 520 tỷ đồng, trong đó gần 81% đến từ xuất khẩu, lợi nhuận sau thuế tăng 20% đạt 83,2 tỷ đồng.
"Nếu tình hình khởi sắc, mức 520 tỷ đồng nằm trong tầm với của Gỗ Đức Thành, thậm chí phải vượt, còn nếu tình hình chưa khởi sắc, đây vẫn là con số để cố gắng, chứ chúng tôi không ngồi đó chờ chết", bà Lê Hải Liễu chia sẻ.
Để thực hiện mục tiêu này, Gỗ Đức Thành cho hay đã sẵn sàng về nguyên liệu, con người, mặt bằng, máy móc, khi thị trường bùng nổ trở lại sẽ bắt tay. "Sau khủng hoảng, các doanh nghiệp rất "khát" hàng hóa vì trong lúc khủng hoảng, họ không dám mua. Vậy khi khủng hoảng qua đi, ai sẵn sàng sẽ thắng lớn", bà Liễu cho biết.
Theo Bộ Công Thương, kinh tế thế giới vẫn tiếp tục khó khăn dù có dấu hiệu phục hồi nhưng chậm và không đồng đều ở các quốc gia, nhu cầu tiêu dùng vì thế cũng phục hồi chậm. Tuy nhiên, dự báo hoạt động xuất nhập khẩu sẽ phục hồi tốt hơn vào nửa cuối năm nay do tồn kho hàng hóa tại các thị trường lớn, đặc biệt là tại Mỹ đã giảm đáng kể trong thời gian qua và các nhà nhập khẩu đang có dấu hiệu đặt hàng trở lại.
Bộ Công Thương cho hay tại Mỹ - thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam, các nhà bán lẻ lớn của nước này đã giải phóng gần hết lượng hàng tồn kho dư thừa và đang chuẩn bị bổ sung các kệ hàng bằng hàng hóa mới. Điều này mở ra kỳ vọng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Mỹ sẽ cải thiện vào nửa cuối năm nay sau nhiều tháng sụt giảm liên tiếp.
Ông Michael Kokalari, chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital cũng đánh giá, hàng tồn kho tại các nhà bán lẻ Mỹ và các doanh nghiệp tiêu dùng khác như Nike và Lululemon hiện đang giảm, vì vậy đơn đặt hàng tại các nhà máy FDI sẽ bắt đầu phục hồi vào nửa cuối năm nay.
"Tăng trưởng hàng tồn kho tại các nhà bán lẻ của Mỹ ở mức hơn 20% vào cuối năm 2022 so với cùng kỳ, hiện ở mức khoảng 10% và có vẻ như sẽ giảm xuống mức tăng trưởng 0% so với cùng kỳ năm ngoái trong nửa cuối năm. VinaCapital tin rằng, điều này sẽ làm phục hồi tăng trưởng đơn hàng trở lại cho các nhà máy FDI tại Việt Nam", ông Michael Kokalari đưa ra dự báo.
Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/xuat-khau-cho-co-hoi-khi-bao-tan-1093368.html