Xuất khẩu của Anh thấp nhất trong G7 ngoại trừ Nhật Bản
Xuất khẩu của Anh ở mức yếu kém nhất so với các nước thành viên Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) trừ Nhật Bản trong một thập kỷ qua.
Báo cáo mới nhất của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cho hay xuất khẩu của Anh ở mức yếu kém nhất so với các nước thành viên Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) trừ Nhật Bản trong một thập kỷ qua.
Số liệu này được dự báo sẽ làm gia tăng áp lực khiến chính phủ phải xem xét lại thỏa thuận thương mại thời hậu Brexit với Liên minh châu Âu (EU).
Trong bối cảnh hầu hết các nước G7 đã phục hồi sau đại dịch, thì đà tăng trưởng xuất khẩu ở Anh vẫn chậm. Số liệu của UNCTAD cho hay giá trị xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Vương quốc Anh ở mức 813 tỷ bảng Anh vào năm 2012 và trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến năm 2021 chỉ tăng 6%, lên 862,6 tỷ bảng, do tác động của việc Anh rời khỏi EU.
Trong khi đó, Canada, Pháp, Đức, Italy và Mỹ đều có mức tăng xuất khẩu hai chữ số, lần lượt là 10,2%, 16,1%, 22,7%, 15,9% và 13,8%.
27 quốc gia thành viên của EU nhìn chung có mức tăng 29,1% về giá trị xuất khẩu trong cùng thời kỳ.
Chỉ có Nhật Bản - quốc gia bị ảnh hưởng đáng kể bởi sự sụt giảm nhu cầu từ Trung Quốc khi nước này ngày càng trở nên tự cung tự cấp các mặt hàng như ô tô, phụ tùng ô tô và thép - có kết quả xuất khẩu yếu kém hơn Anh, với giá trị thương mại chỉ đạt 917,5 tỷ bảng vào năm 2021, tăng 0,5 % so với năm 2012.
Hiện có rất nhiều khiếu nại từ các chủ doanh nghiệp về hàng loạt trở ngại mà họ gặp phải trong giao dịch thương mại với EU hậu Brexit và việc Chính phủ Anh đã không hỗ trợ để giải quyết các vấn đề này.
Các tranh cãi về thỏa thuận thương mại và hợp tác giữa Anh và EU sau nhiều năm sẽ được xem xét lại vào năm 2024.
Văn phòng Trách nhiệm ngân sách Anh dự báo rằng sự thụt lùi trong lĩnh vực thương mại nói chung của Anh sẽ tiếp diễn trong 2 năm tới, với khối lượng xuất khẩu dự báo giảm 6,6% trong năm 2023 và 0,3% vào năm 2024.
Mức tăng trưởng xuất khẩu đáng thất vọng của Anh trong 10 năm qua là hệ quả trực tiếp từ việc phụ thuộc vào việc xuất khẩu cho EU, vốn luôn là thị trường lớn nhất của "xứ sở sương mù".
Tình hình xuất khẩu khả quan hơn ở mảng dịch vụ, chẳng hạn như tài chính, bởi ngành này ít bị phụ thuộc vào thị trường EU hơn là lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/xuat-khau-cua-anh-thap-nhat-trong-g7-ngoai-tru-nhat-ban/294626.html