Xuất khẩu của Campuchia năm 2022 tăng 16,4%
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan và Thuế Campuchia, thương mại quốc tế của nước này năm 2022 đạt hơn 52 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Campuchia xuất khẩu tổng giá trị hàng hóa đạt 22,4 tỷ USD, tăng 16,4% so với năm 2021 và nhập khẩu 29,9 tỷ USD, tăng 4,3%.
Khmer Times dẫn phát biểu của Phó Quốc vụ khanh kiêm phát ngôn viên của Bộ Thương mại Campuchia Penn Sovicheat cho biết, xuất khẩu tăng là do Campuchia tham gia vào Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc và các ưu đãi thương mại tại thị trường EU, Hoa Kỳ.
Các sản phẩm xuất khẩu chính của Campuchia là hàng may mặc, máy móc và thiết bị điện, sản phẩm giày dép, đồ da, ngũ cốc, đồ nội thất, cao su, trái cây, đồ chơi và hàng dệt may. Ngành may mặc, giày dép và hàng hóa du lịch là nguồn thu ngoại tệ lớn nhất cho Campuchia trong giai đoạn hiện nay. Lĩnh vực này bao gồm khoảng 1.100 nhà máy và xí nghiệp, sử dụng khoảng 750.000 công nhân, chủ yếu là công nhân nữ.
Mặt khác, xuất khẩu Campuchia tăng trưởng được cho là nhờ vào niềm tin của các nhà đầu tư khiến hoạt động sản xuất được thúc đẩy, đặc biệt là trong giai đoạn khó khăn của dịch Covid-19. Thêm vào đó, việc Chính phủ nước này quản lý tốt đại dịch Covid-19 đã khiến mọi hoạt động kinh tế xã hội sớm được nối lại, các chuỗi sản xuất và cung ứng hoạt động trở lại.
Xuất khẩu của Campuchia sang Mỹ tăng mạnh
Theo số liệu của Cục Thống kê dân số Hoa Kỳ, Campuchia đã xuất khẩu các sản phẩm trị giá 11,391 tỷ USD sang Hoa Kỳ trong 11 tháng đầu năm 2022, tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngược lại, Campuchia đã nhập khẩu các sản phẩm trị giá 428 triệu USD từ Hoa Kỳ, tăng 13,5% so với cùng kỳ. Thặng dư thương mại của Campuchia với Hoa Kỳ ở mức 10,963 tỷ USD. Chỉ riêng trong tháng 11/2022, xuất khẩu của Campuchia sang Hoa Kỳ lên tới 741 triệu USD, trong khi nhập khẩu trị giá 24,3 triệu USD.
Xuất khẩu của Campuchia sang Hoa Kỳ chủ yếu là hàng may mặc và các mặt hàng như giày dép, xe đạp và đồ nội thất được hưởng ưu đãi thương mại theo quy chế Tối huệ quốc (MFN) và hàng hóa du lịch được xuất khẩu theo Quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Nhập khẩu của Campuchia từ Hoa Kỳ bao gồm ô tô, máy móc, thiết bị điện và điện tử.
Về ưu đãi GSP là quy chế được Hoa Kỳ áp dụng cho các nước kém phát triển, đã hết hạn vào tháng 12 năm ngoái và Chính phủ Hoa Kỳ đang trong quá trình xem xét lại vấn đề này. Bộ trưởng Bộ Thương mại Pan Sorasak đã kêu gọi nhiều nhà đầu tư Hoa Kỳ tham gia các hoạt động quan hệ kinh tế và thương mại với Campuchia, tham gia các hội chợ thương mại và kết nối kinh doanh để thúc đẩy tăng trưởng thương mại.
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Campuchia, tiếp theo là Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Canada và Đức.
Xuất khẩu của Campuchia sang các nước RCEP tăng 5%
Campuchia đã xuất khẩu hàng hóa trị giá 5,671 tỷ USD sang các thành viên của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) trong 11 tháng đầu năm 2022, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2021. Ba thị trường xuất khẩu hàng đầu của Campuchia trong RCEP là Việt Nam, Trung Quốc và Nhật Bản với trị giá lần lượt là 1,894 tỷ USD, 1,109 tỷ USD và 1,069 tỷ USD. Xuất khẩu của Campuchia sang các quốc gia ASEAN cũng đạt 2,921 tỷ USD, tăng 10% so cùng kỳ trước.
Ở chiều ngược lại, Campuchia nhập khẩu hàng hóa lớn nhất từ Trung Quốc với tổng trị giá 9,470 tỷ USD, tiếp theo là Việt Nam, Thái Lan và Singapore với kim ngạch lần lượt là 3,617 tỷ USD, 3,542 tỷ USD và 3,169 tỷ USD.