Xuất khẩu của Trung Quốc giảm tốc mạnh nhất trong hơn 3 năm
Dữ liệu công bố hôm thứ Năm (13/7) cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 6 đã giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch Covid-19.
Dữ liệu hải quan cho thấy giá trị xuất khẩu của Trung Quốc tính theo đồng đô la đã giảm 12,4% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức giảm lớn hơn nhiều so với kỳ vọng về mức giảm 9,5% trong cuộc khảo sát của Reuters và mức giảm 7,5% trong tháng 5. Đây cũng là mức giảm tính theo tỷ lệ phần trăm là lớn nhất mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới ghi nhận được kể từ tháng 2/2020.
Nhập khẩu trong tháng 6 giảm 6,8% so với cùng kỳ năm trước, cũng thấp hơn so với dự đoán về mức giảm 4% và mức giảm 4,5% hàng năm trong tháng 5.
Trong một cuộc họp báo hôm thứ Năm (13/7), Lu Daliang, phát ngôn viên của cục hải quan Trung Quốc cho biết, thương mại của Trung Quốc vẫn phải đối mặt với áp lực khá lớn trong nửa cuối năm nay, một phần do lạm phát cao ở các nước phát triển và vấn đề địa chính trị.
Zhiwei Zhang, Chủ tịch kiêm nhà kinh tế trưởng của Pinpoint Asset Management cho biết: “Dữ liệu mới nhất ở các nước phát triển cho thấy những tín hiệu nhất quán về sự suy yếu hơn nữa, điều này có thể sẽ gây thêm áp lực lên tình hình xuất khẩu của Trung Quốc trong thời gian còn lại của năm… Câu hỏi lớn đối với Trung Quốc trong vài tháng tới là liệu nhu cầu trong nước có thể phục hồi mà không cần nhiều kích thích từ chính phủ hay không”.
Tính phân kỳ ngày càng tăng
Cơ quan hải quan đã chỉ ra sự khác biệt ngày càng tăng trong tình hình thương mại của Trung Quốc, khi thương mại với các nền kinh tế ở Đông Nam Á và các đối tác liên quan tới sáng kiến “Vành đai và Con đường” vượt trội so với thương mại với Mỹ và Liên minh Châu Âu.
Trung Quốc và ASEAN đang đàm phán để tăng cường quan hệ đối tác trong khu vực thương mại tự do và thực hiện đầy đủ Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ đã giảm 24% trong tháng 6 xuống còn 42,7 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, trong khi nhập khẩu giảm 4% xuống gần 14 tỷ USD. Bên cạnh đó, xuất khẩu của Trung Quốc sang ASEAN đã giảm 17% xuống còn 43,3 tỷ USD trong tháng 6 so với cùng kỳ năm trước, trong khi nhập khẩu giảm 4% xuống còn 34,1 tỷ USD.
Dữ liệu chính thức cho thấy thương mại của Trung Quốc với các đối tác “Vành đai và Con đường” đã giảm tốc độ tăng trưởng xuống còn 9,8% trong 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước, giảm so với tốc độ 13,2% trong 5 tháng đầu năm.
Các số liệu cũng cho thấy tổng giá trị thương mại của Trung Quốc với ASEAN vào tháng 6 là 77,4 tỷ USD, lớn hơn giá trị thương mại của Trung Quốc với EU là 68,8 tỷ USD và Mỹ là 55,7 tỷ USD.
“Nhưng tin tốt là sự suy giảm nhu cầu nước ngoài tồi tệ nhất có lẽ đã ở phía sau chúng ta. Suy thoái kinh tế vẫn còn rình rập các nền kinh tế phát triển, nhưng những suy thoái này có thể nhẹ và chỉ có tác động hạn chế đến xuất khẩu của Trung Quốc. Trong khi đó, các lô hàng công nghệ xanh bao gồm xe điện, pin và tấm pin mặt trời do Trung Quốc sản xuất có thể tiếp tục tăng nhanh, giúp xuất khẩu tăng trưởng trở lại”, Zichun Huang, chuyên gia kinh tế Trung Quốc của công ty tư vấn Capital Economics nói.
Phụ thuộc nhu cầu trong nước
Zhou Hao, nhà kinh tế tại Guotai Junan International cho biết: “Trong thời gian tới, những cơn gió ngược mà khu vực bên ngoài phải đối mặt vẫn mạnh mẽ, điều này kêu gọi hỗ trợ chính sách đối với nhu cầu trong nước”.
Các nhà chức trách Trung Quốc đã báo hiệu rằng họ có thể sẽ thận trọng và có mục tiêu trong việc hỗ trợ chính sách. Tuần trước, Thủ tướng Trung Quốc Li Qiang đã cam kết đưa ra các biện pháp chính sách có mục tiêu và phối hợp đồng thời thực hiện chúng một cách kịp thời để ổn định tăng trưởng, đảm bảo việc làm và đề phòng rủi ro.
Hôm thứ Hai (10/7), Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) và Cơ quan quản lý tài chính quốc gia (NAFR) cho biết trong một tuyên bố chung rằng, họ đang gia hạn khoản vay cho một số nhà phát triển bất động sản, đồng thời nhấn mạnh mục tiêu là đảm bảo những ngôi nhà đang được xây dựng có thể được giao.