Xuất khẩu của Việt Nam chịu áp lực liên quan đến môi trường, phát triển bền vững và chuyển đổi xanh

Theo Bộ Công Thương Trong 6 tháng đầu năm một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường lớn như EU, Mỹ… tiếp tục phải đối mặt với các áp lực liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh.

Ngày 19/6/2024, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đã chủ trì buổi họp báo thường kỳ quý II/2024 và gặp mặt các cơ quan báo chí nhân dịp kỷ niệm 99 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1945 - 21/6/2024). Thứ trưởng Bộ Công Thương gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến các phóng viên, nhà báo theo dõi, đồng hành cùng ngành Công Thương, Bộ Công Thương trong suốt thời gian qua.

Bộ Công Thương tổ chức họp báo thường kỳ quý II và gặp mặt báo chí nhân kỷ niệm 99 năm ngày BCCMVN.

Bộ Công Thương tổ chức họp báo thường kỳ quý II và gặp mặt báo chí nhân kỷ niệm 99 năm ngày BCCMVN.

Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp, thương mại trong 6 tháng năm 2024, ông Bùi Huy Sơn - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Công Thương cho biết, 6 tháng đầu năm 2024 diễn ra trong bối cảnh tình hình trong và ngoài nước có nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên, ngành Công Thương đã vượt khó để phục hồi và đạt vượt mức kế hoạch trên hầu hết các chỉ tiêu được giao (Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 7,1%, kế hoạch là 5,97-6,68%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí ước tăng 12,9%, kế hoạch là 5,92-6,84%; xuất khẩu ước tăng 13,8%, kế hoạch là 8,3%; nhập khẩu ước tăng 18,4%, kế hoạch là 13,7%), đặc biệt là trong sản xuất công nghiệp với chỉ số IIP tăng cao. Qua đó, có đóng góp trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, củng cố và ổn định các nền tảng tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế là sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu và thị trường trong nước; góp phần xây dựng niềm tin của doanh nghiệp, ổn định đời sống nhân dân. Cũng theo ông Bùi Huy Sơn, trong 6 tháng năm 2024, thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Công Thương đã triển khai xây dựng các Kế hoạch, Chương trình hành động để triển khai thực hiện một cách khẩn trương, quyết liệt những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra; bám sát tình hình biến động của kinh tế thế giới và trong nước để linh hoạt trong công tác chỉ đạo, điều hành; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và người dân nhằm khởi thông mọi nguồn lực cho phát triển.

Dù đạt được những kết quả tích cực, song theo lãnh đạo Bộ Công Thương, trong 6 tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp phục hồi chưa đồng đều. Cùng đó, hoạt động sản xuất và cung ứng năng lượng, đặc biệt là đối với điện và xăng dầu vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn do biến động giá cả xăng đầu trên thị trường trong nước và quốc tế; tình hình thời tiết, thủy văn không ổn định gây ảnh hưởng đến cung – cầu về điện.

Hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng tốt nhưng vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Đó là, xuất khẩu tăng có đóng góp của sự gia tăng về giá (đặc biệt là các mặt hàng nông sản, năng lượng) và gia tăng giá cước vận tải (do tác động của các xung đột chính trị) và sự lên giá của đồng đô la; xuất nhập khẩu vẫn tiếp tục phụ thuộc vào một số thị trường, mặt hàng và khu vực FDI; một số mặt hàng xuất khẩu một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang các thị trường lớn như EU, Mỹ… tiếp tục phải đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, các rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh.

Quang cảnh buổi họp báo.

Quang cảnh buổi họp báo.

Chưa kể, thị trường trong nước cơ bản phục hồi nhưng vẫn còn đối diện với áp lực tăng giá, lạm phát và các hành vi kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng. Từ ngày 15/4/2023 đến 14/5/2024, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã đồng loạt ra quân kiểm tra 7.352 vụ, phát hiện, xử lý 4934 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách trên 57 tỷ đồng.

Trong nửa cuối năm, lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng, hoạt động xuất nhập khẩu có nhiều thuận lợi khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) đang có với các đối tác/thị trường tiếp tục có tác động tích cực, duy trì lợi thế của Việt Nam trong hoạt động thương mại, đầu tư. Song nền kinh tế toàn cầu đang bước vào một thời kỳ mới với nhiều rủi ro, thách thức và khó đoán định làm gia tăng sự cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu của Việt Nam... Do đó, để hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch trong 6 tháng cuối năm và cả năm 2024, ngành Công Thương tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 01, Nghị quyết 02 và Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2024 với trọng tâm là 3 nhóm nhiệm vụ và giải pháp, cụ thể:

Cũng trong buổi họp báo, chia sẻ về công tác phối hợp truyền thông của Bộ Công Thương với các cơ quan báo chí trong thời gian qua, nhà báo Vũ Minh Hường - Trưởng phòng Thời sự của Truyền hình Quốc hội đánh giá cao công tác này. Nhà báo Vũ Minh Hường cho biết, thông tin từ ngành Công Thương luôn là một trong những chủ đề nóng nhận được sự quan tâm của đông đảo phóng viên, nhà báo. Văn phòng Bộ Công Thương cũng như các đơn vị chức năng trong Bộ đã thường xuyên và kịp thời giải đáp những thắc mắc xung quanh những vấn đề nóng như xăng dầu, điện... "Bộ Công Thương đã cởi mở hơn với báo chí trong công tác thông tin tuyên truyền, tạo điều kiện cho các nhà báo, phóng viên hoàn thành nhiệm vụ do tòa soạn phân công" - nhà báo Vũ Minh Hường chia sẻ và mong muốn, thời gian tới Bộ Công Thương sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các phóng viên, nhà báo trong công tác thông tin, tuyên truyền.

Cũng trong buổi gặp gỡ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân một lần nữa gửi lời cảm ơn và chúc mừng đến các cán bộ, lãnh đạo, nhà báo, phóng viên, cộng tác viên, cán bộ nhân viên công tác tại cơ quan báo, tạp chí, ngành Công Thương và các phóng viên báo, đài đã luôn đồng hành cùng ngành Công Thương.

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân trao giấy kken cho những nhà báo, phóng viên có thành tích xuất sắc tuyên truyền về ngành Công Thương.

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân trao giấy kken cho những nhà báo, phóng viên có thành tích xuất sắc tuyên truyền về ngành Công Thương.

Thứ trưởng nhấn mạnh, trong thời gian qua, báo chí đã thể hiện tốt vai trò của mình trong việc nêu ra những tấm gương điển hình để giúp các phong trào thi đua, sản xuất kinh doanh được biết đến và nhân rộng. Mặt khác, báo chí, truyền thông cũng giúp ngành Công Thương trong việc phát hiện ra những vấn đề và nội dung cần được đánh giá, xem xét để có thể đưa ra được những giải pháp xử lý đúng đắn, góp phần thúc đẩy và phát triển ngành Công Thương.

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng chia sẻ, thời gian tới, những nhiệm vụ của ngành Công Thương khá nặng nề, do vậy, Bộ Công Thương mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành, chia sẻ của các cơ quan báo chí để đạt được những kết quả đã được Chính phủ, Quốc hội giao.

Doãn Kiên

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/xuat-khau-cua-viet-nam-chiu-ap-luc-lien-quan-den-moi-truong-phat-trien-ben-vung-va-chuyen-doi-xanh-89325.html