Xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào đơn hàng từ nước ngoài
Bộ Công Thương cho biết, xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào đơn hàng từ nhà nhập khẩu nước ngoài và các dịch vụ bổ trợ khác.
Theo Bộ Công Thương, đến nay Việt Nam đã ký kết và cơ bản kết thúc đàm phán 17 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ; đang đàm phán, chuẩn bị khởi động đàm phán 3 Hiệp định và 1 khung khổ kinh tế.
Tổng kim ngạch xuất khẩu sang các nước đối tác tham gia các Hiệp định FTA chiếm khoảng 65% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi năm 2023 đạt trên 86 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2022, chưa kể kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường đối tác tham gia các FTA đã xóa bỏ thuế quan về 0%.
Bộ Công Thương nhấn mạnh, thời gian qua, việc khai thác ưu đãi các FTA luôn được Bộ Công Thương quan tâm chú trọng và đã ghi nhận kết quả tích cực. Trong giai đoạn 10 năm (từ 2013-2022), mức tăng trưởng bình quân kim ngạch xuất khẩu có sử dụng ưu đãi thuế quan theo các Hiệp định FTA là 12,7%/năm, cao hơn mức tăng bình quân tổng kim ngạch xuất khẩu (12,5%/năm giai đoạn 2013-2022).
Việc thực thi các FTA thời gian qua đã mở ra cơ hội rất lớn cho Việt Nam trong mở rộng thị trường, tăng trưởng thương mại, xuất nhập khẩu và đầu tư, góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam duy trì mức tăng trưởng cao từ 6-7%/năm.
Song, Bộ Công Thương cho rằng, bên cạnh những kết quả nổi bật đã đạt được, hoạt động xuất khẩu nói chung và việc tận dụng ưu đãi từ các Hiệp định FTA nói riêng còn một số tồn tại, hạn chế.
Cụ thể, hoạt động xuất khẩu tuy phục hồi tích cực nhưng chưa bền vững vì chịu ảnh hưởng mạnh từ các yếu tố bất ổn về chuỗi cung ứng và nhu cầu thị trường thế giới chưa phục hồi như kỳ vọng. Thêm vào đó, xuất khẩu còn phụ thuộc lớn vào một số nền thị trường lớn; các doanh nghiệp FDI còn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu (khoảng 73% năm 2023) và hiệu quả khai thác các ưu đãi từ các Hiệp định FTA chưa cao như kỳ vọng...
Phân tích nguyên nhân của những tồn tại trên, Bộ Công Thương cho biết, trước hết đến từ diễn biến phức tạp, khó lường, các cuộc xung đột vũ trang trên thế giới đã tác động sâu sắc, nhiều mặt đến kinh tế và tác động trực tiếp đến chuỗi cung ứng toàn cầu (khủng hoảng Trung Đông, Biển Đỏ), gây sức ép tăng giá các mặt hàng chiến lược (năng lượng, lương thực), lạm phát toàn cầu chưa được kiểm soát, giá cước vận tải vẫn ở mức cao làm giảm sự phục hồi của thương mại, đầu tư toàn cầu...
Trong khi đó, xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào đơn hàng từ nhà nhập khẩu nước ngoài và các dịch vụ bổ trợ như logistics, chuỗi phân phối của doanh nghiệp nước ngoài nên bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề, đặc biệt trong những tháng đầu năm 2023.
Thứ hai, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam còn phụ thuộc một số thị trường lớn vì dù chúng ta đã rất cố gắng thời gian qua nhưng việc cạnh tranh, từng bước chiếm lĩnh thị phần của các đối thủ khác để khai mở thị trường mới là nhiệm vụ khó khăn, cần có thời gian, nỗ lực vượt bậc của doanh nghiệp và sự hỗ trợ của Chính phủ, đặc biệt trong bối cảnh các nước đều dành nguồn lực lớn hỗ trợ xuất khẩu.
Thứ ba, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ... phải đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ, các rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh.
Thứ tư, doanh nghiệp FDI hiện còn chiếm tỷ trong cao trong tổng xuất khẩu một phần nhờ lợi thế lớn về vốn đầu tư, hệ thống phân phối, thương hiệu, chuỗi cung ứng hoàn chỉnh nhiều năm ở phạm vi toàn cầu nên năng lực cạnh tranh cao trong xuất khẩu. Thời gian qua, các doanh nghiệp trong nước đã nỗ lực từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu (năm 2023 và 4 tháng 2024 tăng trưởng xuất khẩu cao hơn doanh nghiệp FDI), nhưng để nâng cao tỷ trọng xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước cần thời gian và nỗ lực của cả doanh nghiệp và sự hỗ trợ của Chính phủ.
Thứ năm, cam kết của các Hiệp định thương mại tự do tương đối phức tạp trong khi mức độ quan tâm, nguồn lực đầu tư cho việc nghiên cứu, khai thác ưu đãi của một bộ phận doanh nghiệp còn hạn chế, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trong bối cảnh đó, để đồng hành, hỗ trợ cùng các doanh nghiệp trong việc khai thác và tận dụng ưu đãi từ các FTA, Bộ Công Thương đã và đang tập trung triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, trong đó chú trọng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thúc đẩy tận dụng các Hiệp định FTA. Đưa ra các giải pháp giúp doanh nghiệp tận dụng ưu đãi từ các FTA để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu sang các thị trường truyền thống và khai mở các thị trường mới tiềm năng, trong thời gian tới Bộ Công Thương sẽ tập trung một số giải pháp trọng tâm.
Đơn cử, Bộ sẽ nắm bắt khó khăn, vướng mắc về sản xuất, xuất khẩu hàng hóa thông qua mối liên hệ chặt chẽ với các Hiệp hội ngành hàng để kịp thời giải quyết theo thẩm quyền hoặc tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền. Bám sát tình hình thực tế, chỉ đạo kịp thời, điều hành linh hoạt công tác xuất khẩu gạo và các nông sản khác; định hướng, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia các cuộc đấu thầu nhập khẩu gạo của Chính phủ các nước nhằm khai thác tối đa cơ hội thuận lợi trên thị trường thế giới, đồng thời, đảm bảo tuyệt đối an ninh năng lượng quốc gia.
Bộ Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Ngoại giao đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu, đặc biệt cho các mặt hàng trái cây và sản phẩm trồng trọt; Phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan triển khai chỉ đạo của Chính phủ liên quan đối Thuế tối thiểu toàn cầu nhằm duy trì sức hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam, qua đó củng cố năng lực xuất khẩu bền vững.
Ngoài ra, Bộ Công Thương điều tiết tốt tốc độ thông quan tại các cửa khẩu biên giới, khuyến cáo doanh nghiệp, thúc đẩy chuyển sang thương mại chính ngạch.
Đồng thời, Bộ sẽ theo dõi sát biến động chính sách của các đối tác thương mại, đặc biệt các đối tác thương mại lớn để tham mưu, đề xuất với Chính phủ các phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời để thúc đẩy xuất khẩu; Chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài thường xuyên liên tục cập nhật các thông tin về quy định, chính sách của thị trường sở tại, kịp thời thông tin, khuyến nghị đối với các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu.