Xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản năm 2022 liệu có đạt kỳ vọng?

Từ đầu năm 2022 đến nay, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản tiếp tục tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2021. Trong các tháng còn lại, liệu mặt hàng đồ gỗ và lâm sản có thể duy trì được 'phong độ' để hoàn thành mục tiêu, kế hoạch đề ra của năm 2022, trong khi tình trạng lạm phát ở các thị trường nhập khẩu chính đồ gỗ và lâm sản của Việt Nam là Mỹ và EU cũng như tình hình dịch bệnh, chính sách 'Zero Covid' tại Trung Quốc đang tác động không nhỏ tới quá trình xuất khẩu ở nước ta?

Tiếp tục xuất siêu

Từ đầu năm 2022 đến nay, dù tiếp tục đối mặt với hàng loạt khó khăn, thách thức nhưng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản của Việt Nam vẫn đạt con số khá ấn tượng 9,1 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 56% kế hoạch giao (phần lớn là sản phẩm đồ gỗ). Xuất siêu ước đạt 7,508 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2021. Các thị trường xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản chính gồm: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc-chiếm trên 90% tổng giá trị xuất khẩu nhóm mặt hàng này. Việc tăng kim ngạch xuất khẩu, xuất siêu nhóm mặt hàng đồ gỗ, lâm sản đã đóng góp tích cực và quan trọng vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp Việt Nam từ đầu năm 2022 đến nay cũng như nhiều năm qua.

 Sản xuất gỗ tại một doanh nghiệp ở tỉnh Bình Dương (Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Sao Nam). Ảnh: NGHINH XUÂN

Sản xuất gỗ tại một doanh nghiệp ở tỉnh Bình Dương (Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Sao Nam). Ảnh: NGHINH XUÂN

Kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản, xuất siêu của Việt Nam tiếp tục tăng là nhờ nguồn nguyên liệu từ gỗ rừng trồng (rừng sản xuất) trong nước. Hiện nguồn nguyên liệu gỗ trong nước đáp ứng khoảng 70-75% cho sản xuất, chế biến đồ gỗ. Bên cạnh đó, việc gia tăng diện tích rừng trồng được cấp các loại chứng chỉ quản lý rừng đã góp phần nâng cao hình ảnh sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Ông Nguyễn Văn Diện, Vụ trưởng Vụ Phát triển sản xuất lâm nghiệp (Tổng cục Lâm nghiệp) cho biết, cả nước hiện có 372.140ha được cấp chứng chỉ rừng bền vững tại 31 địa phương, trong đó cấp theo chứng chỉ FSC là 264.820ha; cấp theo Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia (VFCS) là 107.320ha. Riêng đầu năm 2022 đến nay có 46.000ha được cấp chứng chỉ rừng bền vững. Dự kiến năm 2022 sẽ có khoảng 90.000ha rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững được cấp mới.

Bên cạnh những điểm sáng của ngành lâm nghiệp 6 tháng đầu năm, ông Nguyễn Văn Diện cũng dự báo "khó khăn kép" về sản xuất, chế biến đồ gỗ của nước ta đang phải đối mặt, khi Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã khởi xướng điều tra xem xét tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam liên quan đến vấn đề nguồn gốc, xuất xứ và gian lận thương mại. Đây là thị trường lớn trong xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam, nếu xảy ra biến động của thị trường này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới tốc độ tăng trưởng xuất khẩu toàn ngành.

Theo các chuyên gia về lâm nghiệp, do tác động bởi tình hình dịch bệnh, chính sách “Zero Covid” tại Trung Quốc cũng như chi phí đầu vào tăng cao do tác động từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine khiến nhiều quốc gia đối mặt với tình trạng lạm phát tăng cao, người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng không thiết yếu giảm, trong đó có mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ. Vì vậy, xuất khẩu gỗ và lâm sản những tháng cuối năm 2022 sẽ tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, thách thức.

Giải thách thức từ thị trường

Trước những khó khăn, thách thức từ các thị trường xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản của Việt Nam trong các tháng còn lại của năm 2022 và thời gian tới, ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết: Dự báo xuất khẩu lâm sản cả năm 2022 đạt khoảng 16,3 tỷ USD. Để thực hiện mục tiêu, kế hoạch năm 2022, Tổng cục Lâm nghiệp sẽ chủ động họp bàn với các hiệp hội và các doanh nghiệp để một mặt vẫn chủ động đáp ứng những hợp đồng đã ký, mặt khác mở rộng ra các thị trường ít bị biến động ảnh hưởng, để không phụ thuộc vào một thị trường nào đó. Ngành tiếp tục bám sát để xây dựng kịch bản điều hành về xuất, nhập khẩu lâm sản hiệu quả, bảo đảm chỉ tiêu kế hoạch xuất khẩu năm 2022.

Đối với nguồn nguyên liệu trong chế biến xuất khẩu, các doanh nghiệp cần tăng cường việc sử dụng nguyên liệu trong nước, đặc biệt là gỗ rừng trồng. Các doanh nghiệp cũng cần chủ động sản xuất các sản phẩm phụ trợ để giảm giá thành thấp nhất và đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu của các thị trường.

Thời gian tới, ngành lâm nghiệp sẽ tập trung thực hiện, phối hợp với các ngành chức năng trong việc ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại của một số doanh nghiệp xuất khẩu, kiểm soát chặt gỗ nhập khẩu từ các nước có nhiều rủi ro về nguồn gốc gỗ bất hợp pháp. Đồng thời nhân rộng mô hình liên kết thành công giữa doanh nghiệp chế biến gỗ và hộ gia đình trồng rừng để vừa bảo đảm nguồn gốc gỗ hợp pháp trong nước, vừa tăng giá trị gia tăng, giảm chi phí giá thành cho sản phẩm, qua đó nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm đồ gỗ Việt Nam.

NGUYỄN KIỂM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/xuat-khau-do-go-va-lam-san-nam-2022-lieu-co-dat-ky-vong-701730