Xuất khẩu gạo cần phải có cơ chế tín dụng riêng

Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần có cơ chế chính sách tín dụng cho ngành gạo.

Xuất nhập khẩu đang giảm tốc

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong quý I/2023, tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam có phần suy giảm, đạt 154,27 tỷ USD.

Trong đó, xuất khẩu đạt 79,17 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, kim ngạch nhập khẩu đạt 75,1 tỷ USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

 Xuất nhập khẩu đang giảm tốc, nhiều ngành xuất khẩu giảm sâu. (Ảnh: HQ)

Xuất nhập khẩu đang giảm tốc, nhiều ngành xuất khẩu giảm sâu. (Ảnh: HQ)

Trong khi đó, báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải Quan cập nhật tới ngày 15/4, tổng giá trị xuất nhập khẩu đạt 179,74 tỷ USD, giảm 14,6%, mức giảm này tương đương 30 tỷ USD.

Báo cáo của 2 cơ quan này đều cho thấy, các nhóm ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện; điện thoại; máy móc, thiết bị; hàng dệt may, sắt thép... đều giảm sâu. Cá biệt, hàng dệt may giảm 1,84 tỷ USD, tương ứng với 18,1%.

Theo Bộ Công Thương, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng giảm sâu của xuất nhập khẩu đến từ nhiều lý do. Đơn cử như việc các ngành hàng đều gặp khó khăn do lạm phát cao, giảm tổng cầu trên phạm vi toàn thế giới, đặc biệt là hàng hóa tiêu dùng không thiết yếu. Tuy nhiên, tác động đến từng ngành hàng có sự khác nhau.

Những ngành hàng có thị trường xuất khẩu chính là Hoa Kỳ, EU,.. như dệt may, da giày, gỗ, thủy sản có mức sụt giảm nhiều nhất.

Về vấn đề này, ông Trần Như Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho rằng: Để ngành dệt may phục hồi, trong ngắn hạn cần tăng cường xúc tiến thương mại, chương trình làm việc giữa Việt Nam và các quốc gia để mở rộng thị trường xuất khẩu thông qua Tham tán thương mại.

Trong đó tập trung vào các quốc gia trong khối CPTPP và EU, những nơi mà Việt Nam đã ký những Hiệp định thương mại song phương. Đồng thời, có gói vay ưu lãi suất ưu đãi 0% để trả lương cho người lao động.

Hay với ngành hàng thủy sản, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết: Trong 3 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản giảm 27,5% - tương đương mức giảm trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát nặng nhất.

“Dự báo xuất khẩu thủy sản tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn trong năm nay bởi các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản đều suy giảm mạnh”, ông Nam nhận xét.

Cơ chế riêng tín dụng cho ngành gạo

Mặc dù sự suy giảm không bằng các ngành chế biến, chế tạo, thế nhưng, ngành gạo Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều sức ép từ các thị trường xuất khẩu khác.

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đánh giá, việc xuất khẩu đang có thuận lợi khi cầu thế giới tăng, giá gạo ở mức cao, thế nhưng, hiệu quả mang lại cho doanh nghiệp, người dân chưa tương xứng.

 Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần có cơ chế chính sách tín dụng cho ngành gạo. (Ảnh: YD)

Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần có cơ chế chính sách tín dụng cho ngành gạo. (Ảnh: YD)

Về nguyên nhân, theo ông Nguyễn Ngọc Nam, các doanh nghiệp trong ngành chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên nguồn tài chính hạn chế, khi tới mùa vụ thường thiếu vốn để thu mua lúa gạo. Do đó Ngân hàng Nhà nước cần có cơ chế chính sách tín dụng cho ngành gạo.

Riêng với đề xuất của VFA, ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã có đề nghị với Ngân hàng Nhà nước khẩn trương có giải pháp, chính sách hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh (nhất là gói tín dụng theo chuỗi giá trị sản phẩm); ưu tiên tín dụng cho lĩnh vực xuất nhập khẩu.

Bộ Công Thương cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu để có các chính sách về khoanh, giãn, hoãn và giảm nợ cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu để không chỉ cứu đơn hàng mà còn cứu cả thị trường.

“Tôi cũng mong muốn Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn tín dụng với thời hạn, mức vay và lãi suất hợp lý để các doanh nghiệp, người sản xuất duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh của mình”, ông Diên nói.

Định Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/xuat-khau-gao-can-phai-co-co-che-tin-dung-rieng-post245412.html