Xuất khẩu gạo của cả nước đạt hơn 2 tỉ USD trong 8 tháng đầu năm
Tính chung cả 8 tháng đầu năm 2021 lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt gần 3,99 triệu tấn, tương đương gần 2,13 tỉ USD, giá trung bình đạt 534 USD/tấn, giảm 13,4% về khối lượng so với cùng kỳ năm 2020.
Thời gian vừa qua, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhất là ở các tỉnh thành phía Nam. GIán cách xã hội khiến việc đi lại, vận chuyển gặp khó, bên cạnh đó, tình trạng thiếu nhân công cũng là một rào cản cho các doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết họ đã ký kết hợp đồng và phải giao hàng. Trong bối cảnh đó, các công ty đã cố gắng đàm phán tìm tàu và container đóng hàng để kịp giao hàng. Thậm chí, có doanh nghiệp không dám ký hợp đồng mới.
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 8/2021 xuất khẩu (XK) gạo tăng nhẹ 7,4% về lượng và tăng 1,3% kim ngạch so với tháng 7/2021; đạt 499.033 tấn, tương đương 243,31 triệu USD.
Hoạt động xuất khẩu gạo gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. (Ảnh minh họa)
Trong tháng 8/2021 nhóm thị trường chủ đạo nhìn chung tăng trưởng tốt so với tháng 7/2021. Cụ thể, xuất khẩu sang Philippines tăng 55% cả về lượng và kim ngạch, đạt 274.599 tấn, tương đương 133,5 triệu USD.
Xuất khẩu gạo sang Trung Quốc tăng 45,6% về lượng và tăng 28,9% kim ngạch, đạt 91.010 tấn, tương đương 38,13 triệu USD. Xuất khẩu sang Malaysia tăng 94,6% về lượng và tăng 87% kim ngạch, đạt 30.295 tấn, tương đương 13,57 triệu USD.
Ngược lại, xuất khẩu gạo sang thị trường Bờ biển Ngà sụt giảm rất mạnh so với tháng 7/2021, giảm 99% cả về lượng và kim ngạch, đạt 750 tấn, tương đương 403.349 USD.
Tính chung cả 8 tháng đầu năm 2021 lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt gần 3,99 triệu tấn, tương đương gần 2,13 tỉ USD, giá trung bình đạt 534 USD/tấn, giảm 13,4% về khối lượng so với cùng kỳ năm 2020, giảm 5,5% về kim ngạch, nhưng giá tăng 9,2%.
Philippines đứng đầu về thị trường tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 38% trong tổng lượng và kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước, đạt trên 1,54 triệu tấn, tương đương 798,26 triệu USD.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ 2 của Việt Nam, tăng trưởng tốt 36,9% về lượng, tăng 18,7% về kim ngạch nhưng giá xuất khẩu lại giảm 13,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Tiếp sau đó là thị trường Ghana đạt 406.808 tấn, tương đương 239,81 triệu USD, giá 589,5 USD/tấn, tăng cả về lượng, kim ngạch và giá với mức tăng tương ứng 13,2%, 27,8% và 12,9% so với cùng kỳ, chiếm 11% trong tổng lượng và tổng kim ngạch.
Trước đó, trong 7 tháng năm 2021, mặc dù xuất khẩu gạo giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng theo Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), xuất khẩu gạo vẫn đạt 550 nghìn tấn với trị giá 289 triệu USD, đưa tổng khối lượng gạo xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2021 lên 3,58 triệu tấn.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, do phải thực hiện nghiêm quy định về phòng chống dịch nên việc thu mua, chế biến, xuất khẩu của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong thời gian vừa qua.
Tuy nhiên, đây chỉ là khó khăn nhất thời, về tổng quan thì tổng nhu cầu gạo trên thị trường thế giới sẽ tăng, trong khi nguồn cung từ các quốc giá xuất khẩu gạo lớn như Ấn Độ, Thái Lan sẽ giảm. Đây là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu gạo.