Xuất khẩu gạo 'được mùa', dân háo hức trồng lúa chất lượng cao
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong những ngày đầu năm 2024 tiếp tục giữ ở mức cao. Điều này tạo phấn khởi cho người dân, hợp tác xã ngay từ đầu vụ Đông Xuân đã bắt tay vào việc chuyển đổi mô hình, áp dụng các công nghệ, kỹ thuật để hiện thực hóa Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao vừa được Chính phủ phê duyệt.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), sau khi Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao (Đề án) và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được phê duyệt, nhiều địa phương đang tích cực đăng ký diện tích trồng lúa chất lượng cao để triển khai.
Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang cho biết, tham gia Đề án và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh, đến thời điểm này tỉnh An Giang đã đăng ký diện tích 100.000ha đến năm 2025 và 150.000ha đến năm 2030 tại 11 huyện, thị, thành.
Theo thống kê, đến nay toàn tỉnh An Giang có khoảng 90% diện tích canh tác lúa áp dụng “3 giảm 3 tăng” (giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng thuốc trừ sâu, bệnh, giảm lượng phân đạm; tăng năng suất lúa, tăng chất lượng lúa gạo, tăng hiệu quả kinh tế), và 47% diện tích áp dụng “1 phải 5 giảm” (phải sử dụng giống lúa xác nhận; Giảm giống, giảm nước, giảm phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật và giảm thất thoát sau thu hoạch).
Diện tích tham gia đăng ký trả tín chỉ carbon năm 2024 của An Giang là 50 nghìn ha. Đặc biệt, theo ông Lâm, để đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu cao cấp, tỉnh đã triển khai sản xuất lúa gạo theo tiêu chuẩn bền vững (SRP) cho hơn 1.200 hộ nông dân, thực hiện với tổng diện tích qua các mùa vụ là 22.000ha; 60ha sản xuất theo GlobalGAP; 20ha đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Trong khi đó, với tư cách là địa phương có diện tích sản xuất lúa lớn nhất cả nước, Sở NN&PTNT Kiên Giang cho biết, tỉnh đã đăng ký diện tích 60.000ha/vụ (tương đương 120.000ha/năm). Đến năm 2025 là 100.000ha/vụ và năm 2030 sẽ có 200.000ha/vụ (tương đương 400.000ha/năm). Đồng thời, tất cả diện tích đã đạt chuẩn trong chương trình VnSAT sẽ tham gia đề án giai đoạn 2024 - 2025.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, bước đầu có 112 hợp tác xã đủ điều kiện tham gia đề án tại 8 huyện của tỉnh. Hiện tại, Sở NN&PTNT Kiên Giang đã trình UBND tỉnh về kế hoạch thực hiện đề án này và đề xuất nguồn vốn cho đề án. Trong đó, địa phương đặc biệt quan tâm tới hai chỉ tiêu là kéo rơm ra đồng ruộng, tiêu thụ rơm và hoàn thiện hạ tầng để tưới nước ngập, khô xen kẽ.
“Tỉnh đang mời gọi nhà đầu tư vào thực hiện thu gom chế biến rơm rạ để xuất khẩu. Đây là sản phẩm hữu cơ quan trọng trong nông nghiệp. Còn hạ tầng tưới ngập, khô xen kẽ phải đầu tư cho các vùng này”, lãnh đạo Sở NN&PTNT Kiên Giang cho hay.
Kỳ vọng giá lúa chất lượng cao đạt tới 1.000 USD/tấn
Ông Trần Thái Nghiêm - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ thông tin, đến thời điểm này địa phương đã đăng ký 50.000ha lúa chất lượng cao. Cụ thể, giai đoạn 2024 - 2025 TP đăng ký 30.000ha, giai đoạn đến năm 2030 tăng thêm 20.000ha tại ba huyện Thới Lai, Cờ Đỏ và Vĩnh Thạnh.
“Vùng trồng phải được quản lý, phải được cấp định danh, rồi quá trình sản xuất phải có nhật ký. Chỉ cần thêm những động tác đó, giá gạo có thể không dừng lại ở con số 650 USD/tấn như bây giờ mà có khi trên 1.000 USD/tấn chẳng hạn”. lãnh đạo Sở NN&PTNT Cần Thơ
Cần Thơ sẽ tập trung làm các giống lúa thơm, giống đặc sản như Jasmine 85, Đài thơm 8, RVT hoặc các giống lúa ST cho vụ đông xuân 2023. Còn vụ hè thu và thu đông, tập trung vào các bộ giống chất lượng cao là OM 5451 và OM 18.
Theo ông Nghiêm, người nông dân, doanh nghiệp và ngành nông nghiệp đón nhận thông tin thực hiện “đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao” với tinh thần hưng phấn vì đề án mở ra triển vọng thúc đẩy ngành hàng lúa gạo bền vững hơn. TP Cần Thơ đã có được nền tảng từ dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) với 30.000ha đã tham gia nên sẽ thuận lợi hơn khi được triển khai đề án này.
“Vùng trồng phải được quản lý, phải được cấp định danh, rồi quá trình sản xuất phải có nhật ký. Chỉ cần thêm những động tác đó thì giá gạo có thể không dừng lại ở con số 650 USD/tấn như bây giờ mà có khi trên 1.000 USD/tấn chẳng hạn”, lãnh đạo Sở NN&PTNT Cần Thơ kỳ vọng.
Tại Đồng Tháp, Sở NN&PTNT tỉnh này cho biết, năm 2024 đã đăng ký diện tích 52.000ha, năm 2025 tăng lên 70.000ha, mục tiêu đến năm 2030 là 163.000ha lúa tham gia đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.
Hiện nay, diện tích đã liên kết tham gia Đề án 1 triệu ha lúa vụ đông xuân 2024 khoảng 41.000ha. “Ngành nông nghiệp địa phương đang tích cực vận động nông dân, hợp tác xã và kết nối doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ đào tạo tập huấn cho nông dân về kỹ thuật, giảm giá thành sản xuất”, đại diện Sở NN&PTNT Đồng Tháp cho hay.
Chỉ đạo tại cuộc họp về triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan yêu cầu các đơn vị chuyên môn của Bộ xây dựng tài liệu phục vụ Đề án và tổ chức các lớp đào tạo với tinh thần: “Đào tạo cho những người đi đào tạo. Huấn luyện cho những người đi huấn luyện”.
Theo ông Hoan, hiện Bộ NN&PTNT đã cơ bản hoàn thành công tác đàm phán để huy động nguồn lực tài chính cho Đề án với khoảng 600 triệu USD. Trong đó, Ngân hàng Thế giới (WB) đồng ý cho Việt Nam vay khoảng 350 - 400 triệu USD. Bên cạnh đó là các quỹ tín chỉ carbon, biến đổi khí hậu với nguồn vốn viện trợ không hoàn lại khoảng 40 - 50 triệu USD; nguồn ngân sách dự kiến khoảng 100 triệu USD. Ngoài ra, các doanh nghiệp, hiệp hội cũng cam kết đồng hành với Bộ NN&PTNT để thực hiện Đề án.
“Bộ cũng yêu cầu Vụ Hợp tác quốc tế nghiên cứu, tham mưu và đề xuất một số cơ chế đặc biệt cho WB để giải ngân cho Đề án, đẩy nhanh quá trình thực hiện”, ông Hoan nói.