Xuất khẩu gạo kỳ vọng đạt kết quả ấn tượng trong năm 2023
Dự báo, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2023 sẽ đạt khoảng 6,5 - 7 triệu tấn, trong đó có khoảng 3 triệu tấn gạo chất lượng cao. Trong ngắn hạn, giá gạo vẫn ở mức cao, giúp các doanh nghiệp gạo được hưởng lợi trong thời gian tới. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn phía Nam đang ráo riết chuẩn bị hàng gạo dự trữ và xuất khẩu.
Nhiều cơ hội cho doanh nghiệp
Theo số liệu thống kê của cơ quan hải quan, trong năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 7,1 triệu tấn, trị giá 3,45 tỷ USD, tăng 13,8% về lượng và tăng 5,1% về kim ngạch so với năm 2021. Giá xuất khẩu bình quân đạt 486 USD/tấn.
Trong tháng 1/2023 xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 359.310 tấn, mang lại 186,6 triệu USD, giá xuất khẩu trung bình 519,3 USD/tấn. So với tháng 1/2022, giảm 29% về số lượng, nhưng tăng 6,8% về giá xuất khẩu.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 1 vẫn tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường trọng điểm có nhu cầu tiêu thụ lớn về sản lượng. Trong đó, Philippines vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm 35% tổng lượng xuất khẩu gạo của cả nước. Sản lượng gạo hàng hóa xuất khẩu chủ yếu tập trung ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), các vùng khác chủ yếu phục vụ cho tiêu dùng nội địa.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam đánh giá, nhìn chung trong cả năm 2022 và tháng đầu năm 2023, gạo Việt Nam đang có lợi thế trên thị trường quốc tế, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Trong ngắn hạn, giá gạo vẫn ở mức tốt do những bất ổn về kinh tế, chính trị toàn cầu khiến nhu cầu dự trữ lương thực tăng lên. Đây là yếu tố giúp các doanh nghiệp gạo được hưởng lợi trong thời gian tới.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần nâng cao chất lượng gạo, đảm bảo các yêu cầu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật, truy xuất nguồn gốc để tận dụng tối đa ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do.
Ông Phạm Thái Bình - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, ngay từ mùng 4 tết, công ty đã trở lại sản xuất để kịp giao hàng cho đối tác. Giá gạo thơm xuất khẩu tới thị trường Trung Đông, châu Âu của doanh nghiệp này trong năm 2022 đạt mức bình quân 650 USD/tấn, riêng gạo ST24, ST25 có giá trên 1.000 USD/tấn - mức giá xuất khẩu cao đối với gạo trong nhiều năm nay. Mức giá này kỳ vọng sẽ nối dài trong năm 2023.
Đại diện Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, đã ký nhiều hợp đồng cung cấp gạo giao từ nay đến đầu quý II/2023 cho các thị trường Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, châu Âu, Australia và Mỹ; số lượng lên đến gần 1.500 container, tương đương khoảng 30.000 tấn, chủ yếu gạo chất lượng cao và gạo thơm.
Tập đoàn Lộc Trời cũng đã nhận được đơn đặt hàng lên đến 40.000 tấn gạo cho thị trường châu Âu trong năm 2023. Mặc dù gạo xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) ở giai đoạn này quy mô chưa lớn, sản lượng chưa nhiều, nhưng rõ ràng đây là tín hiệu vui cho người trồng lúa, cũng như xuất khẩu đem lại giá trị kinh tế cao.
Kỳ vọng và cảnh báo rủi ro
Mới đây, tại Hội nghị chuyên đề về xuất khẩu gạo trong năm 2023 do Bộ Công thương tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho biết, việc Trung Quốc mở cửa thị trường trở lại là tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong năm 2023.
Ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng nhận định, nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường truyền thống như Philippines, Trung Quốc, châu Phi... nhìn chung trong quý I và II/2023 sẽ ổn định do các nước đang tăng cường dự trữ lương thực cũng như chuẩn bị cho thời điểm năm mới.
Theo Hiệp định EVFTA (Việt Nam - EU), Việt Nam được cấp hạn ngạch 80.000 tấn, trong đó 30.000 tấn gạo trắng, 30.000 gạo thơm, 20.000 tấn gạo lứt. Do đó, các đơn hàng gạo xuất khẩu nếu nằm trong danh mục trên thì được miễn thuế 175 ER/tấn. Đây là lợi thế rất lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu. Do đó, các doanh nghiệp nên tìm cách gia tăng sản lượng, chủng loại gạo để tận dụng tối đa lợi thế.
Thông tin từ Tập đoàn Tân Long cho biết, thương hiệu gạo A An đã có mặt tại các thị trường lớn và có yêu cầu kỹ thuật cao như: Nhật Bản, Đức, Czech, Thụy Điển… Trong năm 2023, Tân Long sẽ tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu các dòng sản phẩm gạo chủ lực giá trị cao như ST24, ST24 Organic và Japonica sang Nhật. Sau Nhật Bản, Tân Long sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội tại các thị trường lớn tiềm năng khác như Mỹ, châu Âu (EU).
Tuy nhiên, các chuyên gia và Bộ Công thương cũng đưa ra nhận định và cảnh báo, mặc dù thuận lợi về mặt thị trường, song hiện nay theo phản ánh, các doanh nghiệp, ngành gạo lại đang gặp khó khăn về nguồn vốn. Bên cạnh đó, vẫn còn những khó khăn tiềm ẩn liên quan đến giá cước vận tải biển cao, giá cả đầu vào sản xuất lúa gạo cao cũng như tình hình xung đột ở một số khu vực trên thế giới tác động đến giá các mặt hàng lương thực khác.
Riêng về chất lượng gạo xuất khẩu, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đang khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần nâng cao chất lượng gạo, đảm bảo các yêu cầu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật, truy xuất nguồn gốc để tận dụng tối đa ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do.
Tập đoàn Lộc Trời cho rằng, doanh nghiệp cần có sự điều chỉnh, thay đổi và khi thay đổi sẽ tạo ra được giá trị gia tăng mới cao hơn. Điều này dẫn dắt lại người trồng lúa đảm bảo được tiêu chuẩn ngay từ khi chọn giống, ứng dụng các quy trình canh tác, chuẩn hóa từng chất lượng nông sản; trong đó có hạt gạo cho từng thị trường phù hợp.
Dưới góc độ kinh doanh, các chuyên gia cũng đưa ra cảnh báo doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần thận trọng với những đơn hàng ký trước, ký với các thị trường xa và khách hàng mới để đề phòng rủi ro.