Xuất khẩu gạo sắp cán mốc 8 triệu tấn
Lũy kế từ đầu năm đến 15/12, xuất khẩu gạo đạt hơn 7,93 triệu tấn, kim ngạch gần 4,54 tỷ USD, tăng 15,4% về lượng và gần 36% về kim ngạch so với cùng kỳ.
Theo thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 12 (1-15/12), cả nước xuất khẩu 292.192 tấn gạo, kim ngạch đạt 200 triệu USD.
Lũy kế từ đầu năm đến 15/12, cả nước xuất khẩu hơn 7,93 triệu tấn gạo, kim ngạch gần 4,54 tỷ USD, tăng 15,4% về lượng, tăng gần 36% về kim ngạch so với cùng kỳ 2022.
Đánh giá về tình hình xuất khẩu gạo năm 2023, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương đánh giá, trong bức tranh xuất nhập khẩu không nhiều điểm sáng của năm 2023, xuất khẩu nhiều mặt hàng vẫn đạt được kết quả cao, tiêu biểu là rau quả và gạo. Đây cũng là kết quả tích cực, thể hiện sự nỗ lực của doanh nghiệp trong mở rộng thị trường, nắm bắt thời cơ cho xuất khẩu.
Về thị trường xuất khẩu (cập nhật của Tổng cục Hải quan hết tháng 11), ASEAN và Trung Quốc là hai thị trường lớn nhất.
Trong đó, xuất sang ASEAN đạt 4,58 triệu tấn, tăng 25,6% so với cùng kỳ năm ngoái; Trung Quốc đạt 896 nghìn tấn, tăng 10,9%.
Tính chung lượng gạo xuất sang 2 thị trường đạt 5,48 triệu tấn, chiếm tới 72% lượng gạo xuất khẩu của cả nước trong cùng thời điểm.
Trong khối ASEAN, Philippines và Indonesia là 2 thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. Về nhu cầu nhập khẩu gạo của Indonesia trong năm 2024, ông Phạm Thế Cường, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Indonesia cho biết, theo thống kê của Indonesia, trong 5 năm qua, kể từ năm 2018, sản lượng gạo sản xuất bình quân của nước này tương đối ổn định quanh mức 31 triệu tấn/năm, trong khi mức tiêu dùng khoảng hơn 30 triệu tấn/năm. Đây tiếp tục là cơ hội cho gạo xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt khi thời tiết không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, nhu cầu nhập khẩu gạo của Indonesia sẽ rất lớn, như trường hợp năm 2023.
Dự báo trong 6 tháng đầu năm 2024, Indonesia sẽ phải tiếp tục nhập khẩu gạo. Số lượng và thời điểm nhập khẩu sẽ do chính phủ Indonesia quyết định và thông báo căn cứ vào tình hình sản xuất trong nước, diễn biến thời tiết và thị trường nội địa. Trước mắt lượng gạo nhập khẩu còn lại trong năm 2023 chưa được thực hiện. Chính phủ xem xét gia hạn kéo dài thực hiện trong những tháng đầu năm 2024.
Do vậy, theo ông Cường, các doanh nghiệp Việt Nam cần theo dõi sát thông tin thị trường, tận dụng cơ hội xuất khẩu gạo trong những tháng đầu năm 2024 sang thị trường Indonesia.
Để tận dụng được lợi thế xuất khẩu, trước hết, việc vận hành bền vững chuỗi sản xuất cần được ưu tiên. Xuất khẩu lúa gạo hiện đang phải đối mặt với sự cạnh tranh cao, nguồn cung không ổn định và biến đổi khí hậu… Thực tế mới đòi hỏi ngành hàng quan trọng này cần có chiến lược xoay chuyển để hình thành một hướng đi mới bền vững và thịnh vượng hơn.
Nhằm hướng tới mục tiêu này, mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký Quyết định số 1490/QĐ-TTg ngày 27/11/2023 phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.
Mục tiêu chung của Đề án là hình thành một triệu héc-ta vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp đạt một triệu héc-ta.
Dự báo, năm 2023 Việt Nam có thể xuất khẩu 8 triệu tấn gạo, mức cao nhất từ năm 1989 (năm Việt Nam bắt đầu xuất khẩu gạo) tới nay.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/xuat-khau-gao-sap-can-moc-8-trieu-tan-294440.html