Xuất khẩu gạo toàn cầu năm 2025 dự báo đạt 56,3 triệu tấn

Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, xuất khẩu gạo toàn cầu năm 2025 sẽ tăng lên 56,3 triệu tấn, cao hơn 2,3 triệu tấn so với dự báo đã công bố trước đây.

Xuất khẩu gạo toàn cầu sẽ tăng lên 56,3 triệu tấn

Ngày 22/10, dẫn số liệu từ Báo cáo Triển vọng lúa gạo tháng 10/2024 do Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) vừa công bố, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Houston (Hoa Kỳ) cho biết, giá gạo toàn cầu dự kiến sẽ giảm trong năm 2025 do nguồn cung tăng.

Ngày 28/9, ngay sau khi Chính phủ Ấn Độ đã đình chỉ lệnh cấm xuất khẩu gạo đối với gạo xay xát không phải gạo basmati (non-basmati milled rice) kéo dài hơn 14 tháng, và 1 ngày sau khi giảm thuế xuất khẩu gạo lứt và gạo đồ (parboiled and brown rice) từ 20% xuống còn 10%, thì USDA dự báo xuất khẩu gạo năm 2025 của Ấn Độ được điều chỉnh tăng 3 triệu tấn lên 21 triệu tấn, trong khi dự báo xuất khẩu gạo cho Brazil, Pakistan, Thái Lan và Việt Nam được hạ thấp hơn trước.

Xuất khẩu gạo toàn cầu năm 2025 sẽ tăng lên 56,3 triệu tấn, cao hơn 2,3 triệu tấn so với dự báo đã công bố trước đây. Ảnh minh họa

Xuất khẩu gạo toàn cầu năm 2025 sẽ tăng lên 56,3 triệu tấn, cao hơn 2,3 triệu tấn so với dự báo đã công bố trước đây. Ảnh minh họa

Dự báo nhập khẩu năm 2025 được nâng lên đối với một số quốc gia do giá dự kiến thấp hơn và nguồn cung xuất khẩu lớn hơn, trong đó Trung Quốc, Nepal và Philippines được dự báo có mức tăng lớn nhất.

Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đã dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng thường phi Basmati, mở ra một thời kỳ với nguồn cung dồi dào và giá cả phải chăng hơn cho người tiêu dùng toàn cầu. Việc Ấn Độ trở lại thị trường được kỳ vọng sẽ giúp ổn định giá gạo toàn cầu, mang lại lợi ích cho các nước nhập khẩu.

Cũng theo Báo cáo của USDA, sản lượng gạo toàn cầu trong mùa vụ 2024-2025 dự kiến đạt mức kỷ lục 530,4 triệu tấn, tăng 3,1 triệu tấn so với dự báo trước đó.

Ấn Độ đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng này, cùng với các quốc gia khác như Ai Cập, Guyana, Nhật Bản và Venezuela. Philippines là ngoại lệ duy nhất với dự báo sản lượng giảm.

Đối với thị trường gạo Mỹ, dự báo sản lượng gạo của Mỹ trong mùa vụ 2024-2025 được điều chỉnh tăng nhẹ lên 219,8 triệu tạ Mỹ (1 tạ Mỹ bằng 100 pound, tương đương khoảng 45,36kg), mức cao nhất kể từ mùa vụ 2020-2021.

Nhập khẩu gạo của nước này dự kiến đạt kỷ lục 46,5 triệu tạ Mỹ. Tổng xuất khẩu gạo dự kiến đạt 101 triệu tạ Mỹ, cao hơn 3% so với một năm trước và là mức cao nhất kể từ mùa vụ 2016-2017.

Báo cáo của USDA đã vẽ ra một bức tranh lạc quan cho thị trường gạo toàn cầu trong năm 2025. Nguồn cung dồi dào hơn, giá cả cạnh tranh hơn và nhu cầu ổn định được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và góp phần vào an ninh lương thực toàn cầu. Tuy nhiên, đây cũng là tín hiệu cho thấy cạnh tranh đang gia tăng trên thị trường gạo toàn cầu.

Giá gạo Việt Nam đang đắt nhất thế giới

Theo Tổng cục Hải quan, 9 tháng năm 2024, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt 7 triệu tấn, trị giá 4,37 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của nước ta đã tăng 23,5% so với cùng kỳ.

Mới đây, vào cuối tháng 9, Ấn Độ đã chính thức nới lỏng việc xuất khẩu gạo trắng khiến nguồn cung trở nên dồi dào hơn, nguồn cung tăng khiến giá gạo xuất khẩu của các nước như Việt Nam, Thái Lan, Pakistan điều chỉnh giảm.

Giá gạo xuất của Việt Nam vẫn đang giữ vị trí đắt nhất thế giới. Ảnh minh họa

Giá gạo xuất của Việt Nam vẫn đang giữ vị trí đắt nhất thế giới. Ảnh minh họa

Theo đánh giá của Hiệp hội Lương thực của Việt Nam (VFA), ngày 18/10 giá gạo 5% tấm của Việt Nam đang đứng lại ở mốc 534 USD/tấn, không thay đổi so với phiên trước đó, đặc biệt giá gạo xuất của nước ta vẫn cao hơn giá gạo cùng loại của Thái Lan tới 30 USD/tấn. Hiện vẫn đang giữ vị trí đắt nhất thế giới. Như vậy giá gạo của chúng ta có điều chỉnh giảm theo xu hướng chung của thị trường thế giới nhưng vẫn đang duy trì được mốc là 530 USD/tấn, mốc mà theo các chuyên gia đánh giá vẫn hài hòa được lợi ích của người nông dân và doamh nghiệp xuất khẩu.

Cùng chủng loại là gạo 5% tấm nhưng theo chuyên gia, chất lượng gạo của Việt Nam có ưu thế hơn về độ ngon và mới nên hợp khẩu vị người tiêu dùng hơn so với đối thủ cạnh tranh. Ngoài ra, từ nay đến cuối năm cũng là giai đoạn gia tăng nhu cầu của các khách hàng truyền thống của chúng ta như Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Singapore.

Ông Hoàng Trọng Thủy - Chuyên gia nông nghiệp cho biết, Trung Quốc nhập khẩu gạo trong bốn tháng cuối năm, trong đó có mặt hàng gạo 5% tấm và gạo thường để đưa vào chế biến, do vậy, những doanh nghiệp nào gạo 5% tấm thì nên tận dụng của thị trường của Trung Quốc và tìm cái thị trường ngách thì chúng ta vẫn cứ hướng về Hàn Quốc, Nhật, về EU, về Mỹ.

Cũng theo đánh giá của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, ngoài mặt hàng gạo trắng, các sản phẩm gạo cấp cao như gạo thơm, gạo dẻo, gạo ST25 sẽ không bị ảnh hưởng bởi sự mở cửa xuất khẩu gạo trở lại của Ấn Độ do nhu cầu gạo Việt trong phân khúc này vẫn đang duy trì tích cực ở các thị trường từ Nhật Bản, châu Âu, Hàn Quốc.

Khánh An

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/xuat-khau-gao-toan-cau-nam-2025-du-bao-dat-563-trieu-tan-354032.html