Xuất khẩu gạo trong tình hình mới - Bài 4: Tạo thương hiệu nâng sức cạnh tranh
Vấn đề đặt ra cho nông dân, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gạo Việt Nam là chung tay tạo thương hiệu cho hạt gạo để tăng thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Lợi thế về xuất khẩu lúa gạo đang là động lực và niềm tin cho nông dân sản xuất lúa gạo Việt Nam nói chung và nông dân Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. Qua nhiều thăng trầm của hạt gạo, yêu cầu đặt ra cho nông dân, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gạo Việt Nam là chung tay tạo thương hiệu cho hạt gạo để tăng thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Hiện Việt Nam đã có nhiều thương hiệu gạo được người tiêu dùng thế giới lựa chọn. Đơn cử như tại tỉnh Sóc Trăng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định phát triển liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân thông qua hợp tác xã để xây dựng thương hiệu lúa gạo là yêu cầu cấp thiết từ thực tiễn. Những năm gần đây, hoạt động kết nối giữa doanh nghiệp và hợp tác xã, tổ hợp tác đã giúp tiêu thụ lúa thông qua hợp đồng liên kết ngày càng nhiều, hình thành được vùng sản xuất hàng hóa tập trung.
Theo ông Huỳnh Ngọc Nhã - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng, trên địa bàn tỉnh có 3 doanh nghiệp chế biến lúa gạo xuất khẩu với quy mô hơn 20.000 tấn/năm với tổng số 19 nhà máy, cơ sở xay xát, chế biến lúa gạo và các sản phẩm từ gạo với tổng sản lượng trên 50.000 tấn/năm. Sóc Trăng hiện có 7 nhãn hiệu gạo đóng gói tiêu thụ thị trường nội địa như: Gạo ST, gạo Phú Khang, gạo hữu cơ Nông trường Cá Bờ Đập, gạo Thành Tín, gạo Công Điền, gạo Ba Đẹp, gạo Thanh Cường.
Để tạo chất lượng, xây dựng thương hiệu riêng, các hợp tác xã tại địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã nỗ lực tuân thủ tiêu chuẩn sản xuất lúa gạo chất lượng như thị trường mong muốn. Đơn cử như Hợp tác xã nông nghiệp Vinh Lợi, xã Vĩnh Lợi (huyện Thạnh Trị) có tổng diện tích gần 100 ha, chuyên canh tác các giống lúa chất lượng cao như: RVT, ST20, ST24, ST25. Từ lúc thành lập, hợp tác xã đã tiến hành thử nghiệm quy trình sản xuất lúa an toàn, lúa theo hướng hữu cơ; trong đó, giống lúa thơm đặc sản ST25 có tổng diện tích là 60 ha.
Từ mô hình sản xuất thương mại lúa gạo hữu cơ theo tiêu chuẩn USDA/EU của Mỹ, châu Âu, hợp tác xã đã xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp, công ty với mức giá cao hơn thị trường khoảng 400 đồng/kg. Sản phẩm hiện đã được đóng gói bán ở thị trường trong nước và xuất khẩu; trong đó, gạo ST25 đã có mặt trên thị trường Australia với thương hiệu “Gạo ST25 Vinh Lợi”.
Ông Nguyễn Văn Út, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Vinh Lợi cho biết, việc liên kết hợp tác bền vững giữa hợp tác xã với các công ty, doanh nghiệp đã giúp đầu ra sản phẩm ổn định. Hầu hết thành viên trong hợp tác xã đều tham gia vào cánh đồng lớn, được liên kết bao tiêu sản phẩm nên rất phấn khởi, an tâm sản xuất. Hợp tác xã đã định hướng cho bà con sản xuất lúa an toàn và lúa hữu cơ. Hiện tại, hợp tác xã đang liên kết với Công ty Hongtan Food, công ty thu mua 100% sản lượng và cao hơn giá thị trường. Nếu được chứng nhận sản xuất hữu cơ, giá mua lúa sẽ cao hơn.
Anh Nguyễn Văn Thống - thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp Vinh Lợi chia sẻ, khi tham gia hợp tác xã, sản xuất có chuyển biến, yên tâm về "đầu vào - đầu ra" của sản phẩm. Bên cạnh đó là có nhiều dự án hỗ trợ, xây dựng thương hiệu, liên kết đầu ra giúp bà con an tâm sản xuất. Hợp tác xã liên kết với các đơn vị thường xuyên tổ chức tập huấn chương trình sản xuất lúa hữu cơ, lúa sạch; liên kết với thương lái bao tiêu sản phẩm cho bà con. Sự liên kết này tốt hơn sản xuất ngoài hợp tác xã.
Việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng là hành trình để các hợp tác xã tiến tới xây dựng thương hiệu cho hạt gạo. Ông Phạm Chí Nguyện, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Sóc Trăng cho biết, hiện toàn tỉnh có 216 hợp tác xã đang hoạt động và 1 liên hiệp hợp tác xã. Hầu hết trên địa bàn các huyện, thị xã đều có hợp tác xã điển hình hoạt động hiệu quả, xây dựng thương hiệu, chủ động trong việc tìm kiếm thị trường, liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Là nơi có diện tích sản xuất lúa lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long cũng là địa phương sản xuất lúa lớn nhất cả nước, tỉnh Kiên Giang có giống lúa chất lượng cao phù hợp xuất khẩu như Japonica, ST25, ST21, OM18, Jasmine…, chiếm gần 98,5% tổng diện tích gieo sạ. Chất lượng gạo xuất khẩu cũng ngày càng cao đã thu hút nhu cầu mua của nhiều nước.
Theo ông Phạm Văn Hoàng - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Kiên Giang (KTC), để xuất khẩu thuận lợi, ngoài việc tạo sản phẩm chất lượng cao, KTC cũng tiến hành xây dựng thương hiệu cho các loại gạo. Chính vì vậy, KTC đã chủ động nguồn nguyên liệu theo hình thức liên kết tiêu thụ. Bên cạnh đó, KTC chủ động tạo chân rết thị trường với hệ thống thương lái, nhà máy xay xát, chế biến gạo, tổ chức thu mua từ các vùng nguyên liệu chủ lực và uy tín.
Hiện Công ty KTC sở hữu 2 nhà máy chế biến và xuất khẩu gạo tại huyện Tân Hiệp và huyện Giồng Riềng (Kiên Giang). Hai nhà máy này thuộc nhóm nhà máy công suất cao tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đảm bảo những tiêu chuẩn khắt khe nhất của nông sản xuất khẩu đi các thị trường nước ngoài.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu gạo phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu, ông Trương Văn Minh - Giám đốc Sở Công Thương Kiên Giang cho biết, Sở đã đẩy mạnh kết nối xuất khẩu thông qua hoạt động xúc tiến thương mại; thường xuyên nắm bắt tình hình kinh doanh, xuất khẩu để kịp thời đề xuất biện pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp.
Không những vậy, ngành công thương Kiên Giang sẽ chủ động, nắm bắt nhu cầu thị trường; đồng thời, gắn chặt với từng doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn theo quan điểm tìm thị trường rồi mới quyết định sản xuất. Trên cơ sở đó, ngành công thương sẽ phối hợp ngành nông nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu, ổn định sản xuất tập trung với quy mô lớn; liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp tiêu thụ và xuất khẩu trên địa bàn để phát triển ngành hàng lúa gạo nhiều hơn ở thị trường thế giới, ông Trương Văn Minh chia sẻ./.