Xuất khẩu gạo Việt Nam vừa lập kỷ lục lịch sử lại nhận 'tin xấu'
Xuất khẩu gạo của Việt Nam đã cán mốc trên 5 tỷ USD - mức cao nhất lịch sử. Tuy nhiên, thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ 2 của Việt Nam là Indonesia có thể sẽ ngừng nhập khẩu gạo từ năm 2025 và đưa đất nước này đến mục tiêu tự cung tự cấp lương thực vào năm 2027. Đây được cho là 'tin xấu' có thể ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu gạo của nước ta.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến hết ngày 15/11, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 8 triệu tấn gạo, thu về 5,05 tỷ USD. Đây là mức cao kỷ lục trong lịch sử.
Thị trường xuất khẩu gạo chính của Việt Nam là Philippines và Indonesia, chiếm lần lượt 46% và 13,5% kim ngạch xuất khẩu gạo trong 10 tháng qua. Tuy nhiên, mới đây, Indonesia - thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ 2 của Việt Nam - vừa thông báo có thể ngừng nhập khẩu gạo trong thời gian tới.
Cụ thể, ngày 20/10, ngay trong lễ nhậm chức, ông Zulkifli Hasan - Bộ trưởng Điều phối các vấn đề Lương thực của Indonesia - đã tuyên bố sẽ đưa đất nước này đến mục tiêu tự cung tự cấp lương thực.
Các tuyên bố gần đây của ông càng thể hiện rõ ràng hơn mục tiêu này của đất nước vốn nhập khẩu một lượng lương thực rất lớn từ Việt Nam.
Ngày 21/11, ông Zulkifli Hasan trao đổi với báo chí rằng, có thể sẽ ngừng nhập khẩu gạo từ năm 2025 và đưa đất nước này đến mục tiêu tự cung tự cấp lương thực vào năm 2027.
Theo ông Zulkifli Hasan, Indonesia sẽ chỉ nhập khẩu một phần lương thực vào năm 2025 để bù đắp vào phần hạn ngạch lương thực nhập khẩu còn thiếu của năm nay. Chính phủ Indonesia đã đặt ra hạn ngạch nhập khẩu gạo là 3,6 triệu tấn vào năm nay, nhưng hiện mới có khoảng 2,9 triệu tấn được nhập khẩu.
Ông Zulkifli Hasan tuyên bố đảm bảo dự trữ gạo an toàn, đủ đến tháng 12, nhằm duy trì ổn định nguồn cung và giá cả đáp ứng nhu cầu của người dân. Hiện, tồn kho gạo của Cơ quan mua sắm cho chính phủ Indonesia (Bulog) đạt 140 nghìn tấn với hơn 1.508 kho hàng trên khắp Indonesia.
Người đứng đầu Cơ quan lương thực quốc gia (Bapanas) Indonesia Arief Prasetyo Adi cho biết mặc dù Bapanas đặt mục tiêu ngừng nhập khẩu gạo trong năm tới nhưng vẫn có cơ hội cho gạo Việt Nam. Bởi một số loại gạo chuyên dụng được nhập khẩu từ Việt Nam được rất nhiều khách du lịch ưa chuộng, được ưu tiên nhập khẩu phục vụ cho ngành dịch vụ khách sạn. Tuy nhiên, hạn ngạch nhập khẩu gạo chỉ còn lại rất thấp. Nếu Bộ Nông nghiệp Indonesia thành công trong việc tăng diện tích đất nông nghiệp thêm 750.000 ha và sản lượng thêm 2,5 triệu tấn, thì chính phủ có khả năng loại bỏ nhu cầu nhập khẩu gạo.
Những thay đổi về chính sách của xứ sở vạn đảo này được cho là tin xấu với xuất khẩu gạo của Việt Nam. Bởi chỉ trong 10 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo Việt sang thị trường Indonesia đạt gần 1,09 triệu tấn, thu về hơn 655 triệu USD. Việc Indonesia ngừng nhập khẩu gạo trong thời gian tới có thể khiến kim ngạch xuất khẩu gạo của nước ta thâm hụt tới 700 triệu USD.