Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Hoa Kỳ: Khi nào phục hồi trở lại?
Do chiếm tỷ trọng cao trong tổng xuất khẩu của Việt Nam, nên nhu cầu từ thị trường Hoa Kỳ giảm mạnh đã ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động xuất khẩu của ngành gỗ.
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Hoa Kỳ giảm mạnh
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Hoa Kỳ giảm 47,2% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ trọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tới Hoa Kỳ giảm mạnh nhất, chiếm 46,7% tổng trị giá xuất khẩu, giảm 13,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2022.
Do chiếm tỷ trọng cao trong tổng xuất khẩu của Việt Nam, nên nhu cầu từ thị trường Hoa Kỳ giảm mạnh đã ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động xuất khẩu của ngành gỗ. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 2 tháng đầu năm 2023, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,7 tỷ USD, giảm 31,8% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 1,05 tỷ USD, giảm 43,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Năm 2022, khoảng 90% giá trị gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam là từ các thị trường xuất khẩu, 54% từ Hoa Kỳ và tiếp theo là Trung Quốc với 13,4%.
Trong báo cáo ngành của Công ty CP chứng khoán VNDIRECT vừa công bố nhận định, triển vọng vĩ mô kém khả quan của Hoa Kỳ đã ảnh hưởng đến thị trường bất động sản nhà ở và xây dựng nhà ở. Lãi suất cho vay mua nhà của Hoa Kỳ tăng lên 6,1%, mức cao nhất kể từ năm 2011 trong khi giá nhà trung bình tăng 10,4% so với cùng kỳ trong quý IV/2022, điều này đã làm giảm sức mua nhà tại Hoa Kỳ.
Chỉ số nhu cầu nhà ở của Hoa Kỳ đã giảm 48,1% so với cùng kỳ trong tháng 2/2023. Các doanh nghiệp xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ có tỷ trong xuất khẩu cao tới thị trường Mỹ như PTB (Công ty CP Phú Tài), GDT (Công ty CP Chế biến Gỗ Đức Thành), SAV (Công ty CP Hợp tác Kinh tế và Xuất nhập khẩu Savimex) sẽ bị sụt giảm doanh thu xuất khẩu khoảng 10 - 15% so với cùng kỳ trong năm 2023. Thêm vào đó biên lợi nhuận gộp của ngành sẽ giảm 0,6 - 1 điểm % trong 2023 do giá bán trung bình thấp hơn.
Thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2023
Câu hỏi đặt ra là xuất khẩu mặt hàng đồ gỗ nội thất và cụ thể là mặt hàng tủ bếp và tủ nhà tắm sang thị trường Hoa Kỳ có trở lại thời hoàng kim xuất khẩu thời điểm dịch Covid-19? Ông Nguyễn Sỹ Hòe - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Phú Tài – cho rằng, việc này phụ thuộc vào người mua nhà và thuê nhà. Người mua nhà và thuê nhà họ vẫn dùng tiền vay, lãi suất tăng lên, do đó, họ cũng hạn chế mua mới hay thuê mới. Những lý do này khiến cho xây dựng nhà cửa giảm xuống, bán mới cũng giảm xuống. Dẫn đến nhu cầu về dòng đồ gỗ nội thất cũng giảm theo.
“Dự kiến phải cuối năm 2023, bức tranh xuất khẩu ngành gỗ sẽ tươi sáng hơn. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là xuất khẩu gỗ sang thị trường Hoa Kỳ có trở về thời kỳ hoàng kim như năm 2021 không, việc này là không dễ. Bởi lẽ, giai đoạn bán hàng tốt nhất tại thị trường này - thời kỳ đại dịch Covid-19 đã qua”, ông Nguyễn Sỹ Hòe nhận định.
Dù vậy, vẫn có những phân khúc thị trường dù tăng trưởng không cao nhưng vẫn duy trì đơn hàng. Ông Nguyễn Sỹ Hòe cho hay, đồ nội thất nhà tắm có 2 dòng phân khúc tiêu thụ gồm mua mới và phân khúc thay thế. Về cơ bản, phân khúc giá rẻ sẽ khó bán, còn phân khúc giá cao vẫn bán ở mức độ tốt hơn. Đối với mặt hàng tủ bếp cũng tương tự, họ chỉ giảm xây dựng chứ không phải không xây dựng. Nhà giàu họ vẫn xây và thay mới, nhưng mức mua sắm có giảm đôi chút.
Khó khăn chỉ mang tính thời điểm
Theo báo cáo của Technavio (công ty hoạt động trong lĩnh vực tư vấn và nghiên cứu công nghệ toàn cầu), quy mô thị trường đồ nội thất gia đình ở Hoa Kỳ ước tính đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 3,7% trong giai đoạn 2022 - 2027, đạt 13,32 tỷ USD vào năm 2027.
Đáng chú ý, thị trường xây dựng nhà ở cải thiện đang thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường, tuy nhiên thị trường đồ nội thất tái sử dụng có thể cản trở sự tăng trưởng của thị trường đồ nội thất nhà ở tại Hoa Kỳ.
Sự tăng trưởng của ngành bất động sản tại Hoa Kỳ cải thiện nhờ số lượng hộ gia đình ngày càng tăng. Cùng với đó là dự gia tăng đáng kể số lượng phụ nữ tham gia lực lượng lao động và sống độc lập. Do đó, nhu cầu về căn hộ dịch vụ và nhà ở một tầng ngày càng tăng. Điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu về đồ nội thất gia đình.
Dân số nhập cư liên tục tăng ở Hoa Kỳ là một yếu tố khác góp phần vào sự gia tăng nhanh chóng của ngành bất động sản, thúc đẩy nhu cầu về đồ nội thất gia đình. Ngoài ra, nhu cầu gia tăng đối với đồ nội thất thân thiện với môi trường cũng hỗ trợ sự tăng trưởng của thị trường.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - đánh giá, thời gian vừa qua, do nhiều nguyên nhân khiến tiêu thụ đồ gỗ nội thất tại thị trường Hoa Kỳ giảm mạnh. Tuy nhiên, đây chỉ là xu hướng thị trường trong ngắn hạn.
Về dài hạn, do thói quen tiêu dùng của người Hoa Kỳ đó là một sản phẩm họ chỉ sử dụng ít năm rồi thay đồ mới. Mặt khác, các sản phẩm đồ gỗ nội thất của Việt Nam có mẫu mã phù hợp, giá cả cạnh tranh, do đó, khi thị trường sẽ quay lại bình thường, Hoa Kỳ vẫn là thị trường rất tiềm năng cho các sản phẩm đồ gỗ nội thất của Việt Nam.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng nhận định, Hoa Kỳ là thị trường có nhu cầu tiêu ở mức cao, vì vậy đây vẫn là thị trường rất tiềm năng cho ngành. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần chú ý vấn đề xuất xứ hàng hóa, nguyên liệu và chủ động nghiên cứu, đánh giá rủi ro, cũng như theo dõi các cảnh báo về khả năng điều tra phòng vệ thương mại.