Xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ tăng mạnh | Hà Nội tin mỗi chiều
Tháng 11/2023, xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ chạm mức cao nhất trong một năm qua, đạt 18 triệu USD, tăng gần 31% so với tháng 10/2023; Gạo Việt được mùa, được giá và xuất khẩu thuận lợi nhưng nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành gạo lại có hiệu suất kinh doanh không khả quan... là những tin chính trong chương trình hôm nay.
Xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ tăng mạnh
Tháng 11/2023, xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ chạm mức cao nhất trong một năm qua, đạt 18 triệu USD, tăng gần 31% so với tháng 10/2023. Chín tháng đầu năm 2023, nhập khẩu mặt hàng này từ Việt Nam giảm mạnh. Đáng chú ý, trong tháng 7/2023, nhập khẩu gốm sứ mỹ nghệ của Hoa Kỳ từ Việt Nam đã giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong gần 8 năm. Nhưng trong hai tháng gần đây đã có dấu hiệu tăng trở lại.
Gốm sứ là một trong các loại vật liệu xây dựng có vai trò quan trọng trong mỗi công trình xây dựng, đóng góp vào sự phát triển của ngành xây dựng nói riêng và nền kinh tế nói chung. Trung bình hàng năm, công nghiệp sản xuất gốm sứ đã đóng góp hơn 3 tỷ USD/năm cho GDP của Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, với năng lực sản suất và trình độ công nghệ như hiện nay, Việt Nam là một trong 10 quốc gia sản xuất gốm sứ xây dựng lớn nhất thế giới và cũng là quốc gia có sản lượng gạch ốp lát đứng thứ tư thế giới. Ngoài việc cung cấp đủ nhu cầu thị trường trong nước, sản phẩm gốm sứ xây dựng của Việt Nam đã xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới, bao gồm khu vực ASEAN, Đông Bắc Á, châu Âu và Mỹ. Tính riêng trong năm 2022, doanh thu xuất khẩu đạt hơn 220 triệu USD.
Tiềm năng xuất khẩu mặt hàng gốm xây dựng rất lớn bởi nhu cầu vật liệu mới trong xây dựng đang tăng mạnh. Vật liệu gốm được dùng nhiều trong chi tiết kết cấu của công trình, từ khối xây, lát nền, ốp tường đến cốt liệu rỗng cho loại bê tông nhẹ. Vậy làm sao để Việt Nam phát huy các sản phẩm này trên thị trường quốc tế?
Những năm qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, đề án, chiến lược cùng những chỉ đạo điều hành tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển vật liệu xây dựng, trong đó có vật liệu gốm sứ xây dựng. Đồng thời, các địa phương cũng tích cực kêu gọi thu hút đầu tư, đẩy nhanh thủ tục thẩm định, phê duyệt dự án. Các doanh nghiệp đưa vào vận hành nhiều dự án sản xuất gạch ốp lát, sứ vệ sinh, cung cấp ra thị trường những sản phẩm chất lượng, đảm bảo nhu cầu xây dựng trong nước và xuất khẩu.
Nhiều chuyên gia nhận định, khi Việt Nam ngày càng tham gia sâu rộng vào kinh tế thế giới sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các ngành kinh tế nói chung và ngành sản xuất thủ công mỹ nghệ nói riêng. Khách nước ngoài muốn tìm đến nguồn gốc Á Đông với những sản phẩm do chính bàn tay lao động thủ công của người thợ tạo nên từ những nguyên liệu tự nhiên. Thị trường lớn, giá cả hợp lý, khả năng luân chuyển vốn nhanh là những thuận lợi rất lớn cho sản xuất. Đó là một tương lai triển vọng về phát triển hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống của Việt Nam. Để nắm bắt được điều đó, quan trọng hơn cả, các doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới công nghệ và năng lực sản xuất, đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu và tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn hiện hành; thường xuyên đổi mới mẫu mã, màu sắc sản phẩm theo xu hướng nội thất của thị trường tiêu dùng.
Gạo Việt thắng đậm, nhưng doanh nghiệp lớn ngành gạo lại kém vui
Xuất khẩu gạo đang được đánh giá là thắng lợi. Tuy vậy, gạo Việt được mùa, được giá và xuất khẩu thuận lợi nhưng nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành gạo lại có hiệu suất kinh doanh không khả quan. Ngành gạo Việt đã có một năm đầy khởi sắc với cả sản lượng lẫn giá cả. Theo Tổng cục Thống kê, lũy kế 11 tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất khẩu gần 7,8 triệu tấn gạo, mang về 4,4 tỉ USD, tăng 16% về lượng và tăng 36% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, giá gạo Việt Nam tăng mạnh so với các năm trước, bình quân đạt trên 600 USD/tấn và cao hơn giá gạo Thái Lan, thậm chí có lúc gạo 5% tấm của Việt Nam tăng đỉnh điểm lên 680 USD/tấn. Trong khi đó, trước đây gạo Việt chỉ bán ra thị trường thế giới quanh mức 450 USD/tấn.
Nhưng lại đang có một nghịch lý, các doanh nghiệp lớn về ngành gạo lại đang rơi vào tình trạng càng bán nhiều càng lỗ, bởi không liên kết với nông dân để xây dựng vùng nguyên liệu. Điển hình phải kể đến doanh nghiệp lớn trong ngành xuất khẩu gạo là Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II) có doanh thu lên đến 7.300 tỉ đồng nhưng lợi nhuận chỉ đạt 22 tỉ đồng trong quý III-2023. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất trong ba quý đầu năm của công ty này, khi quý I lỗ đến hơn 7 tỉ đồng, còn quý II chỉ lãi với con số khiêm tốn 682 triệu đồng.
Theo các chuyên gia, việc thiếu liên kết với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu, cũng như giá gạo bất ngờ tăng mạnh là nguyên nhân đẩy nhiều công ty vào tình thế bất lợi. Không chỉ vậy, nhiều công ty gạo có hiệu quả kinh doanh thấp còn do họ ký hợp đồng sớm với giá chốt cứng, sau đó mới đi gom hàng từ nông dân. Nhưng khi giá gạo thế giới bất ngờ tăng mạnh đã đẩy giá gạo nội địa tăng theo. Lúc này, các công ty đi mua gạo từ nông dân cao hơn cả giá đã ký hợp đồng trước đó. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp càng bán càng lỗ.
Tôi nhớ lại thời điểm dịch Covid đỉnh điểm, người nông dân ở các địa phương khốn khó trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm bưởi. Nhưng các nhà vườn là thành viên của HTX bưởi Thành Công ở xã Kế Thành, huyện Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng) rất phấn khởi khi trái bưởi của họ có được đầu ra khá ổn định vì đã có thỏa thuận trước với doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ sản lượng trái sau thu hoạch. Như vậy, bài học về liên kết một lần nữa lại được đặt ra. Liên kết không chỉ để gỡ khó cho người nông dân, liên kết cũng giúp gỡ khó cho cả doanh nghiệp.
Có thể thấy, nếu có sự liên kết tốt, chuẩn bị bài bản từ người nông dân và doanh nghiệp cùng sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng thì việc tiêu thụ nông sản sẽ được khơi thông. Phương châm “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” có thể được vận dụng trong lĩnh vực lúa gạo, từ sản xuất đến thu mua. Đây có thể xem là bài học để Việt Nam hình thành chuỗi giá trị nông sản, để “gặt” thành công chứ không phải là thua thiệt ngay cả khi bán được hàng như các doanh nghiệp gạo lúc này./.