Xuất khẩu hàng hóa 3 tháng cuối năm: 'Chạy nước rút' về đích

Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa đã liên tục có dấu hiệu khởi sắc. Thời điểm này, cộng đồng doanh nghiệp đang quyết tâm đẩy đà tăng trưởng xuất khẩu trong quý cuối của năm, tận dụng tối đa lợi thế về thị trường, nhất là các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt được nhiều kết quả tích cực trong những tháng đầu năm 2024. Ảnh: Quang Vinh.

Hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt được nhiều kết quả tích cực trong những tháng đầu năm 2024. Ảnh: Quang Vinh.

Điểm mặt những ngành chủ lực

Giám đốc quốc gia Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam, ông Shantanu Chakraborty nhận định, nền kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2024 và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, bất chấp những bất ổn trên toàn cầu. Sự phục hồi ổn định đạt được do sản xuất công nghiệp cải thiện và thương mại gia tăng mạnh mẽ.

Theo ADB, ngành công nghiệp định hướng xuất khẩu của Việt Nam vẫn là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng. ADB dự báo ngành công nghiệp của Việt Nam sẽ tăng trưởng 7,3% trong năm 2024 và tiếp tục đạt 7,5% vào năm 2025.

Dữ liệu kinh tế từ đầu tàu kinh tế TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, xuất khẩu đang tăng trưởng tốt. Cụ thể tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp (DN) TPHCM qua cửa khẩu cả nước 9 tháng đầu năm 2024 ước đạt 33,82 tỷ USD, tăng 10,2% so cùng kỳ (cùng kỳ giảm 14,2%). Nhiều DN ngành dệt may nhận đủ đơn hàng đến quý III và cuối năm 2024.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM thông tin, tình hình hoạt động của DN trên địa bàn Thành phố ghi nhận những tín hiệu tích cực. Đơn hàng của DN đã hồi phục rõ nét. Hầu hết các DN có đủ đơn hàng từ nay đến cuối năm, hiện các DN đang tăng tốc triển khai thực hiện các đơn hàng này. Nhất là các lĩnh vực da giày, túi xách, dệt may...

Theo bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, dự kiến ngành da giày – túi xách đạt 26-27 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu năm 2024.

Ngành dệt may cũng ghi nhận những tín hiệu phấn khởi. Theo ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), phần lớn DN dệt may hiện đều có đơn hàng ổn định đến hết tháng 10 - 11/2024. Dự báo, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam năm 2024 tăng từ 8 - 10% so với năm 2023.

Cũng thông tin về những kết quả khả quan trong bức tranh xuất khẩu, Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, 9 tháng năm 2024, xuất khẩu rau quả đạt gần 5,7 tỷ USD, đây là con số cao kỷ lục, trong đó, riêng mặt hàng sầu riêng thu về 2,5 tỷ USD.

Cụ thể theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong số 10 thị trường chính nhập khẩu rau quả Việt Nam, hầu hết đều ghi nhận sự tăng trưởng mạnh, ngoại trừ Hà Lan. Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất với kim ngạch nhập khẩu 8 tháng năm đạt hơn 3 tỷ USD, tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo sau là Mỹ, Hàn Quốc và Thái Lan với giá trị nhập khẩu tăng trưởng 35 - 90%.

“Rau quả Việt Nam đang ngày càng khẳng định được vị thế tại các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hàn Quốc. Đặc biệt, người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng ưa chuộng sầu riêng, chuối và xoài Việt Nam” - ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhận định.

Theo ông Nguyên, nhờ vào sự tăng trưởng của các thị trường lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ và Hàn Quốc, xuất khẩu rau quả của nước ta có thể đạt kỷ lục mới trong năm 2024. Dự báo kim ngạch xuất khẩu rau quả cả năm 2024 có thể vượt mức 7 tỷ USD, vượt xa mục tiêu đã đề ra.

Ngành may mặc đã dồi dào đơn hàng cho đến hết tháng 11. Ảnh: Quang Vinh.

Ngành may mặc đã dồi dào đơn hàng cho đến hết tháng 11. Ảnh: Quang Vinh.

Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu

Về phía DN, ông Nguyễn Quang Anh - Giám đốc Công ty Dony phấn khởi cho biết, kết quả kinh doanh 8 tháng tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước và đơn hàng nhận để làm đến hết năm. Thành quả này, ngoài giữ được khách hàng truyền thống ở trong nước và xuất đi Mỹ, Trung Đông, Dony còn khai thác ở các nước trong khu vực như Campuchia, Thái Lan, Malaysia và Singapore.

Ông Nguyễn Hồng Phong - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Dụng cụ An Mi (Anmi Tools) chia sẻ, hoạt động của DN trong những tháng đầu năm đều tăng trưởng tốt, qua đó kỳ vọng tăng trưởng doanh thu cả năm 2024 có thể lên tới 35% so với cùng kỳ năm trước, doanh thu từ các hoạt động xuất khẩu cũng tăng trưởng bền vững.

Để có được kết quả này, ông Phong cho biết, không chỉ tận dụng tốt cơ hội từ nền kinh tế mà nhà máy đã liên tục cập nhật theo xu thế công nghệ mới, hiện đại, đầu tư dây chuyền sản xuất được nhập khẩu từ các quốc gia tiên tiến như Đức, Thụy Sỹ… để gia tăng điều kiện tham gia vào các chuỗi cung ứng của các đối tác, tập đoàn đa quốc gia. Với nền tảng này, Anmi Tools kỳ vọng sẽ gia tăng được số lượng khách hàng, nhất là các khách hàng lớn là nhà đầu tư nước ngoài nhằm hướng tới mục tiêu mở rộng và phát triển trung tâm sản xuất tại các thị trường trong khối ASEAN vào năm 2025.

Giới chuyên gia kinh tế nhận định, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực, trong đó tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc đều có sự tăng trưởng cao. Dự báo những tháng cuối năm, các DN sẽ tận dụng tốt cơ hội thị trường để đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, qua đó đóng góp chung cho tăng trưởng của nền kinh tế.

Theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy - Giám đốc Văn phòng Ban IV (Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ), nhu cầu thị trường quốc tế đang từng bước phục hồi, dẫn tới sản xuất công nghiệp và dịch vụ liên quan tới xuất khẩu trong nước cũng đã từng bước cải thiện, góp phần tăng tốc trở lại nền kinh tế.

Các nỗ lực của DN chính là điểm sáng cho nền kinh tế, bởi giai đoạn cuối năm là thời điểm DN hoàn thành các chỉ tiêu tài chính. Nhiều tổ chức quốc tế đều nâng mức dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2024. WB dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 đạt 6,1% và năm 2025, 2026 đạt 6,5%; UOB dự báo tăng trưởng vượt 6%; HSBC dự báo tăng 6,5%...

Xuất khẩu rau quả ghi nhận những con số ấn tượng.

Xuất khẩu rau quả ghi nhận những con số ấn tượng.

Để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu thời gian tới, Bộ Công thương cho biết sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến xuất khẩu đối với các thị trường trọng điểm, đặc biệt tận dụng tối đa ưu đãi do các Hiệp định thương mại tự do (FTA) như: CPTPP, EVFTA, RCEP… Đẩy nhanh đàm phán, ký kết, phê chuẩn các FTA, liên kết kinh tế mới, trước mắt với Israel, UAE, để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu. Hỗ trợ DN thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại tại các thị trường mới, thị trường tiềm năng mà các doanh nghiệp riêng lẻ chưa có điều kiện trực tiếp thâm nhập.

Theo ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), giải pháp hàng đầu hiện nay để tăng cường hiệu quả của hoạt động xúc tiến thương mại, thông qua đó, thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng những tháng cuối năm là tập trung thực hiện công tác chuyển đổi số. Hiện nay, nhiều thị trường xuất khẩu của Việt Nam đang gia tăng các yêu cầu mới đối với thương mại quốc tế, thiết lập dày đặc hơn các rào cản thị trường, tăng xu hướng bảo hộ thương mại, chuyển đổi xanh... Do đó, hoạt động xúc tiến thương mại thời gian tới sẽ linh hoạt, đổi mới, kết hợp xúc tiến thương mại truyền thống với hiện đại, gắn với thương mại điện tử, kinh tế số. “Ngoài ra, Bộ Công thương đề xuất các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng cần tăng cường phối hợp với các đơn vị của Bộ Công thương, hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài kịp thời nắm bắt, cập nhật thông tin giá cả thị trường, các quy định, chính sách mới của các nước sở tại... để chủ động phương án khắc phục, tháo gỡ các rào cản kỹ thuật, các yêu cầu của thị trường, định hướng cho DN đầu tư trong sản xuất và xuất khẩu...” - ông Phú nhấn mạnh.

Nhiều giải pháp trợ lực cho doanh nghiệp xuất khẩu

Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công thương (Bộ Công thương), nhu cầu tiêu dùng nội địa tăng qua các tháng cho thấy tổng cầu nền kinh tế đang được nâng lên. Nhu cầu của thị trường nội địa tăng trưởng sẽ là động lực cho nền kinh tế, đặc biệt vào thời điểm từ nay đến cuối năm nhu cầu thị trường càng tăng do mùa lễ hội. Đây là động lực rất lớn thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong nước phát triển.

Bộ Công thương tiếp tục duy trì đều đặn các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các khu vực thị trường thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài; các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Ngoài ra, tổ chức phổ biến, hướng dẫn về nội dung các cam kết và cách thức tận dụng ưu đãi từ các FTA đến các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và các cơ quan quản lý chuyên ngành tại địa phương bằng nhiều hình thức trực tiếp, trực tuyến, tiện tra cứu, khai thác… Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tốt nhất cơ hội để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

T.Xuân

H.Hương – K.Lê

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/xuat-khau-hang-hoa-3-thang-cuoi-nam-chay-nuoc-rut-ve-dich-10291572.html