Xuất khẩu hàng hóa liên tục giảm sâu, giải pháp nào để lấy lại phong độ tăng trưởng?
Kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn đã ảnh hưởng đến kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, xuất khẩu hàng hóa liên tục giảm sâu trong nửa đầu năm 2023. Đâu là giải pháp để lấy lại phong độ tăng trưởng?
Kim ngạch xuất khẩu giảm 2 con số so với cùng kỳ
Báo cáo đánh giá về tình hình xuất nhập khẩu của Bộ Công thương công bố ngày 5/5/2023 cho thấy, từ đầu năm 2023 đến nay kinh tế thế giới phục hồi chậm với chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia, làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn dẫn đến đơn hàng sản xuất giảm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam liên tục giảm rất đáng lo ngại.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa với đối tác thương mại lớn đều giảm. Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 28,45 tỷ USD, chiếm 26% tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm 21% (so với cùng kỳ); tiếp đến là Trung Quốc đạt 16,4 tỷ USD, giảm 7,9%; thị trường EU đạt 13,66 tỷ USD, giảm 14,1%; thị trường ASEAN đạt 11,1 tỷ USD, giảm 1,3%; Hàn Quốc đạt 7,8 tỷ USD, giảm 6,9%; Nhật Bản đạt 7,3 tỷ USD, giảm 0,9%.
Trên thực tế, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 4 ước đạt 53,57 tỷ USD, giảm 7,7% so với tháng trước và giảm 18,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 210,79 tỷ USD, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 16,6%).
Theo ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương, mặc dù rất nỗ lực đẩy mạnh các giải pháp xúc tiến thương mại, tận dụng cơ hội mở rộng thị trường, tận dụng ưu đãi từ các FTA (hiệp định thương mại) nhưng trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm, suy giảm tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn khiến xuất khẩu của Việt Nam gặp nhiều khó khăn.
Cụ thể, xuất khẩu hàng hóa, những khó khăn trong sản xuất và sự sụt giảm đơn hàng xuất khẩu trong quý I/2023 tiếp tục ảnh hưởng đến xuất khẩu hàng hóa trong tháng 4/2023. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 4/2023 ước đạt 27,54 tỷ USD, giảm 7,3% so với tháng trước và giảm 17,1% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, xuất khẩu hàng hóa đã giảm hầu khắp ở các khu vực kinh tế, cho thấy hoạt động xuất nhập khẩu nói chung đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn do những bất ổn nói chung trên thị trường thế giới. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 7,12 tỷ USD, giảm 8,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 20,42 tỷ USD, giảm 6,9%.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 108,57 tỷ USD, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 17,1%).
Trong 4 tháng, có 20 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, giảm 2 mặt hàng so với cùng kỳ năm trước (có 22 mặt hàng), chiếm 83,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 57,4%).
Xuất khẩu tiếp tục đối mặt với thách thức
Theo các chuyên gia kinh tế, hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt là xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tiếp tục đối mặt với thách thức do bức tranh kinh tế toàn cầu ảm đạm.
Theo đánh giá chung tại Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới lần thứ 53, kinh tế thế giới năm 2023 tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn và khả năng suy thoái, tăng trưởng GDP năm 2023 dự báo thấp hơn năm 2022 khoảng 0,5 - 1% nếu không xảy ra yếu tố đột biến.
Báo cáo của Bộ Công thương cũng nhận định, các nền kinh tế lớn là đối tác xuất khẩu của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU giảm chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ khiến khối lượng đơn đặt hàng giảm, trong khi đó các ngành sản xuất công nghiệp trong nước chủ yếu hướng vào xuất khẩu, phụ thuộc lớn vào thị trường toàn cầu do sản lượng sản xuất trong nước vượt xa nhu cầu của thị trường nội địa, đặc biệt là đối với các ngành hàng như dệt may, da - giày, điện tử… chỉ cung ứng cho nhu cầu nội địa 10% sản lượng, 90% sản lượng còn lại là để xuất khẩu.
Việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo nhiều áp lực cạnh tranh đối với hàng xuất khẩu cùng chủng loại của Việt Nam. Trong khi đó, các doanh nghiệp của ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn do đơn hàng nước ngoài giảm, thị trường trong nước sức mua không lớn, chi phí đầu vào vẫn ở mức cao, không dễ dàng trong việc tiếp cận tín dụng…
Để đảm bảo thực hiện mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6% so với năm 2022, kim ngạch xuất khẩu năm 2023 dự kiến đạt 393-394 tỷ USD, theo ông Vũ Bá Phú, Bộ Công thương xác định sẽ tập trung đổi mới và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại hướng đến các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng như Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ La tinh, Đông Âu… và các thị trường ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát và tăng trưởng khả quan (ASEAN).
Bên cạnh đó, chọn giải pháp đột phá vào các thị trường mới, nơi có tầng lớp trung lưu gia tăng như các thị trường mới nổi E7 (Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Mexico và Indonesia; thị trường Halal, gồm Trung Đông, Malaysia, Brunay).
Cùng với đó, đẩy mạnh khai thác hiệu quả các FTA; tạo thuận lợi hóa, tăng cường chuyển đổi số trong công tác cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) ưu đãi, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các FTA.
Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương cũng tạo điều kiện và khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc. Bởi lẽ Trung Quốc hiện vẫn là nước đông dân nhất thế giới và có truyền thống văn hóa, tập quán tiêu dùng tương đồng với người Việt cũng như có quan hệ kinh tế thương mại lâu dài với Việt Nam. Trung Quốc cũng đã có thỏa thuận hợp tác song phương với chúng ta và là thành viên trong các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Việt Nam Trung Quốc, ASEAN, Trung Quốc, RCEP... Như vậy, quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc luôn là ưu tiên trong chính sách thương mại của nước ta.
Để gia tăng cơ hội xuất khẩu hàng Việt Nam, các chuyên gia kinh tế cho rằng, giải pháp cần thực hiện trong những tháng tiếp theo của năm 2023 là đẩy mạnh phát triển xuất nhập khẩu thông qua hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới. Các cơ quan chuyên trách của nhà nước tiếp tục tích cực hỗ trợ người nông dân xuất khẩu hàng nông sản đang vào vụ (nhãn, vải thiều, thanh long…), đặc biệt là các thị trường gần nhất hoặc có truyền thống như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc…