Xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sau hơn 35 năm đổi mới: Thành tựu, hạn chế và định hướng phát triển bền vững
Hội nhập kinh tế quốc tế là xu thế tất yếu của thời đại. Nhận thức rõ điều này, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã khởi xướng công cuộc đổi mới từ năm 1986, mở ra hành trình hội nhập từ nền kinh tế đóng sang nền kinh tế mở. Từ phương châm 'Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước', Việt Nam đã chủ động chuyển sang 'hội nhập tích cực, hiệu quả'.
BỐI CẢNH ẢNH HƯỞNG ĐẾN XUẤT KHẨU HÀNG HÓA TRONG THỜI KỲ ĐỔI MỚI
Kết quả đạt được sau hơn 35 năm đổi mới là vô cùng ấn tượng. Đến năm 2020, Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với hơn 230 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số lượng hiệp định thương mại tự do (FTA) tăng đáng kể với 17 FTA đã ký kết hoặc đang đàm phán, trong đó có ba FTA thế hệ mới. Đây là nền tảng quan trọng để Việt Nam không chỉ mở rộng thị trường mà còn khẳng định vị thế trong nền kinh tế toàn cầu.
Quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã được triển khai hiệu quả. Những nguyên tắc của kinh tế thị trường được vận dụng một cách linh hoạt, đồng thời Nhà nước đóng vai trò điều tiết để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Mô hình kinh tế thị trường ngày càng được hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu phát triển.
Trong hơn ba thập kỷ, Việt Nam đối mặt với nhiều biến động như khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, suy thoái kinh tế toàn cầu giai đoạn 2008 - 2013, và gần đây là đại dịch COVID-19. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và làm suy giảm thương mại quốc tế. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn giữ được đà tăng trưởng xuất khẩu nhờ khai thác cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế, tìm kiếm thị trường thay thế và tăng cường năng lực ứng phó.
THÀNH TỰU NỔI BẬT CỦA XUẤT KHẨU HÀNG HÓA VIỆT NAM
1. Tăng trưởng ấn tượng về kim ngạch xuất khẩu
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa liên tục tăng trưởng với tốc độ cao qua các năm. Từ con số khiêm tốn vào đầu thập kỷ 1990, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã đạt kỷ lục 336,31 tỷ USD vào năm 2021, tăng 19% so với năm trước đó. Đặc biệt, giai đoạn 1986 - 2021, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu luôn ở mức hai con số, điều mà chỉ một số ít quốc gia trên thế giới đạt được.
2. Chất lượng và số lượng hàng hóa xuất khẩu cải thiện rõ rệt
Số lượng mặt hàng xuất khẩu tăng mạnh, trong đó nhiều mặt hàng như nông sản, thủy sản, dệt may, giày dép, điện tử, và điện thoại đã khẳng định được chỗ đứng vững chắc trên thị trường thế giới. Năm 2021, có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó 8 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD.
Bên cạnh đó, chất lượng hàng hóa cũng được nâng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, giúp hàng Việt Nam cạnh tranh tốt hơn trên các thị trường khó tính.
3. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu chuyển dịch theo hướng tích cực
Tỷ trọng hàng hóa chế biến, chế tạo trong tổng kim ngạch xuất khẩu đã tăng từ 53,6% năm 2010 lên 85,2% năm 2020. Điều này cho thấy sự chuyển đổi mạnh mẽ từ xuất khẩu nguyên liệu thô sang sản phẩm chế biến sâu, góp phần nâng cao giá trị gia tăng và mở rộng sự tham gia của Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
4. Mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu
Từ việc phụ thuộc vào một số ít thị trường truyền thống trước năm 1986, Việt Nam đã phát triển quan hệ thương mại với hơn 230 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2021, Việt Nam có 31 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó 5 thị trường vượt mốc 10 tỷ USD. Sự đa dạng hóa này không chỉ tăng cơ hội xuất khẩu mà còn giảm thiểu rủi ro từ biến động thị trường.
5. Vai trò quan trọng của khu vực FDI trong xuất khẩu
Khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu, chiếm 72,9% tổng giá trị xuất khẩu năm 2021. Các doanh nghiệp FDI không chỉ giúp tăng khối lượng xuất khẩu mà còn nâng cao chất lượng hàng hóa, đặc biệt là các sản phẩm công nghệ cao như điện tử, điện thoại và linh kiện.
6. Chuyển đổi từ nhập siêu sang xuất siêu
Từ quốc gia nhập siêu kéo dài, Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất siêu từ năm 2016. Tính đến năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa đạt thặng dư 4,08 tỷ USD, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP, ổn định tỷ giá và dự trữ ngoại hối.
Bên cạnh các thành tựu, hoạt động xuất khẩu vẫn còn tồn tại những vấn đề lớn như: Tăng trưởng chưa bền vững: Xuất khẩu hiện tại phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI và chịu tác động lớn từ biến động chuỗi cung ứng; khả năng cạnh tranh thấp: Do thiếu nguồn lực lao động chất lượng cao và công nghệ tiên tiến, sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là gia công với giá trị gia tăng thấp; da dạng hóa thị trường hạn chế: Nhiều mặt hàng xuất khẩu vẫn phụ thuộc vào một số thị trường nhất định, gặp khó khăn khi tiếp cận thị trường chất lượng cao; ệ thống logistics yếu kém: Kết cấu hạ tầng và dịch vụ logistics chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển xuất khẩu; tác động từ bảo hộ thương mại: Nhiều nước gia tăng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, khiến hàng hóa Việt Nam đối mặt với thách thức lớn.
Định hướng và giải pháp phát triển xuất khẩu bền vững đến năm 2030:
Một là, tăng cường năng lực nội tại: Đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ, chuyển đổi số, và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Hai là, đa dạng hóa thị trường: Tăng cường tiếp cận các thị trường tiềm năng và giảm phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống.
Ba là, phát triển sản phẩm giá trị gia tăng cao: Chú trọng sản phẩm chế biến sâu, có hàm lượng công nghệ và chất xám lớn.
Bốn là, hoàn thiện cơ sở hạ tầng logistics: Đầu tư mạnh vào kết cấu hạ tầng và phát triển dịch vụ logistics để giảm chi phí xuất khẩu.
Năm là,cải cách chính sách: Đơn giản hóa thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn và thị trường quốc tế.
Với những giải pháp phù hợp, xuất khẩu hàng hóa sẽ tiếp tục là động lực chủ chốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hội nhập quốc tế của Việt Nam trong những thập kỷ tới./.