Xuất khẩu hậu Covid-19: Doanh nghiệp cần vai trò 'bà đỡ' của Nhà nước
Xuất khẩu của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2020 vẫn chưa thoát khỏi 'bóng đen' Covid-19. Để có 'cửa sáng' trong các tháng còn lại của năm nay cho các doanh nghiệp xuất khẩu thì còn nhiều việc phải làm, nhất là cần vai trò hỗ trợ từ phía Nhà nước trong việc kết nối thị trường quốc tế.
Ở một cuộc xúc tiến thương mại của nhóm doanh nghiệp (DN) xuất khẩu (XK) giày dép Việt Nam tại thị trường Mỹ mới đây, ông Matt Priest, Chủ tịch Hiệp hội các nhà phân phối và bán lẻ giày dép Mỹ (FDRA) có nói với các DN Việt là thị trường giày dép ở Mỹ từ nay đến cuối năm sẽ có xu hướng giảm tương tự do với nhu cầu thị trường đã sụt giảm từ tháng 1 cho tới tháng 5/2020 do ảnh hưởng dịch Covid-19.
Da giày, dệt may le lói hy vọng
Mặc dù vậy, việc XK giày dép vào Mỹ không phải là không có “cửa sáng”, có thể hiểu là tình trạng XK sẽ bớt sụt giảm so với khó khăn chung do dịch bệnh. Theo dự báo của ông Matt, kim ngạch nhập khẩu giày dép của Mỹ từ Việt Nam trong những tháng còn lại của năm 2020 so với thời điểm hiện tại dự kiến sẽ đi ngang chứ không tăng hoặc giảm.
Nhất là nếu nhìn lại thời gian qua sẽ thấy mức độ cạnh tranh của giày dép Việt khi kim ngạch nhập khẩu giày dép của Mỹ từ Việt Nam đã giảm do ảnh hưởng dịch Covid-19 nhưng vẫn tốt hơn hẳn so với nhập khẩu từ các nước còn lại.
Chưa kể, XK giày dép của Việt Nam vào thị trường Mỹ đang có lợi thế so với mức thuế mà Mỹ đang áp vào mặt hàng giày dép xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng lên trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Báo cáo tình hình XK trong 5 tháng đầu năm nay của Bộ Công Thương cho thấy Mỹ vẫn là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 24,6 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước.
Riêng với kim ngạch XK giày dép trong 5 năm tháng qua vẫn nằm trong tốp nhóm mặt hàng XK tỷ đô, đã đạt 6,8 tỷ USD, giảm 4,8% so cùng kỳ năm trước.
Trên thực tế, nếu nhìn vào bức tranh chung của hoạt động XK thì việc sụt giảm kim ngạch XK của nhóm ngành giày dép xem ra vẫn còn nhẹ nhàng hơn so với những nhóm ngành khác. Điển hình như ngành dệt may với mức giảm 14,5% so với cùng kỳ năm trước (đạt 10,45 tỷ USD), hay như XK xơ, sợi dệt chỉ đạt 1,3 tỷ USD, giảm đến 21,4%.
XK dệt may của Việt Nam hiện nay vẫn đang tìm “cửa sáng” trong nửa năm còn lại. Tuy nhiên, điều này thực sự không dễ dàng, theo nhà tư vấn hàng đầu thế giới là McKinsey thì ước tính có tới 1/3 công ty thời trang toàn cầu, trong đó có các thương hiệu bán lẻ và trung tâm thương mại tổng hợp sẽ không thể tồn tại sau dịch Covid-19. Cả chuỗi cung ứng phức tạp của ngành thời trang thế giới trị giá lên tới 2.500 tỷ USD cũng đang vỡ vụn.
Trong khi tổng cầu của thế giới trong năm nay ngành dệt may toàn cầu có thể giảm 20 - 25% thì các DN dệt may ở Việt Nam vẫn kỳ vọng các đơn hàng được phục hồi vào quý 3/2020. Nhất là các DN có vị trí tốt hơn trong chuỗi cung ứng có thể sẽ nhận được những đơn hàng mới.
Cần có tinh thần “đi với nhau”
Không chỉ với dệt may, giới chuyên gia cho rằng việc chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 khiến nhiều DN bị nhiều đối tác cắt đơn hàng, XK của Việt Nam càng ngày càng gặp nhiều khó khăn trong quý II/2020.
Đơn cử như XK một số mặt hàng nông, thủy sản cũng gặp nhiều bất lợi trong 5 tháng đầu năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo Bộ Công Thương, kim ngạch XK của một số mặt hàng trong nhóm này giảm so với cùng kỳ năm trước như: Thủy sản đạt 2,8 tỷ USD (giảm 10,3%), rau quả đạt 1,6 tỷ USD (giảm 10,3%), cao su đạt 470 triệu USD (giảm 29,6%), hạt tiêu đạt 309 triệu USD (giảm 17,9%).
Để đi tìm “cửa sáng” cho các DN XK hậu Covid-19, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng lưu ý các DN Việt cần có tinh thần “đi với nhau” trong lúc khó khăn này, đặc biệt là không để đơn vị XK phải “tự bơi” khi tìm đơn hàng mới hay thị trường mới.
Theo ông Dũng, việc khai thác các “sân chơi mới” trên thị trường quốc tế hậu Covid-19 vốn dĩ rất rộng từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như FTA Việt Nam - EU (EVFTA) hay Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Vấn đề đặt ra là ai giúp cho DN từ chuỗi sản xuất từ nguyên liệu, sản xuất, làm thương hiệu và XK? Ai sẽ giúp cho chuỗi này kết nối lại có thị trường đúng nơi ?
“Chỉ có nhà nước mới đủ tiềm lực đó, với khả năng thâm nhập nhiều vào các quốc gia nhập khẩu đó và biết được các quốc gia đó có nhu cầu nhập khẩu những mặt hàng nào. Chẳng hạn thông qua Bộ Công Thương hay những đoàn xúc tiến thương mại để mang về những đơn đặt hàng mới, để xem lại là thị trường đang cần những sản phẩm đó”, ông Dũng nói.
Điều quan trọng là dựa trên cơ sở năng lực XK của phía DN cũng như tạo ra những áp lực về mặt tiêu chuẩn XK để DN đáp ứng thì đầu ra ở thị trường quốc tế hậu Covid-19 sẽ bền vững.
Về phía Bộ Công Thương, một trong những giải pháp trọng tâm mà họ đưa ra để thúc đẩy XK trong các tháng tới đây chính là cần xây dựng kịch bản khai thác, phát triển thị trường theo các nhóm ngành hàng có lợi thế, đặc biệt là sang thị trường EU và các thị trường mà Việt Nam đã có FTA.