Xuất khẩu - Hướng đi an toàn và bền vững cho nông nghiệp Tây Ninh

Việc đẩy mạnh xuất khẩu nông nghiệp sẽ giúp Tây Ninh nâng cao giá trị sản phẩm, tạo thu nhập ổn định cho nông dân và đóng góp tích cực phát triển kinh tế của tỉnh.

Tây Ninh - tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ của Việt Nam từ lâu đã nổi tiếng với các sản phẩm nông nghiệp đa dạng và phong phú. Từ cây cao su, cây mía, đến cây sắn và các loại trái cây, nông nghiệp Tây Ninh đã đóng góp quan trọng vào nền kinh tế địa phương.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và biến đổi khí hậu, việc tìm kiếm những hướng đi bền vững và an toàn cho ngành nông nghiệp tỉnh nhà trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Trong đó, xuất khẩu được coi là chiến lược then chốt, giúp nâng cao giá trị sản phẩm và bảo đảm sự phát triển dài hạn cho nông nghiệp Tây Ninh.

Xuất khẩu - lợi thế cạnh tranh của nông nghiệp Tây Ninh

Trong những năm gần đây, nông nghiệp Tây Ninh có những bước tiến đáng kể trong việc phát triển diện tích và năng suất cây trồng. Các cây công nghiệp như cao su, mía, sắn tiếp tục chiếm ưu thế, mang lại nguồn thu lớn cho tỉnh. Ngoài ra, các loại cây ăn quả như mãng cầu, chuối... cũng bắt đầu chiếm lĩnh thị trường, không chỉ trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu.

Thiết bị cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ tiên tiến tại một nông trường trồng mía tại Tây Ninh. (Ảnh: An Khang)

Thiết bị cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ tiên tiến tại một nông trường trồng mía tại Tây Ninh. (Ảnh: An Khang)

Tuy nhiên, nông nghiệp Tây Ninh đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Khí hậu biến đổi khó lường, đất đai bị suy thoái do canh tác liên tục và việc sử dụng phân bón hóa học quá mức là những vấn đề đáng lo ngại. Thêm vào đó, giá cả nông sản trên thị trường quốc tế biến động không ngừng, khiến cho đầu ra của sản phẩm nông nghiệp không ổn định, ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân.

Việc tập trung vào xuất khẩu không chỉ mở ra thị trường mới mà còn giúp nâng cao giá trị của nông sản Tây Ninh. Các thị trường quốc tế như Hoa Kỳ, châu Âu và Nhật Bản đều có nhu cầu lớn đối với các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao. Điều này đòi hỏi Tây Ninh phải đầu tư mạnh mẽ vào việc cải thiện chất lượng sản phẩm, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong sản xuất và chế biến nông sản.

Đặc biệt, xuất khẩu còn giúp nông nghiệp Tây Ninh gia tăng giá trị gia tăng qua chuỗi cung ứng. Thay vì chỉ bán nguyên liệu thô với giá thấp, các sản phẩm nông nghiệp có thể được chế biến sâu hơn, tạo ra các sản phẩm giá trị cao như tinh bột, nước ép, hay các sản phẩm đóng gói sẵn sàng tiêu dùng. Điều này không chỉ giúp tăng giá trị kinh tế mà còn tạo ra nhiều việc làm cho người lao động địa phương.

Cơ hội và thách thức

Mặc dù xuất khẩu mang lại nhiều cơ hội, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho nông nghiệp Tây Ninh. Thị trường quốc tế yêu cầu rất cao về chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm và các tiêu chuẩn môi trường. Điều này đòi hỏi Tây Ninh phải đầu tư không ngừng vào công nghệ, nâng cao tay nghề cho người lao động và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của các tổ chức quốc tế.

Bên cạnh đó, sự cạnh tranh trên thị trường quốc tế cũng rất khốc liệt. Các quốc gia có nền nông nghiệp phát triển như Thái Lan, Malaysia, hay Brazil đều là những đối thủ đáng gờm. Vì vậy, Tây Ninh cần phải không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh và tìm kiếm những thị trường ngách để phát triển.

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màn của Hoàng Xuân farm tại phường An Tịnh, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. (Ảnh: Phúc Nguyên)

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màn của Hoàng Xuân farm tại phường An Tịnh, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. (Ảnh: Phúc Nguyên)

Tuy nhiên, xuất khẩu cũng mang lại cơ hội lớn để nông nghiệp Tây Ninh chuyển mình. Việc hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) như EVFTA, CPTPP, sẽ giúp sản phẩm nông nghiệp Tây Ninh dễ dàng tiếp cận thị trường quốc tế với thuế suất ưu đãi.

Hơn nữa, sự phát triển của thương mại điện tử toàn cầu cũng mở ra kênh phân phối mới, giúp nông sản Tây Ninh tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng toàn cầu mà không cần thông qua nhiều trung gian.

Xu hướng mới trong phát triển nông nghiệp

Theo ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND Tây Ninh, tỉnh có cơ cấu nông nghiệp chiếm tỷ trọng khá lớn trong cơ cấu GRDP của tỉnh với 19,8%, đóng góp hơn 21.725 tỷ đồng.

Trong những năm gần đây, nông nghiệp của tỉnh đang phát triển, trong đó ngành chăn nuôi vẫn được duy trì và phát triển ổn định.

Tây Ninh xác định phát triển nông nghiệp theo hướng chuỗi giá trị, chất lượng, hiệu quả; chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để mở rộng thị trường hướng đến xuất khẩu, nâng cao hiệu suất và lợi nhuận thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến, tự động hóa, tin học hóa, số hóa và kinh tế tuần hoàn, đang góp phần với cả nước làm thay đổi bộ mặt ngành nông nghiệp, hướng đến phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh.

Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh.

Vừa qua, tỉnh Tây Ninh phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thông, Tập đoàn Hùng Nhơn, Tập đoàn De Heus khánh thành Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Tây Ninh và công bố 7 Dự án đầu tư trọng điểm trong lĩnh vực Nông nghiệp giai đoạn 2025 - 2030; công bố vùng an toàn dịch bệnh tại tỉnh Tây Ninh.

Đặc biệt là kế hoạch xuất khẩu sản phẩm gia cầm sang thị trường Halal thuộc Chuỗi tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Tây Ninh của 2 tập đoàn De Heus và Hùng Nhơn. Đây là một trong những dự án được áp dụng 100% công nghệ cao theo tiêu chuẩn quốc tế của Hà Lan, Đức và Bỉ và phù hợp với quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

"Đây là dự án khởi động cho chuỗi từ tạo con giống, chăn nuôi, chế biến và xuất khẩu thịt gà và đặc biệt là xuất khẩu sản phẩm gia cầm sang thị trường Halal - một thị trường mới, đầy tiềm năng", ông Ngọc nói.

Hoàng Thọ

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/xuat-khau-huong-di-an-toan-va-ben-vung-cho-nong-nghiep-tay-ninh-ar892922.html