Xuất khẩu lao động của Việt Nam hoàn thành 88% kế hoạch năm sau 8 tháng
Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong 8 tháng đầu năm 2023, công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đạt kết quả tích cực. Cả nước đã đưa được 97.234 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt hơn 88% kế hoạch năm 2023.
Hơn 97.000 lao động đi làm việc nước ngoài trong 8 tháng, đạt hơn 88% kế hoạch năm 2023
Nhật Bản tiếp tục là thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất với 47.215 lao động, tiếp theo là Đài Loan (Trung Quốc) với 41.654 lao động, Hàn Quốc 1.944 lao động, Trung Quốc 1.163 lao động, Hungary 1.002 lao động, Singapore 964 lao động, Romania 627 lao động...
Theo số liệu trên Vietnam+, chỉ riêng trong tháng 8/2023, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài là hơn 12.000 lao động. Trong đó, thị trường Nhật Bản vẫn chiếm hơn một nửa số lao động làm việc tại nước ngoài với 6.076 lao động, Đài Loan (Trung Quốc) là 4.698 lao động, Hungary 200 lao động, Singapore 164 lao động, Hàn Quốc 145 lao động, Trung Quốc 139 lao động, Romania 90 lao động...
Còn theo Doanh Nghiệp Việt Nam, hiện có khoảng 580.000 lao động Việt Nam làm việc ở gần 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, phần lớn tập trung ở các thị trường như Nhật Bản với khoảng 250.000 người; Đài Loan (Trung Quốc) khoảng 230.000 người; Hàn Quốc khoảng 50.000 người; còn lại ở các thị trường Châu Âu, Trung Đông và Malaysia.
Năm 2023, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) có kế hoạch đưa 110.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó tiếp tục giữ vững, ổn định các thị trường truyền thống tiếp nhận nhiều lao động như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc.
Đồng thời, khai thác để tăng dần số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc tại một số nước châu Âu, Singapore ở các ngành nghề có việc làm ổn định, thu nhập cao; mở ra thị trường mới ở Australia và Israel.
Nhiều cơ hội cho lao động Việt Nam tại Nhật Bản, Hàn Quốc
Thời gian gần đây, Nhật Bản và Hàn Quốc đang có nhiều chính sách thu hút, tạo điều kiện cho lao động ngoài nước. Trong đó, tháng 6 vừa qua, Chính phủ Nhật Bản đang thực hiện các cải tiến chính sách để người lao động nước ngoài tay nghề cao có thể lưu trú lâu dài và mở rộng nhóm ngành nghề cho Chương trình kỹ năng đặc định số 2.
Với việc mở rộng thêm 9 ngành nghề về chế biến thực phẩm và nhà hàng vào danh sách các ngành nghề không có thời hạn làm việc đối với tư cách lưu trú kỹ năng đặc định, Nhật Bản đã nâng những ngành nghề người lao động nước ngoài có thể lưu trú dài hạn lên 12 ngành, nghề.
Theo Bộ LĐTB&XH, đây là cơ hội để tăng số lượng, tăng quyền lợi, mở ra cơ hội cư trú lâu dài đối với lao động Việt Nam.
Còn về thị trường Hàn Quốc, trong tháng 6, Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Việc làm và Lao động Hàn Quốc Lee Jung Sik đã ký và trao Bản ghi nhớ (MOU) về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (Chương trình EPS).
Hiện nay, Chính phủ Hàn Quốc đang tích cực điều chỉnh chính sách để thu hút nhiều nhân lực nước ngoài như tăng hạn ngạch theo Chương trình EPS, kéo dài thời gian làm việc đối với lao động nông nghiệp thời vụ, mở rộng tiếp nhận nhân lực trong ngành đóng tàu với các điều kiện thuận lợi hơn cho người lao động.
Đối với người lao động Việt Nam, Hàn Quốc là thị trường có thu nhập cao, gần gũi về văn hóa nên thu hút nhiều lao động lựa chọn sang làm việc. Tính đến 1/6/2023 có 48.950 lao động Việt Nam đang làm việc tại thị trường này (tăng 9.300 người so với cùng kỳ năm 2022). Thu nhập bình quân của người lao động từ 1.500 - 2.000 USD/tháng.