Xuất khẩu lao động, hướng mở cho sinh viên trường nghề
Đại diện Công ty CP Xuất nhập khẩu đầu tư VILEXIM tư vấn cho sinh viên Trường cao đẳng Nghề Phú Yên. Ảnh: TRẦN QUỚI
Sinh viên các trường cao đẳng nghề là lực lượng lao động có tay nghề, kỹ thuật tốt. Bên cạnh xu hướng muốn làm việc gần nhà, nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp chọn con đường xuất khẩu lao động (XKLĐ) và hầu hết đều thành công.
Khi nguồn lao động này đi XKLĐ, nhất là ở những thị trường có tiềm năng, họ không chỉ nhận được mức lương xứng đáng mà quan trọng hơn nữa là có cơ hội tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng, bản lĩnh và tác phong lao động ở những nước tiên tiến.
Tăng thu nhập, nâng cao kỹ năng nghề
Với ý nghĩa nói trên, thời gian qua, Trường cao đẳng Nghề Phú Yên luôn nỗ lực kết nối với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và các công ty có chức năng XKLĐ uy tín đến với trường để tư vấn, hỗ trợ các em sinh viên, học sinh sau khi ra trường tham gia thị trường XKLĐ. Trường hợp của Nguyễn Ngọc Thông, cựu sinh viên Trường cao đẳng Nghề Phú Yên là một ví dụ.
Tốt nghiệp THPT, thay vì thi đại học, Nguyễn Ngọc Thông quyết định đăng ký học nghề tại Trường cao đẳng Nghề Phú Yên. Trong suy nghĩ của Thông, thời điểm đó học nghề là lựa chọn phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình và lực học của mình. Khi vào học nghề, hiểu nghề, hiểu nhu cầu xã hội, Ngọc Thông ngày càng thấy yêu thích nghề mình học và khi ra trường em đã chọn con đường XKLĐ. “Em học nghề hàn. Trước khi học, em đã tham khảo ý kiến của thầy cô và các anh chị đi trước về nhu cầu việc làm sau khi ra trường. Năm 2018, sau khi tốt nghiệp, có cơ hội tìm hiểu và được tư vấn từ công ty XKLĐ, em đã thuyết phục gia đình đầu tư vốn để sang Nhật Bản làm việc. Sau 1 năm làm việc, em gửi tiền về để gia đình trả hết nợ vay lúc đầu và có tiền để dành cho mẹ”, Thông chia sẻ.
Theo các chuyên gia về lao động việc làm của ngành Lao động, XKLĐ trong năm 2023 vẫn đang là một xu hướng vì nó giúp người lao động tiếp cận với nguồn thu nhập cao hơn, chất lượng cuộc sống của họ ngày càng được cải thiện. Không chỉ vậy, XKLĐ còn góp phần giảm tỉ lệ thất nghiệp. Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ dân số vàng, nên số người trong độ tuổi lao động cao, lành nghề, phù hợp với tiêu chí XKLĐ. Hiện nhiều thị trường lao động có mức thu nhập cao cho người lao động lựa chọn, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Úc và một số ít các nước châu Âu. Mỗi thị trường sẽ có những yêu cầu, điều kiện và mức thu nhập riêng, người lao động cần tìm hiểu để lựa chọn thị trường lao động phù hợp.
Phối hợp tư vấn, hỗ trợ sinh viên XKLĐ
Mới đây, Trường cao đẳng Nghề Phú Yên phối hợp với một số doanh nghiệp, trong đó có các công ty chuyên về XKLĐ tổ chức chương trình Ngày hội việc làm, kết nối doanh nghiệp, thu hút hơn 500 học sinh - sinh viên chuẩn bị nhận bằng tốt nghiệp và các em năm cuối tham gia. Tại chương trình, hơn 90% sinh viên đã tìm được việc làm. Cũng trong chương trình này, Công ty CP Xuất nhập khẩu đầu tư VILEXIM - chi nhánh tại Bình Định, đã tư vấn cụ thể về XKLĐ sang thị trường Nhật Bản; thông tin chi tiết về thủ tục, quy trình hoàn thiện hồ sơ, giấy tờ để tham gia vào thị trường XKLĐ.
Em Nguyễn Tiến Anh, sinh viên nghề cơ khí hàn khóa trước biết có chương trình tư vấn XKLĐ do trường tổ chức nên đã đến tìm hiểu thông tin và “chốt đơn” XKLĐ sang Nhật Bản. Tiến Anh cho biết: “Em đang làm việc tại Long An, với mức thu nhập cũng khá. Nhưng qua tìm hiểu về chế độ đãi ngộ, công việc làm tại công ty ở Nhật, em quyết định đăng ký. Ngoài mức thu nhập cao, em mong muốn có cơ hội học thêm kỹ năng, nâng cao trình độ tay nghề, mai mốt nếu hết hợp đồng mình có thể về nước với bậc nghề cao hơn, tự tin hơn”.
Theo bà Phạm Thị Thanh Nhung, Trưởng đại diện Công ty CP Xuất nhập khẩu đầu tư VILEXIM - chi nhánh tại Bình Định, hiện nay có khá nhiều thị trường cần lao động, và một trong những thị trường chính mà công ty hợp tác đưa lao động sang là Nhật Bản. Ở đây, chế độ đãi ngộ đối với lao động khá tốt, các công ty uy tín, hiện đại, có thể gia hạn hợp đồng thêm để người lao động tăng thu nhập. “Chi phí cho mỗi trường hợp XKLĐ Nhật Bản là 110 triệu đồng (trọn gói cho việc học ngoại ngữ, bảo lãnh với công ty, các thủ tục xuất cảnh…). Bù lại, mức lương ở đây khá cao, sau khi trừ chi phí ăn uống sinh hoạt, mỗi tháng còn dư khoảng 25 triệu đồng năm đầu, những năm sau khi tay nghề khá, mức dư có thể tầm 40 triệu đồng/tháng”, bà Nhung chia sẻ.
Ông Nguyễn Hùng Anh, Trưởng phòng Đào tạo - Công tác sinh viên (Trường cao đẳng Nghề Phú Yên) cho biết: XKLĐ là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người lao động. Hàng năm, nhà trường kết nối với các trung tâm dịch vụ việc làm, công ty tư vấn XKLĐ để tư vấn trực tiếp cho các em chuẩn bị nhận bằng tốt nghiệp, sinh viên năm cuối. Từ năm 2018 đến nay, 29 sinh viên của trường XKLĐ qua kênh này. Tất cả đều thành công.
Hiện số lượng học sinh sinh viên có nghề tham gia vào thị trường XKLĐ từ các cơ sở đào tạo nghề vẫn chưa xứng với tiềm năng thực tế. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc sinh viên và phụ huynh chưa hiểu đúng, hiểu đủ về những lợi ích của việc đi XKLĐ, thiếu kiến thức về thị trường lao động ngoài nước để có thể tự lựa chọn cho mình hướng đi phù hợp, hiệu quả.