Xuất khẩu lao động: Hướng tới thị trường chất lượng cao
Năm 2023, xuất khẩu lao động (XKLĐ) của tỉnh Bắc Giang vượt kế hoạch đề ra. Đây là nỗ lực của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) phối hợp với các địa phương tập trung khai thác một số thị trường mới, hướng tới thị trường chất lượng cao.
Anh Vũ Văn Thao (SN 1985) ở thôn Bảy, xã Cảnh Thụy (Yên Dũng) từng làm nghề sửa chữa xe máy tại nhà. Cửa hiệu vắng khách, thu nhập bấp bênh trong khi hai vợ chồng nuôi con nhỏ, đời sống khó khăn. Ba năm trước, được các tổ chức hội, đoàn thể địa phương giới thiệu chương trình đi XKLĐ tại Hàn Quốc, anh Thao quyết định học tiếng Hàn để “xuất ngoại”. Sang nước ngoài, anh làm nghề vận chuyển vật liệu xây dựng với mức lương 35 triệu đồng/tháng.
Ông Vũ Văn Thơ, bố anh Thao cho biết: “Đi làm việc ở nước ngoài, con tôi đã để dành được tiền gửi về cho vợ con cải thiện cuộc sống, xây dựng nhà ba tầng kiên cố”. 25 hộ cùng ngõ với gia đình anh Thao thì 20 hộ có người thân đi XKLĐ; một số gia đình có 2-3 người cùng làm việc ở nước ngoài.
Bà Hoàng Thị Hương, Trưởng thôn Bảy cho hay: Thôn có 288 hộ, khoảng 30% số hộ có người đi làm việc ở các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)... với mức thu nhập từ 25-35 triệu đồng/người/tháng. Một số người tay nghề tốt đã tiếp cận với những thị trường mới như Cộng hòa Liên bang Đức, Australia, có thu nhập từ 80-100 triệu đồng/tháng. Công tác XKLĐ được thực hiện hiệu quả tại xã Cảnh Thụy, bình quân mỗi năm có 30-35 người đi lao động ở nước ngoài.
Toàn xã hiện có hơn 500 người đi XKLĐ. Hằng năm, lượng kiều hối chuyển về gần 200 tỷ đồng giúp các gia đình cải thiện đời sống, góp phần xây dựng nông thôn mới. Hiện hộ khá và giàu chiếm 72%, hộ nghèo giảm còn 0,95%; nhiều thôn không còn hộ nghèo. XKLĐ cũng đang được đẩy mạnh tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Yên Dũng.
Năm 2023, huyện Lục Nam có 623 người đi làm việc ở nước ngoài, vượt gần 56% kế hoạch, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Địa phương hiện có khoảng 7 nghìn lao động đang làm việc tại nước ngoài. Theo Phòng LĐTBXH huyện, nhờ XKLĐ, người dân có việc làm với thu nhập cao. Tỷ lệ hộ nghèo năm nay giảm còn 1,14%. Một số thôn như: Đoàn Tùng, Lương Ban (xã Đông Phú); Đông Thịnh (xã Tam Dị); Đồng Cống (xã Bảo Sơn); tổ dân phố Nhiêu Thị (thị trấn Đồi Ngô) mỗi thôn, tổ dân phố có hàng trăm người đang lao động ở nước ngoài.
Năm 2023, toàn tỉnh đưa 2,2 nghìn lao động đi làm việc ở các nước, tăng 15% so với năm trước, vượt kế hoạch đề ra. Đến nay, tỉnh Bắc Giang có khoảng 16,5 nghìn người đi XKLĐ, chủ yếu làm việc trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và sản xuất nông nghiệp.
Thông tin từ Sở LĐTBXH, năm 2023, toàn tỉnh đưa 2,2 nghìn người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tăng 15% so với năm trước, vượt kế hoạch đề ra. Đến nay, tỉnh Bắc Giang có khoảng 16,5 nghìn người đi XKLĐ, tập trung nhiều ở các thị trường như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc); bước đầu tiếp cận các nước châu Âu và Australia. Thu nhập của người XKLĐ bình quân đạt khoảng 22-25 triệu đồng/người/tháng.
Thống kê của Ban chỉ đạo XKLĐ tỉnh, thu nhập của người tham gia XKLĐ bình quân đạt khoảng 22-25 triệu đồng/tháng. Theo ông Hoàng Văn Thắng, Trưởng Phòng Lao động - Việc làm (Sở LĐTBXH), bên cạnh các nước truyền thống, ngành tập trung khai thác thị trường mới như một số nước châu Âu và Australia. Vì vậy đòi hỏi lao động phải đáp ứng những yêu cầu khắt khe khi ứng tuyển, nhất là về ngoại ngữ, kỹ năng nghề và kỷ luật làm việc.
Để công tác XKLĐ đạt kết quả cao, các ngành, đơn vị chức năng và địa phương trong tỉnh đã xây dựng kế hoạch, tập trung thực hiện nhiều giải pháp. Các huyện Lục Nam, Yên Dũng, Lục Ngạn chú trọng tuyên truyền những chính sách ưu đãi, định hướng giải quyết việc làm thông qua XKLĐ của Nhà nước giúp người dân hiểu rõ, có lựa chọn phù hợp.
Năm vừa qua, các địa phương, ngành chức năng đã tổ chức nhiều phiên giao dịch, ngày hội việc làm, tạo điều kiện để nhiều doanh nghiệp (DN) giới thiệu, tư vấn về các thị trường lao động cho người dân.
Đồng thời liên tục thông tin về các chương trình tuyển chọn điều dưỡng viên, hộ lý tại Nhật Bản hoặc làm việc trong ngành nông nghiệp, xây dựng, sản xuất - chế tạo, đóng tàu tại Hàn Quốc. Tại huyện Lục Nam, ngay từ đầu năm, phòng chức năng đã chủ động kết nối với 12 cơ sở tư vấn việc làm, XKLĐ; giới thiệu 5 DN đến địa bàn tuyển lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp quan tâm tuyển sinh, đào tạo nâng cao tay nghề cho NLĐ.
Với chủ trương đẩy mạnh XKLĐ để giảm nghèo bền vững, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo XKLĐ tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành chức năng tạo điều kiện và tổ chức cho NLĐ học nghề, vay vốn tại các ngân hàng, hoàn thiện thủ tục pháp lý để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tùy theo khả năng, mỗi địa phương ban hành chính sách hỗ trợ đối với người tham gia XKLĐ. Hằng năm, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã giải ngân cho hàng trăm trường hợp vay vốn để XKLĐ. Nhiều xã, thị trấn quan tâm rà soát, nắm bắt tình hình lao động tại địa bàn để định hướng, giới thiệu đi làm việc ở nước ngoài.
Ông Nguyễn Văn Phú, Phó Chủ tịch UBND xã Cảnh Thụy cho biết: Xã tăng cường thông tin, tuyên truyền với bà con về ý nghĩa đi XKLĐ để phát triển kinh tế, giảm nghèo; định hướng những thị trường có tiềm năng, mang lại thu nhập cao. Cùng đó phối hợp với các DN có uy tín trong và ngoài tỉnh tổ chức hội thảo tư vấn, giới thiệu XKLĐ, đào tạo nâng cao tay nghề, ngoại ngữ cho NLĐ. Tạo điều kiện tối đa để lao động hoàn thiện thủ tục, giấy tờ cần thiết.
Chỉ đạo các hội, đoàn thể phối hợp với ngành ngân hàng tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ hội viên, đoàn viên tiếp cận vốn. Để có nguồn lao động chất lượng cao đáp ứng yêu cầu khắt khe của nhà tuyển dụng nước ngoài, Công ty cổ phần Nhân lực Quốc tế ICO (TP Bắc Giang) tăng cường kết nối với các trường nghề.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty cho biết, đơn vị đã liên kết với Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Bắc Giang, Trường Cao đẳng Công nghệ Việt - Hàn Bắc Giang tổ chức các lớp đào tạo nghề cho thực tập sinh. Qua đó NLĐ có tay nghề vững vàng, kỹ năng tốt, làm việc hiệu quả khi được tiếp nhận.
Năm 2024, công tác XKLĐ tiếp tục được tỉnh, ngành chức năng quan tâm. Theo ông Trần Văn Hà, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH, Sở tiếp tục tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo; làm tốt khâu dự báo về thị trường lao động ở nước ngoài, kịp thời thông tin, định hướng cho lao động của địa phương tham gia thị trường phù hợp.
Phối hợp với đơn vị liên quan, các huyện, TP đề xuất thêm cơ chế hỗ trợ để người lao động dễ dàng tiếp cận vốn vay ưu đãi, có cơ hội tham gia vào các thị trường chất lượng. Tiếp tục mở rộng thị trường lao động ngoài nước gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, kỹ năng nghề, ngoại ngữ, kiến thức pháp luật; ưu tiên đưa lao động đi làm việc ở những thị trường có thu nhập cao, an toàn.
Vi Lệ Thanh