Xuất khẩu lao động trước cơ hội bứt phá
Theo con số của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, mỗi năm, lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc gửi về nước khoảng 3,5 - 4 tỷ USD kiều hối. Hiệu quả từ lao động ra nước ngoài làm việc đang từng ngày thay đổi diện mạo nhiều vùng quê, góp phần không nhỏ vào xây dựng nông thôn mới, an sinh xã hội.
Năm 2023, lĩnh vực xuất khẩu lao động cũng đã ghi nhận kỷ lục mới khi đã đưa được hơn 155.000 lao động ra nước ngoài làm việc. Sự hồi phục thần tốc sau quãng thời gian dài bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19, cộng thêm hàng loạt thị trường mới có thu nhập cao đang được khai phá, xuất khẩu lao động đang kỳ vọng sẽ có sự bứt phá mạnh mẽ thời gian tới.
Đi để có việc làm, thu nhập cao hơn
Một trong những thị trường lớn của xuất khẩu lao động Việt Nam là Nhật Bản, trong năm 2023 cũng đã ghi nhận kỷ lục mới về số người đi làm việc. Theo con số của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, năm 2023 đã ghi dấu số lượng lao động Việt Nam cao nhất từ trước đến nay cả về số lượng người đi hàng năm sang Nhật Bản với khoảng 85.000 người và cả những người đang làm việc tại Nhật Bản khoảng 300.000 người. Việt Nam cũng là nước đứng đầu cả về số lượng sang làm việc hàng năm cũng như tổng số đang làm việc tại Nhật Bản trong 15 nước phái cử thực tập sinh/lao động sang Nhật Bản.
Các thị trường lớn truyền thống khác như: Hàn Quốc (khoảng 10.000 lao động), Đài Loan (khoảng 60.000 lao động) cũng có kết quả rất tích cực. “Để giữ vững và phát huy các thị trường truyền thống, ví dụ như thị trường Nhật Bản không chỉ hợp tác với các bộ, ngành giữa hai quốc gia, hợp tác giữa Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội với Nhật Bản còn mở rộng xuống địa phương của nước bạn như các tỉnh: Chiba, Saitama, Gunma, Kanagawa, Nagano… từ đó sẽ tạo cơ hội nhiều hơn cho những người có nhu cầu sang làm việc tại Nhật Bản”, ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết.
Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, mục tiêu của lĩnh vực đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc hiện không chỉ tập trung vào số lượng mà còn là tập trung vào các thị trường chất lượng, có thu nhập cao. Chính vì thế sẽ tăng cường, mở cửa thêm cơ hội việc làm cho lao động tại các nước châu Âu. Điển hình như: Thị trường Hungary, số lượng lao động sang làm việc tại thị trường này tăng trong dần theo các năm, với con số năm 2023 gần 3.000 người; thị trường Rumania với con số năm 2023 gần 11.000 người… Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết cũng triển khai phát triển các thị trường khác như: Ba Lan, Slovakia, Croatia...
“Nhiều thị trường châu Âu đang có nhu cầu tuyển tuyển lao động Việt Nam. Tuy nhiên, các nước châu Âu có yêu cầu bắt buộc lao động đã có tay nghề, trình độ nhất định. Tuy nhiên, định hướng của chúng ta cũng là đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài không chỉ để kiếm thêm thu nhập mà còn học hỏi kiến thức, kỹ năng và rèn luyện tay nghề, ngoại ngữ. Chính vì thế, kế hoạch nâng cao chất lượng lao động cũng đã được xây dựng, mục tiêu là đạt 80% lao động xuất cảnh đã được đào tạo bài bản ít nhất phải đào tạo 6 tháng trở lên vào năm 2025. Lao động chất lượng cao thì thu nhập cũng sẽ cao hơn. Bên cạnh các thị trường truyền thống thì xu hướng chọn thị trường tốt hơn đang tăng. Nhiều người không chọn đi để có việc làm, mà là để có tương lai khi nguồn thu nhập cao hơn”, ông Liêm chia sẻ.
Động lực bứt phá
Đưa lao động ra nước ngoài làm việc làm lĩnh vực được Đảng, Nhà nước rất quan tâm. Điều này được thể hiện rõ qua việc, Chính phủ mới vừa ban hành Nghị quyết số 225/NQ-CP về Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới. Theo đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến, mở rộng thị trường mới tiếp nhận lao động Việt Nam, trong đó ưu tiên các thị trường có điều kiện làm việc tốt, an toàn và có mức thu nhập cao...
Theo Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam Doãn Mậu Diệp thì Nghị quyết 225/NQ-CP của Chính phủ sẽ là động lực rất lớn để công tác đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc sẽ bứt phá, đạt hiệu quả cao trong thời gian tới. Theo ông Diệp, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến, mở rộng thị trường. Cùng với đó nghiên cứu, hoàn thiện chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề, ngoại ngữ cho người lao động, trong đó ưu tiên nhóm lao động là quân nhân xuất ngũ, người dân tộc thiểu số, hộ nghèo vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
“Như chúng ta đã thấy, nhiều năm qua tỷ lệ lao động ở các vùng khó khăn, các huyện nghèo đi nước ngoài làm việc còn rất thấp. Do đó, các chính sách hỗ trợ sẽ góp phần thúc đẩy lao động ở các vùng khó khăn này tham gia các các chương trình đi làm việc ở nước ngoài, tăng nguồn cung tuyển dụng. Cùng với đó, các yêu cầu của Chính phủ về giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, phát triển và chuẩn hóa các bộ tiêu chuẩn trong giáo dục nghề nghiệp; tiếp cận chuẩn của các nước phát triển trong khu vực ASEAN và thế giới; chủ động đàm phán với bên nước ngoài trong việc công nhận bằng cấp, trình độ kỹ năng nghề, kinh nghiệm làm việc của người lao động sẽ nâng cao chất lượng, uy tín của lao động Việt Nam. Từ đó sẽ thúc đẩy mở rộng các thị trường có thu nhập tốt”, ông Diệp phân tích.
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan cho hay, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, cũng như thúc đẩy phát triển lĩnh vực đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc, thời gian tới Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ chủ động đề xuất đàm phán và ký kết thỏa thuận hợp tác về lao động với các quốc gia, vùng lãnh thổ nhằm tạo cơ sở pháp lý trong công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người lao động. Cùng với đó sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý, bảo hộ công dân, ổn định và phát triển thị trường tại các địa bàn trọng điểm.
“Thông tin công khai, minh bạch về thị trường lao động, thủ tục, điều kiện tiếp nhận lao động và các khoản chi phí đối với người lao động. Đàm phán với bên nước ngoài để tăng cường hỗ trợ chi trả hoặc cắt giảm các khoản phí trong việc tiếp nhận người lao động Việt Nam sang làm việc, hướng đến giảm chi phí cho người lao động để hỗ trợ người lao động. Cùng với đó, quyết liệt thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này”, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho hay.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/xuat-khau-lao-dong-truoc-co-hoi-but-pha-i722188/