Xuất khẩu năm 2025 bước vào chu kỳ biến động mới

Theo các chuyên gia, xuất khẩu hàng hóa năm 2025 sẽ bước vào chu kỳ biến động mới với nhiều ẩn số trên thị trường, đặc biệt là chính sách mới của Mỹ.

Xuất khẩu sang Mỹ đối diện với nhiều thay đổi

Theo Tổng cục Thống kê, trong năm 2024, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng 14,3% so với cùng kỳ, đạt 405,5 tỷ USD từ mức nền thấp, nhờ tăng trưởng ở hầu hết các thị trường xuất khẩu lớn. Sản xuất chế biến vẫn là trụ cột chính, đóng góp gần 85% vào tổng giá trị xuất khẩu.

Báo cáo Chiến lược đầu tư 2025 – Dĩ bất biến, ứng vạn biến do Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT phát hành mới đây nhận định, năm 2024, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam phục hồi 14,3% so với cùng kỳ lên 405,5 tỷ USD từ mức nền thấp trong năm 2023 chủ yếu nhờ gia tăng xuất khẩu các sản phẩm máy móc và thiết bị, linh kiện điện tử cũng như gỗ và sản phẩm gỗ. Mỹ giữ vững vị thế là điểm đến xuất khẩu lớn nhất của hàng Việt. Các sản phẩm máy móc, thiết bị điện tử và gỗ dẫn dắt đà tăng trưởng xuất khẩu.

Các sản phẩm máy móc, thiết bị điện tử và gỗ dẫn dắt đà tăng trưởng xuất khẩu (Ảnh minh họa)

Các sản phẩm máy móc, thiết bị điện tử và gỗ dẫn dắt đà tăng trưởng xuất khẩu (Ảnh minh họa)

Báo cáo của VNDIRECT cũng cho biết, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất và đóng góp chính vào thặng dư thương mại của Việt Nam, cho thấy sự phụ thuộc của ngành xuất khẩu vào nền kinh tế Mỹ. Vì thế, bất kỳ thay đổi nào trong các điều kiện kinh tế và chính sách của Mỹ cũng có thể ảnh hưởng đến kết quả xuất khẩu của Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh những chính sách mới dưới quyền Tổng thống Donald Trump được triển khai dự báo sẽ tiếp tục tác động đến kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này.

Theo đó, VNDIRECT đã đưa ra những kịch bản xuất khẩu máy móc, thiết bị -nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất sang Mỹ dựa theo các kịch bản cơ sở của thuế quan. Kịch bản tiêu cực là tăng thuế 60% đối với Trung Quốc cùng với thuế phổ quát từ 10-20% và Việt Nam bị áp thêm thuế quan; Kịch bản cơ sở là tăng thuế 60% đối với Trung Quốc cùng với thuế phổ quát từ 10 – 20%; Kịch bản tích cực là tăng thuế 60% đối với Trung Quốc mà không áp dụng thuế phổ quát.

VNDIRECT nhận định, với tác động ngắn hạn, xuất khẩu gia tăng khiến các doanh nghiệp Mỹ có thể đẩy mạnh nhập khẩu và tích trữ hàng hóa từ Việt Nam để tránh thuế quan trước khi các chính sách mới có hiệu lực. Đồng thời, hoạt động xuất khẩu cũng sẽ được hưởng lợi từ việc đồng USD mạnh hơn, bù đắp tác động từ thuế quan.

Đối với tác động dài hạn, mức thuế cao hơn đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có thể khuyến khích các công ty Mỹ dịch chuyển chuỗi cung ứng sang Việt Nam, giúp các công ty xuất khẩu của Việt Nam mở rộng thị phần. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng suy yếu cũng khiến giá hàng hóa nhập khẩu đồng loạt tăng do ảnh hưởng của mức thuế mới, có thể khiến lạm phát gia tăng và giảm chi tiêu tiêu dùng tại Mỹ, ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu đối với hàng hóa nhập khẩu.

Trước đó, chia sẻ về vấn đề này tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Công Thương quý IV năm 2024, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương cho biết, Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Năm 2024, Việt Nam cũng là đối tác lớn thứ 8 của Hoa Kỳ, chiếm 4,13% tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này.

Đối với tình hình xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump, ông Trần Thanh Hải thông tin, mục tiêu của ông Donald Trump là giảm thâm hụt thương mại; thúc đẩy sản xuất trong nước và thu hút đầu tư. Trong bối cảnh tự do hóa thương mại toàn cầu, ông Donald Trump lại sử dụng một công cụ cổ điển là thuế quan. Thực tế, ông Donald Trump đã áp thuế cao với hàng hóa từ nhiều thị trường như Trung Quốc, EU…

Trước đây, ảnh hưởng của hàng Việt Nam từ thuế quan của thị trường Hoa Kỳ chưa lớn. Nhưng bước vào năm 2025, Bộ Công Thương đã vạch ra 2 kịch bản. Kịch bản khả quan là Mỹ duy trì chính sách thuế hiện hành đối với hàng Việt Nam. Trong xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng, Việt Nam hoàn toàn có thể đón nhận dòng đầu tư để gia tăng xuất khẩu.

Ở kịch bản thứ hai, nếu tác động thuế quan gắt gao, chặt hơn có thể tác động đến kinh tế toàn cầu, khiến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam có thể ảnh hưởng ít nhiều. Thị trường Trung Quốc - đối tác lớn của Mỹ nếu gặp khó khăn do bị áp thuế cũng sẽ tạo sức ép với nước ta. Đối với kịch bản này, Bộ Công Thương sẽ xem xét báo cáo Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong việc đa dạng hóa thị trường trong thời gian tới.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực sẽ biến động ra sao?

Theo VNDIRECT, những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam dự báo cũng sẽ đối diện với nhiều biến động trong năm 2025. Cụ thể, đối với hàng dệt may, dự báo đơn hàng khả quan trong nửa đầu năm 2025 giữa nhiều biến động.

Xuất khẩu dệt may của Việt Nam tăng 33% so với cùng kỳ, đạt 44 tỷ USD vào năm 2024, hoàn thành mục tiêu. Xuất khẩu trở nên ít phụ thuộc hơn vào thị trường Mỹ, khi các nhà sản xuất Việt Nam tích cực mở rộng ra các thị trường toàn cầu đồng thời duy trì đơn hàng ổn định từ Mỹ.

Mặc dù đối mặt với các thách thức như lạm phát làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng và tồn kho quần áo cao, nhiều nhà sản xuất đã nhận đủ đơn hàng cho quý 1/2025 và đang nhận được các đơn đặt hàng sớm cho quý 2, đảm bảo lượng đơn hàng khả quan trong nửa đầu năm 2025. Nhập khẩu bông và sợi của Việt Nam tăng vọt trong những tháng cuối năm 2024, với mức tăng lần lượt là 14% và 18,2% so với cùng kỳ, cho thấy nguồn cung nguyên liệu sản xuất lớn để đáp ứng nhu cầu tăng cao.

“Chúng tôi kỳ vọng rằng thuế quan cao hơn đối với hàng hóa Trung Quốc sẽ thúc đẩy việc chuyển dịch chuỗi cung ứng sang Việt Nam, giúp các doanh nghiệp có tiếng với khả năng sản xuất đã được chứng minh nhận được lượng đơn hàng lớn hơn. Trong khi đó, giá nguyên liệu đầu vào thấp được kỳ vọng sẽ tiếp tục kéo dài, hỗ trợ biên lợi nhuận duy trì ổn định hoặc cải thiện” – các chuyên gia VNDIRECT nêu rõ.

Đối với mặt hàng cá tra, trong 11 tháng của năm 2024, xuất khẩu cá tra của Việt Nam tăng 10% so với cùng kỳ, đạt 1,8 tỷ USD. Thị trường Mỹ dẫn đầu tăng trưởng nhờ giá cạnh tranh và nguồn cung hạn chế của cá rô phi – sản phẩm thay thế trực tiếp.

Năm 2025, thị trường Mỹ dự kiến tiếp tục là thị trường trọng điểm, nhờ vào tồn kho cá tra thấp trong bối cảnh nhu cầu thủy sản tăng và giá cá rô phi Trung

Quốc tăng mạnh do hạn chế nguồn cung và thuế quan tăng, làm cá tra trở thành sự lựa chọn hấp dẫn hơn.

Bên cạnh đó, giá cá nguyên liệu và cá giống giảm lần lượt 1,3% và 13,7% so với cùng kỳ trong năm 2024, bất chấp đợt tăng giá vào tháng 12. Giá thức ăn chăn nuôi biến động nhẹ và duy trì ở mức thấp. Giá đầu vào ở mức thấp sẽ được duy trì, hỗ trợ biên lợi nhuận gộp và lợi nhuận của các nhà xuất khẩu Việt Nam. Hơn nữa, đồng USD mạnh hơn dưới thời chính quyền Trump có khả năng bù đắp tác động từ thuế quan tăng, hỗ trợ cả khối lượng và doanh thu.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, TS Lê Quốc Phương - Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại - Bộ Công Thương cũng cho rằng, năm 2025, tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa có nhiều khả năng sẽ đạt con số cao hơn năm 2024 nhờ nhu cầu thị trường thế giới tăng trưởng trở lại. Trong đó, dù những chính sách mới của Tổng thống Trump có thể tác động đến tình hình xuất khẩu song dự báo đây vẫn là thị trường lớn nhất của hàng hóa Việt Nam.

Ông Nguyễn Anh Sơn – Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương cho rằng, năm 2025, xuất khẩu hàng hóa sẽ còn đối diện với những biến động thất thường của tình hình thế giới, song Bộ Công Thương đã và đang nỗ lực tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đồng thời tham mưu lãnh đạo Bộ Công Thương hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật theo hướng tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu.

Lan Phương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/xuat-khau-nam-2025-buoc-vao-chu-ky-bien-dong-moi-370490.html