Xuất khẩu ngày 27-29/3: Thương mại Việt Nam-châu Âu bị ảnh hưởng bởi sự cố kẹt tàu ở kênh đào Suez, giá gạo cao nhất trong 9 năm
Giá gạo xuất khẩu lên cao nhất trong hơn 9 năm qua; sự cố kẹt tàu ở kênh đào Suez ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu của Việt Nam; xuất khẩu dệt may tuột dốc, giảm 200 triệu USD... là những tin chính trong bản tin xuất khẩu ngày 27-29/3.
Giá gạo xuất khẩu lên cao nhất trong hơn 9 năm qua
Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), tới ngày 25/3, giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm của Việt Nam tăng lên ở mức 515 - 520 USD/tấn. Đây là mức giá cao nhất kể từ tháng 12/2011 và cao hơn khoảng 5 USD/tấn so với mức 510 - 515 USD/tấn tuần trước.
Thông tin từ một số thương nhân ngành gạo cho thấy nhu cầu mua của khách hàng nước ngoài với gạo Việt Nam đang tăng lên. Có nhiều tàu đang cập cảng TP. Hồ Chí Minh để bốc xếp gạo.
Như vậy, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam vẫn đang cao hơn so với gạo cùng loại của Thái Lan, khi giá gạo xuất khẩu của nước này đang có xu hướng giảm do sự biến động tỷ giá (đồng baht đã giảm 2,9% so với USD kể từ đầu tháng 3).
Hiện tại, giá gạo 5% tấm của Thái Lan được chào bán ở mức giá 500 - 518 USD/tấn, so với 505 - 513 USD/tấn cách đây một tuần.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, từ đầu năm đến ngày 15/3, nước ta xuất khẩu 858.605 tấn gạo, trị giá hơn 470 triệu USD.
Xuất khẩu dệt may tuột dốc, giảm 200 triệu USD
Thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm đến ngày 15.3, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 5,75 tỷ USD, giảm khoảng 200 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng thời điểm này năm ngoái, xuất khẩu dệt may đạt 5,95 tỷ USD.
Đây là điều khá khác biệt trong bối cảnh xuất khẩu của Việt Nam và nhiều nhóm hàng chủ lực đang phục hồi, khởi sắc. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu tính đến giữa tháng 3 năm nay đã tăng 22,7%.
Trong đó, các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực như điện thoại; máy vi tính; máy móc thiết bị… có tốc độ tăng trưởng tỷ lệ đạt 2 con số. Đó là nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt gần 7,2 tỷ USD, tăng tới trên 81% và đã vượt dệt may để trở thành nhóm hàng xuất khẩu lớn thứ ba cả nước.
Theo Tổng cục Hải quan, các thị trường xuất khẩu hàng dệt may chủ lực trong 2 tháng đầu năm đều giảm. Xuất khẩu sang Mỹ (là thị trường dệt may lớn nhất) đạt 2,2 tỷ USD (giảm 3%), chiếm 49% tổng trị giá xuất khẩu hàng dệt may của cả nước. Xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 490 triệu USD, giảm hơn 14%; sang EU đạt 440 triệu USD, giảm 6,6%...
Đáng chú ý, trước đó, báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và thương mại của Bộ Công thương hết tháng 2.2021 lại ghi nhận kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng dệt may, giày dép có sự phục hồi trở lại.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc đạt 4,76 tỷ USD, tương đương cùng kỳ năm trước và kim ngạch xuất khẩu giày dép đạt 3,2 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2020. Năm 2020, xuất khẩu dệt may cả nước cũng chỉ đạt 29,81 tỷ USD, giảm đến 9,2% so với năm 2019.
Sự cố kẹt tàu ở kênh đào Suez ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu của Việt Nam
Theo Bộ Công thương, không chỉ làm tăng giá cước vận chuyển tàu biển, sự cố kẹt tàu ở kênh đào Suez còn có tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với châu Âu.
Theo đó, lãnh đạo Bộ Công thương cho hay năm 2020, Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu với kim ngạch 43,7 tỷ USD và nhập khẩu từ thị trường này 18,5 tỷ USD.
Hai tháng đầu năm 2021, con số xuất khẩu là 7,5 tỷ USD và nhập khẩu 3,1 tỷ USD, tương ứng với tốc độ tăng trưởng 18% và 12%.
Vì vậy, cùng với tình trạng giá cước tàu biển tăng cao do tác động của dịch Covid-19, sự cố này sẽ ảnh hưởng ít nhiều tới hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với khu vực châu Âu. Mức độ ảnh hưởng phụ thuộc vào tiến độ giải phóng tàu Ever Given.
Australia điều tra chống bán phá ống đồng Việt Nam
Ủy ban chống bán phá giá Australia (ADC) vừa thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm ống đồng (copper tube) có xuất xứ từ Việt Nam (vụ việc 580).
Cụ thể, hàng hóa bị điều tra là ống đồng đúc tròn phù hợp với tiêu chuẩn Australia AS 1432, tiêu chuẩn Australia và New Zealand AS/NZ 1571 hoặc tiêu chuẩn Australia AS 1572 với đường kính danh nghĩa bên ngoài từ 9,52mm đến 53,98mm và độ dày danh nghĩa từ 0,71mm đến 1,83mm, bao gồm cả ống mạ.
Hàng hóa được loại trừ khỏi phạm vi điều tra là ống cách nhiệt (thermally insulated copper tube), cuộn ủ (annealed coils), cuộn dây cấp hoặc lớp (layer wound packs/level wound coils) và ống hợp kim đồng (copper alloy tube).
Thời kỳ điều tra bán phá giá là từ 1/1/2020 - 31/12/2020; thời kỳ điều tra thiệt hại từ 1/1/2017. Thời hạn nộp Bản trả lời câu hỏi chậm nhất đến ngày 28/4/2021. Dự kiến, ngày sớm nhất để ban hành kết luận điều tra sơ bộ (PAD) là 21/5/2021.
Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) khuyến nghị hiệp hội và doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu liên quan liên lạc với ADC để đăng ký tham gia và nhận Bản câu hỏi điều tra trong thời hạn quy định; đọc kỹ hướng dẫn, trả lời đầy đủ và nộp Bản câu hỏi điều tra theo đúng thời định dạng và hạn quy định; hợp tác toàn diện với ADC trong suốt quá trình vụ việc diễn ra, bao gồm cả việc điều tra tại chỗ để xác minh các nội dung trong bản trả lời câu hỏi…
Nhờ Covid-19, thủy sản đóng hộp xuất khẩu lên ngôi
Hai tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thủy sản đóng hộp tăng trưởng đột phá, với mức tăng 42%, đạt gần 55 triệu USD. Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thủy sản chế biến đang thay đổi từ sau đại dịch Covid-19.
Theo bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm VASEP, dịch bệnh Covid-19, giãn cách xã hội trong hơn một năm qua khiến cho xu hướng tiêu thụ thủy sản ở các thị trường xuất khẩu của Việt Nam thay đổi khá lớn.
Trong khi thủy sản tươi, sống, đông lạnh điêu đứng vì Covid-19, thì các sản phẩm thủy sản có thời hạn bảo quản lâu, dễ chế biến lại lên ngôi. Trong năm 2020, mức tăng trưởng gần 9% trong xuất khẩu thủy sản đóng hộp của Việt Nam với doanh số trên 331 triệu USD.
Với đà tăng trường trên, trong 2 tháng đầu năm 2021, mức tăng trưởng xuất khẩu thủy sản đóng hộp còn đột phá hơn, tăng 42%, đạt gần 55 triệu USD, chiếm gần 6% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản.
Các loài thủy sản đóng hộp xuất khẩu chủ yếu gồm cá ngừ, cá nục, cá trích, cá sa ba, cá thu đao, ghẹ, tôm… Trong đó cá ngừ đóng hộp, đóng lon và đóng túi chiếm tỷ trọng lớn nhất 66%, thịt ghẹ đóng hộp chiếm 13%, cá nục chiếm 8%, tôm chiếm 1,6%, cá sa ba chiếm gần 2%...
Các sản phẩm cá ngừ đóng hộp, đóng lon gồm các loài cá ngừ vằn, vây vàng, mắt to ngâm dầu, ngâm nước, cắt khúc ngâm muối… Thịt ghẹ chế biến dạng thanh trùng, tiệt trung đóng lon cũng được xuất nhiều sang các thị trường châu Âu, Mỹ, Autralia, Canada, Hongkong (Trung Quốc), Thái Lan…
Hai tháng đầu năm 2021, có 28 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thủy sản đóng hộp, đóng lon và đóng túi ra thị trường thế giới. Top 10 doanh nghiệp xuất khẩu chiếm trên 83% với khoảng 44,5 triệu USD.
Có 55 thị trường nhập khẩu thủy sản đóng hộp Việt Nam 2 tháng đầu năm nay, trong đó top 10 thị trường chiếm trên 84% với trị giá khoảng 45 triệu USD. Mỹ chiếm tỷ trọng lớn nhất (40%) nhờ có doanh số tăng mạnh gần 60% so với cùng kỳ.
Trừ thị trường Đức, các thị trường còn lại trong top 10, như: Nhật Bản, Canada, Ai Cập, Australia, Thái Lan… đều tăng mạnh nhập khẩu cá hộp của Việt Nam.
(tổng hợp)