Xuất khẩu nông lâm thủy sản: Cơ hội bứt phá từ đa dạng hóa thị trường, sản phẩm
Việt Nam đang đẩy mạnh đàm phán mở cửa thị trường với các đối tác tiềm năng để đa dạng hóa thị trường và sản phẩm xuất khẩu nông lâm thủy sản, tạo nên cơ hội bứt phá cho nông sản Việt Nam.

Xuất khẩu càphê ghi nhận mức tăng đột biến 51,1% nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng vọt lên 5,698 USD/tấn (tăng 67,5%). (Ảnh: PV/Vietnam+)
Dù tăng trưởng, song xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam trong những tháng đầu năm gặp không ít thách thức, đặc biệt là chính sách thuế quan từ Hoa Kỳ (thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam) đang tạo sức ép không nhỏ lên đà tăng trưởng xuất khẩu toàn ngành.
Theo các chuyên gia, việc phát huy hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, xúc tiến mở cửa các thị trường tiềm năng sẽ là giải pháp giúp ngành nông nghiệp bứt phá, đạt mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản 65 tỷ USD.
Xuất khẩu nông sản duy trì đà tăng trưởng
Trong 4 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 21,15 tỷ USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó nông sản đạt 11,6 tỷ USD, tăng 11,7%; lâm sản đạt 5,56 tỷ USD, tăng 11,2%; thủy sản đạt 3,09 tỷ USD, tăng 13,7%; sản phẩm chăn nuôi đạt 178 triệu USD, tăng 16,8%; đầu vào sản xuất đạt 722 triệu USD, tăng 20%.
Ngành nông lâm thủy sản duy trì đà tăng trưởng với 6/10 mặt hàng chủ lực đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Trong đó, hai "ngôi sao" là gỗ và sản phẩm gỗ (5,2 tỷ USD) và càphê (3,78 tỷ USD) chiếm ưu thế tuyệt đối, đóng góp hơn 40% tổng kim ngạch toàn ngành.
Đặc biệt, xuất khẩu càphê ghi nhận mức tăng đột biến 51,1% nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng vọt lên 5,698 USD/tấn (tăng 67,5%), phản ánh thành công trong chiến lược nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu.
Bên cạnh các mặt hàng tăng trưởng tốt, một số mặt hàng đang gặp khó khăn trong xuất khẩu. Mặt hàng gạo chịu "cú đúp" bất lợi khi cả lượng (giảm 14,3%) và giá ( giảm 20%) cùng sụt giảm, nguyên nhân chính đến từ cạnh tranh gay gắt với Ấn Độ và Thái Lan. Tương tự, kim ngạch xuất khẩu rau quả cũng giảm 14,2%.
Sự dịch chuyển mạnh mẽ sang các thị trường cao cấp thể hiện rõ khi xuất khẩu sang châu Âu tăng trưởng 37,7% (đạt 3,48 tỷ USD) nhờ lợi thế từ EVFTA. Đáng chú ý, châu Phi - thị trường mới nổi - ghi nhận mức tăng kỷ lục 78,4% dù quy mô còn khiêm tốn (648 triệu USD), mở ra triển vọng đa dạng hóa. Xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm sang khu vực châu Mỹ đạt 4,83 tỷ USD, tăng 12,6% và châu Á vốn là thị trường truyền thống đạt 8,82 tỷ USD, giảm nhẹ 1,3%.

Chế biến thủy sản để xuất khẩu. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Trong 4 tháng đầu năm, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu dẫn đầu khi chiếm 20,5% tổng kim ngạch, tiếp theo là Trung Quốc chiếm 17,1%. Sự phụ thuộc vào hai thị trường lớn là Hoa Kỳ và Trung Quốc (chiếm gần 40% tổng xuất khẩu) tiềm ẩn rủi ro khi các nước này thay đổi chính sách nhập khẩu hoặc áp dụng biện pháp bảo hộ.
Mở cửa các thị trường tiềm năng
Để giảm bớt áp lực cho xuất khẩu nông lâm thủy sản, Việt Nam đang đẩy mạnh đàm phán mở cửa thị trường với các đối tác tiềm năng. Với châu Âu, EVFTA tiếp tục được tận dụng để đẩy mạnh xuất khẩu sang cho nông sản Việt.
Trong tháng 5/2024, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp chuẩn bị, tổ chức Đoàn công tác về thúc đẩy hợp tác, tiếp cận thị trường và thúc đẩy xuất nhập khẩu nông sản sang thị trường châu Âu, trọng điểm là Anh và Đức.
Đức là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU), đặc biệt trong lĩnh vực thương mại nông nghiệp. Kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực vào tháng 8/2020, kim ngạch thương mại nông lâm thủy sản giữa hai nước đạt tăng trưởng ổn định. Riêng năm 2024, xuất khẩu nông lâm thủy sản từ Việt Nam sang Đức đạt 1,3 tỷ USD (tăng 32% so với 2023).
Trong tháng 5/2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam đã phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức, Liên hiệp Kinh doanh Nông sản Đức (GAA) tổ chức Tọa đàm "Kết nối thương mại nông lâm thủy sản Việt Nam - Cộng hòa Liên bang Đức." Trong khuôn khổ tọa đàm, các hiệp hội, doanh nghiệp Việt Nam và Đức đã tích cực thảo luận, chia sẻ thông tin về nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng và các quy định trong xuất nhập khẩu và kinh nghiệm xuất khẩu hàng rau quả, nông sản, thủy sản, sản phẩm thịt vào chuỗi siêu thị của Đức.

Gạo chất lượng cao của Việt Nam xuất khẩu sang EU. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam Trần Thanh Nam đã đề nghị các hiệp hội của Đức định kỳ hàng năm tổ chức hoạt động kết nối với các doanh nghiệp, hiệp hội phía Việt Nam để xúc tiến và quảng bá, phát triển thị trường tiêu thụ cho sản phẩm của Đức.
Phía Việt Nam sẽ hợp tác với hiệp hội của Đức để tổ chức đưa đoàn doanh nghiệp tham gia tại các sự kiện xúc tiến thương mại. Từ đó quảng bá thương hiệu sản phẩm nông lâm thủy sản Việt Nam thông qua các hội chợ, triển lãm thương mại, khảo sát thị trường, nghiên cứu nhu cầu thị hiếu...tại thị trường Đức.
Không chỉ tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường tại Đức, Bộ Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam đã đến Anh làm việc với Bộ Môi trường, Thực phẩm và Các vấn đề Nông thôn Vương Quốc Anh để xúc tiến thương mại cho nông sản Việt Nam.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Môi trường, Thực phẩm và Các vấn đề Nông thôn Vương Quốc Anh Daniel Zeichner nhất trí rằng đây là thời điểm thuận lợi để hai nước đẩy mạnh thương mại nông sản. Hai bên cần xem xét mở cửa thị trường mạnh mẽ hơn đối với các mặt hàng nông sản Việt Nam.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Môi trường, Thực phẩm và Các vấn đề Nông thôn Vương Quốc Anh lưu ý để hiện thực hóa mục tiêu này tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm sẽ là yếu tố then chốt.
Trên cơ sở Bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đã được hai Bộ ký kết tháng 11/2022, hai Bộ sẽ phối hợp xây dựng kế hoạch hành động, với trọng tâm về lĩnh vực kiểm soát an toàn thực phẩm, nhằm cụ thể hóa các cam kết đã ký trong Bản ghi nhớ.
Chia sẻ về giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến cho biết Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ, ngành, địa phương, đơn vị liên quan hoàn thiện cơ chế, chính sách và triển khai các giải pháp liên quan đến thương mại hàng hóa. Đồng thời, theo dõi, cập nhật tình hình sản xuất, nguồn cung các sản phẩm nông sản, biến động giá cả, kịp thời tham mưu, điều hành sản xuất kinh doanh phù hợp.
Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ tiếp tục hoàn thiện Đề án “Phát triển hệ thống logistics nhằm nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam đến năm 2030”; ban hành Kế hoạch của Bộ thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ giao về công tác phát triển thị trường nông, lâm, thủy sản nói chung và ngành hàng lúa gạo nói riêng; hoàn thiện báo cáo tình hình diễn biến liên quan đến thương mại nông, lâm, thủy sản giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động./.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có Công điện số 59/CĐ-TTg ngày 8/5/2025 yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung chỉ đạo bảo đảm sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu nông lâm thủy sản trong bối cảnh biến động thương mại toàn cầu.
Trong công điện, Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Ngoại giao chỉ đạo tăng cường xúc tiến thương mại, đàm phán với các nước có thị trường tiềm năng để tiếp tục mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhất là các bạn hàng lớn, có các hiệp định FTA với Việt Nam, đa dạng hóa sản phẩm, chuỗi cung ứng, đồng thời triển khai các chương trình kết nối, tổ chức các tuần lễ nông sản, hội chợ hàng Việt để khai thác tiềm năng thị trường trong nước và các thị trường bên ngoài; chủ động có các biện pháp phòng vệ phù hợp để bảo vệ sản xuất trong nước.
Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu nông lâm thủy sản theo dõi sát thông tin diễn biến thương mại toàn cầu, nhất là chính sách thuế quan của một số thị trường truyền thống để điều chỉnh linh hoạt kế hoạch sản xuất, kinh doanh nhằm chủ động thích ứng linh hoạt, hiệu quả với biến động của thị trường; đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết, đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, hệ thống kho lạnh, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, chế biến sâu, bảo quản nông sản, xây dựng thương hiệu...