Đằng sau sự bùng nổ trở lại của Alibaba, kéo cổ phiếu công nghệ Trung Quốc hồi sinh

Alibaba của Jack Ma đã trở lại đầy mạnh mẽ sau thời gian dài 'ở ẩn', kéo theo sự hồi sinh của hàng loạt cổ phiếu công nghệ Trung Quốc được thúc đẩy bởi AI. Diễn biến này báo hiệu điều gì?

Một gian hàng của Alibaba tại Hội chợ xuất nhập khẩu Trung Quốc lần thứ 136 ở Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, ngày 15/10/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Một gian hàng của Alibaba tại Hội chợ xuất nhập khẩu Trung Quốc lần thứ 136 ở Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, ngày 15/10/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Vào cuối tháng 1, sự xuất hiện đột ngột của ứng dụng trí tuệ nhân tạo DeepSeek do Trung Quốc phát triển đã làm đảo lộn “bữa tiệc thương mại" của Phố Wall, vốn được thúc đẩy bởi kỳ vọng các chính sách của Tổng thống Trump sẽ đưa cổ phiếu Mỹ tăng vọt.

Một phần của tâm lý phấn khích đó là sự nhiệt tình của ông Trump đối với AI. Tổng thống Mỹ đã nhấn mạnh quan điểm này vào ngày 21/1, khi ông đứng cạnh các “ông lớn” Sam Altman của OpenAI, Larry Ellison của Oracle và Masayoshi Son của SoftBank tại Nhà Trắng để giới thiệu dự án cơ sở hạ tầng AI trị giá 500 tỷ USD.

Vài ngày sau, sự xuất hiện của DeepSeek đã khiến thị trường toàn cầu bất ngờ. Mô hình AI tiết kiệm chi phí của công ty này sử dụng chip kém tiên tiến hơn đã gây ra đợt bán tháo gần 600 tỷ USD chỉ riêng đối với cổ phiếu của Nvidia - khoản lỗ vốn hóa thị trường lớn nhất trong lịch sử của công ty.

Và giờ đây, Alibaba bùng nổ trở lại, bao gồm động thái lớn đầu tư mạnh mẽ vào AI, cũng khiến các nhà đầu tư toàn cầu bất ngờ.

Công ty mà Jack Ma đồng sáng lập cho biết họ đang đầu tư hơn 53 tỷ USD vào các trung tâm dữ liệu và các dự án cơ sở hạ tầng AI khác. Trong khi đó, Apple đang kết hợp các dịch vụ AI của Alibaba cho iPhone được bán tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, sự bùng nổ trở lại của Alibaba có thể có lý do lớn hơn: Quyết định của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình "làm cho cổ phiếu Trung Quốc có sức hút đầu tư trở lại", bắt đầu với các nền tảng công nghệ.

Nhà kinh tế học Stenphen Jen, Tổng giám đốc điều hành của Eurizon SLJ Asset Management, cho biết "theo nhiều cách, đây là lời kêu gọi tiếp tục phục hồi trong một thị trường đã suy thoái và không được ưa chuộng từ lâu. Tuy nhiên, để thay đổi, hiện có nhiều lý do hơn để lạc quan hơn về cổ phiếu Trung Quốc và Trung Quốc nói chung".

Nhà sáng lập Alibaba Jack Ma. Ảnh: IRNA/ TTXVN

Nhà sáng lập Alibaba Jack Ma. Ảnh: IRNA/ TTXVN

Đà tăng của Alibaba đã gặp phải sự cố hôm 18/2 - cùng với cổ phiếu công nghệ Trung Quốc nói chung - sau khi Tổng thống Trump kêu gọi giám sát chặt chẽ hơn các công ty nước ngoài được niêm yết tại Mỹ.

Nhưng theo quan điểm của Jen, cổ phiếu Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng vì những lý do bao gồm: nới lỏng các quy định; những dấu hiệu cho thấy lĩnh vực bất động sản cuối cùng đã chạm đáy, từ đó hỗ trợ tâm lý người tiêu dùng tốt hơn; khả năng phục hồi của trái phiếu Trung Quốc và đồng nhân dân tệ; sự đánh giá sai lầm lâu nay về năng lực sản xuất và công nghệ của Trung Quốc; việc định giá rẻ; và dấu hiệu cho thấy thế giới vẫn coi nhẹ các tài sản của Trung Quốc.

Cuộc gặp giữa Chủ tịch Tập Cận Bình với Jack Ma và những nhà sáng lập công nghệ khác vào tuần trước cũng rất ý nghĩa. Kể từ cuối năm 2020, bối cảnh công nghệ của Trung Quốc đã rơi vào tình trạng bế tắc sau chiến dịch chấn chỉnh, bắt đầu với gã khổng lồ công nghệ tài chính Ant Group của Jack Ma.

Khi đó, kế hoạch niêm yết trị giá 37 tỷ USD của Ant đã bị hủy bỏ sau khi Jack Ma chỉ trích Bắc Kinh, cho rằng các nhà hoạch định chính sách không hiểu công nghệ.

Đầu tiên, đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của Ant đã bị hủy bỏ. Vào thời điểm đó, đây dự kiến là đợt chào bán lớn nhất trong lịch sử. Tiếp theo, cơ quan quản lý tài chính của chính phủ Trung Quốc đã xem xét kỹ lưỡng danh sách những gã khổng lồ công nghệ: công cụ tìm kiếm Baidu, công cụ gọi xe Didi Global, nền tảng thương mại điện tử JD.com, công ty giao đồ ăn Meituan và gã khổng lồ trò chơi Tencent, cùng nhiều công ty khác.

Nhưng điều đó dường như đã thay đổi vào tuần trước khi Chủ tịch Tập Cận Bình mời Jack Ma và các tỷ phú công nghệ khác đến một sự kiện báo hiệu sự trỗi dậy trở lại của công nghệ Trung Quốc. Khi thấy Jack Ma ngồi ở hàng ghế đầu và Chủ tịch Tập bắt tay ông, các nhà đầu tư đã đổ xô vào cổ phiếu đại lục với sự nhiệt tình chưa từng thấy trong nhiều năm.

Cảnh tượng này cho thấy "một trong những doanh nhân vĩ đại nhất thế giới" đã "trở lại với sự ủng hộ" - nhà phân tích Bill Bishop, tại Sinocism, cho biết và nói rằng "đó là một tín hiệu đáng khích lệ cho các doanh nghiệp tư nhân".

Nhà phân tích Patrick Pan của Daiwa lưu ý rằng "theo quan điểm dài hạn, chúng tôi có cái nhìn tích cực hơn về triển vọng của thị trường chứng khoán Trung Quốc". Ông cho biết những đột phá công nghệ gần đây của Trung Quốc và sự thay đổi hướng đến doanh nghiệp là "những yếu tố thay đổi cuộc chơi đối với giá cổ phiếu Trung Quốc".

Vào tháng 3/2023, Alibaba đã công bố đợt tái cấu trúc lớn nhất trong lịch sử 26 năm của mình, chia thành 6 đơn vị và tìm hiểu về việc huy động vốn hoặc niêm yết cho hầu hết các đơn vị đó. Vào thời điểm đó, Alibaba cho biết chiến lược này "được thiết kế để mở khóa giá trị cho cổ đông và thúc đẩy khả năng cạnh tranh trên thị trường". Sáu đơn vị bao gồm: bán lẻ điện tử trong nước, thương mại điện tử quốc tế, điện toán đám mây, dịch vụ địa phương, hậu cần và phương tiện truyền thông và giải trí.

CEO của Alibaba khi đó là Daniel Zhang phát biểu: "Thị trường là phép thử tốt nhất và mỗi nhóm doanh nghiệp và công ty có thể theo đuổi hoạt động gây quỹ độc lập và IPO khi họ đã sẵn sàng".

Đây là một mô hình điển hình cho hệ thống kinh tế Trung Quốc khi các nhà quản lý tìm cách ngăn chặn rủi ro và hạn chế xu hướng độc quyền giữa các công ty công nghệ lớn.

Alibaba của Jack Ma rõ ràng là một nơi để bắt đầu. Từ lâu, công ty đã trở thành biểu tượng toàn cầu cho khát vọng công nghệ của Trung Quốc và sự trở lại của họ cho thấy chiến lược hỗ trợ của Bắc Kinh đối với các tỷ phú công nghệ đang vươn cánh.

Daniel Ives, nhà phân tích tại Wedbush Securities, cho biết Alibaba vừa "mang đến một quý chuyển mình", dẫn đầu là mảng kinh doanh đám mây, và động lực AI của họ có thể đại diện cho "bước tiến tiếp theo của tăng trưởng".

Tuần trước, Eddie Wu, CEO hiện tại của Alibaba, cũng nhấn mạnh rằng, AI là "cơ hội để ngành công nghiệp chuyển mình, một cơ hội chỉ xuất hiện một lần trong vài thập kỷ".

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Asia Times)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/dang-sau-su-bung-no-tro-lai-cua-alibaba-keo-co-phieu-cong-nghe-trung-quoc-hoi-sinh-20250225172313376.htm