Xuất khẩu nông sản - Định vị thương hiệu sản phẩm

Đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, tạo uy tín, nâng cao sức cạnh tranh và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm, góp phần gia tăng giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu, tạo thu nhập cho người dân. Chuyển dần từ xuất khẩu ủy thác, xuất khẩu tiểu ngạch sang xuất khẩu trực tiếp, nhằm đa dạng hóa thị trường... là mục tiêu được UBND tỉnh Sơn La xác định trong kế hoạch xuất khẩu sản phẩm hàng hóa của tỉnh năm 2022.

Những tín hiệu vui từ xuất khẩu

Theo thông tin từ Sở Công Thương, hết tháng 12/2021, tỉnh Sơn La có 35 sản phẩm hàng hóa, nông sản chế biến, nông sản quả tươi của tỉnh, gồm: Cà phê Bích Thao, cà phê Phúc Sinh, long nhãn Sông Mã, mắc ca của Công ty TNHH Đạt Thủy, hoa quả sấy của HTX Quyết Thanh... được giới thiệu và bán trên các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước. Các sản phẩm có sản lượng lớn, đạt tiêu chuẩn chất lượng, như: Xoài, nhãn, mận... cơ bản đảm bảo chế biến, tiêu thụ hết. Năm 2021, giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu ước đạt 161,2 triệu USD, tăng 43,66% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó giá trị nông sản, thực phẩm tham gia xuất khẩu đạt trên 150 triệu USD, tăng 44,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Nhà máy chế biến tinh bột sắn của Công ty cổ phần chế biến BHL Sơn La.

Nhà máy chế biến tinh bột sắn của Công ty cổ phần chế biến BHL Sơn La.

Anh Ngô Quang Tuấn, Phó Giám đốc Nhà máy tinh bột sắn, Chi nhánh Công ty CP tinh bột sắn Phú Yên, huyện Mai Sơn, thông tin: Năm 2021, Công ty thu mua 86.500 tấn sắn nguyên liệu, sản xuất được 25.400 tấn tinh bột thành phẩm, đạt 112,8% kế hoạch. Tín hiệu vui, Công ty đã xuất khẩu khoảng 10.000 tấn tinh bột sắn sang Trung Quốc. Sản lượng còn lại đang được lưu kho bảo quản tại Nhà máy và cửa khẩu, dự kiến, sau Tết Nguyên Đán sẽ xuất khẩu sang Trung Quốc. Năm 2022, Nhà máy dự kiến thu mua từ 100.000 đến 120.000 tấn sắn nguyên liệu, sản xuất khoảng 30 đến 32 nghìn tấn tinh bột thành phẩm, tăng 15-20% so với năm 2021. Toàn bộ sản phẩm tinh bột sắn được đối tác bên Trung Quốc đặt hàng, cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm.

Thông tin từ Hội Cà phê Sơn La, năm nay cà phê được mùa, được giá, dù đã vào cuối vụ nhưng cà phê quả tươi vẫn được thu mua với mức giá trung bình gần 12.000 đồng/kg; nhiều đơn vị thu mua, chế biến cà phê tiếp tục mở rộng thị phần tiêu thụ trong và ngoài nước. Ông Nguyễn Xuân Thao, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Cà phê Bích Thao, xã Hua La, thành phố Sơn La, chia sẻ: Mỗi năm, HTX cung cấp ra thị trường trong và ngoài nước từ 2.000 đến 4.000 tấn cà phê nhân, 12-15 tấn cà phê bột nguyên chất. Niên vụ 2021-2022, HTX dự kiến giá trị xuất khẩu ước đạt 40 tỷ đồng, trong đó, 95% sản phẩm xuất khẩu sang các nước Đức, Pháp, Mỹ.

Cũng theo ông Thao, cà phê của Sơn La được thị trường thế giới ưa chuộng vì vùng trồng cà phê Sơn La được trao chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Cà phê Sơn La”, trở thành đặc sản vùng miền. Hiện nay, ngoài xuất khẩu cà phê sang thị trường các nước truyền thống, HTX cũng đang chuẩn bị các bước để xuất khẩu cà phê sang thị trường mới tiềm năng, như: Nhật, Hàn Quốc, Australia...

Chuyển dịch dần sang xuất khẩu chính ngạch

Năm 2022, tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, các địa phương trong tỉnh vào cuộc, phấn đấu giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu đạt 174 triệu USD, tăng 7,94% so với năm 2021. Trong đó: Sản phẩm nông sản, thực phẩm tham gia xuất khẩu đạt 162,5 triệu USD, tăng 8,3% so với năm 2021, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn tỉnh, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa và vùng biên giới.

Nhà máy chế biến chanh leo rau củ quả của Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc.

Nhà máy chế biến chanh leo rau củ quả của Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc.

Bà Đỗ Thị Bích Châu, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Sở Công Thương tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn trực thuộc Bộ Công Thương, UBND các tỉnh, thành phố: Lào Cai, Lạng Sơn, Hải Phòng, Quảng Ninh... cung cấp thông tin về thị trường, các quy định, tiêu chuẩn xuất khẩu và tình hình thông quan của các cửa khẩu để hỗ trợ doanh nghiệp, HTX điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp. Từ đó, định hướng tổ chức sản xuất, hỗ trợ tiêu thụ, xuất khẩu nông sản hiệu quả, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương đẩy mạnh tổ chức, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, nhất là hoạt động có ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, như: Hội nghị kết nối giao thương trực tuyến, hội chợ trên môi trường mạng... Nâng cao năng lực đơn vị thu gom, chế biến và tiêu thụ, xuất khẩu; duy trì và mở rộng mạng lưới phân phối, trong đó, tập trung vào thị trường Trung Quốc với các sản phẩm trái cây tươi; mở rộng, phát triển các thị trường tiềm năng, thị trường các nước đã ký kết các hiệp định thương mại tự do với Việt Nam, như: Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước EU...

Đưa sản phẩm nông sản xuất khẩu chính ngạch hiệu quả cao hơn nữa, cùng với việc đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá, các chuyên gia cũng chỉ ra: Tỉnh Sơn La phải tiếp tục làm tốt công tác quy hoạch vùng trồng; duy trì, xây dựng và phát triển các chuỗi nông sản an toàn; đầu tư, nâng cao hệ thống logistics; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nông sản theo chuỗi sản xuất, bao tiêu sản phẩm...

Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, nhiều hiệp định thương mại tự do được đàm phán, ký kết và phê chuẩn; các nước trên thế giới đang thiết lập trạng thái "bình thường mới", đẩy mạnh phục hồi sản xuất, kinh doanh và thích nghi với tình hình dịch bệnh Covid-19... đã tạo tiền đề cho Việt Nam nói chung và tỉnh Sơn La nói riêng duy trì và không ngừng mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm đặc trưng, có lợi thế, chuyển dịch dần từ xuất khẩu ủy thác, xuất khẩu tiểu ngạch sang xuất khẩu trực tiếp.

Minh Thu

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/xuat-khau-nong-san--dinh-vi-thuong-hieu-san-pham-47650