Xuất khẩu nông sản: Nhận diện cơ hội đột phá hậu Covid-19

Với kết quả phòng, chống dịch Covid-19 tốt hàng đầu thế giới, cũng như lợi thế trước những khó khăn trong việc cung ứng hàng hóa của các đối thủ cạnh tranh, cộng thêm tiềm năng do EVFTA mang lại, nông sản Việt tràn đầy cơ hội xuất khẩu đột phá trong thời gian tới.

Hậu Covid-19, với nhiều lợi thế, nông sản Việt tràn đầy cơ hội đột phá trong thời gian tới. (Nguồn: Hanoimoi)

Biến thách thức thành cơ hội

Theo Tổng cục Thống kê, trong 5 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản ước đạt 15,5 tỷ USD, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm 2019. Trung Quốc vẫn là thị trường chiếm thị phần lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 3,7 tỷ USD, giảm 15,5% so với cùng kỳ và chiếm 23,8% thị phần, tiếp đến là Mỹ ước đạt 3,4 tỷ USD, tăng 7% và chiếm 22% thị phần. EU ước đạt 1,6 tỷ USD, giảm 1,1% và chiếm 10,5% thị phần, Nhật Bản đạt gần 1,4 tỷ USD, tăng 3,5%, chiếm gần 9,0% thị phần, ASEAN đạt gần 1,6 tỷ USD, tăng 5,5% và chiếm 10,38% thị phần…

Như vậy, xuất khẩu nông sản đã tăng trưởng âm do tác động của dịch Covid-19. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho biết, do dịch Covid-19, nhiều mặt hàng dù đã có hợp đồng ký kết nhưng không thể xuất khẩu được. Đặc biệt, các thị trường chính của nông sản Việt như: Mỹ, EU, Nhật Bản… vẫn đang trong quá trình khống chế, khắc phục bệnh dịch.

Ngoài thách thức từ dịch bệnh, xuất khẩu nông sản Việt Nam còn chịu ảnh hưởng từ xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn và tác động của biến đổi khí hậu với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Bên cạnh đó, các nước nhập khẩu gia tăng áp dụng các biện pháp bảo hộ, hàng rào kỹ thuật, các quy định mới về truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm ngày càng cao hơn. Tất cả các yếu tố trên làm cho sản xuất, xuất khẩu nông sản Việt đứng trước những rủi ro.

Năm 2020, toàn ngành đặt mục tiêu xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 42 tỷ USD. Bộ NN&PTNT nhận định, mục tiêu này là thách thức rất lớn và muốn đạt thì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc phải tăng trưởng 10%; thị trường ASEAN tăng 9%; thị trường khác cũng phải tăng 9% để bù đắp sự sụt giảm của thị trường Mỹ, EU thời gian qua.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế, chuyên gia nông nghiệp cũng cho rằng, nông sản Việt hoàn toàn có thể biến thách thức Covid-19 thành cơ hội phát triển, đặc biệt là thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu những tháng cuối năm 2020.

Thứ nhất, với kết quả phòng, chống dịch Covid-19 tốt của Việt Nam, người dân, doanh nghiệp tin tưởng tiếp tục đầu tư, tham gia sản xuất, sẽ tạo nguồn cung kịp thời cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Đây là lợi thế của Việt Nam trước các đối thủ cạnh tranh như: Ấn Độ, Ecurado, Indonesia hay Thái Lan còn đang vật lộn với các biện pháp phong tỏa, cách ly chống dịch, chưa kịp phục hồi sản xuất để cung ứng ra thị trường thế giới.

Thứ hai, mặc dù chưa thể khống chế hoàn toàn dịch nhưng các thị trường chính nhập khẩu nông sản của Việt Nam như: Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản… bước đầu kiểm soát được dịch. Đặc biệt, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương dự báo, vào cuối quý II đầu quý III/2020, Trung Quốc sẽ tăng nhu cầu nhập khẩu nông sản, nhất là các mặt hàng thực phẩm. Đây sẽ là cơ hội lớn để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản vào thị trường này, bù đắp cho sự thiếu hụt trong những tháng đầu năm. Trung Quốc hiện giảm thuế 80 mặt hàng thực phẩm (trong tổng số trên 800 mặt hàng) để thúc đẩy nhập khẩu đáp ứng nhu cầu trong nước.

Sau dịch, thị trường Mỹ cũng sẽ có nhu cầu lớn về các sản phẩm nông nghiệp Việt như: tôm, cá basa. Thị trường EU có nhu cầu về các loại rau quả chế biến, trái cây tươi. Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đã đạt được những kết quả chống dịch rất tích cực nên đang có nhu cầu nhập khẩu nông sản chất lượng cao của Việt Nam.

Xuất khẩu 5 tháng 2020, nhóm nông sản chính ước đạt gần 7,4 tỷ USD, giảm 3,2%; chăn nuôi ước đạt 210 triệu USD, giảm 19,1%; thủy sản ước đạt 2,8 tỷ USD, giảm 11,5%; lâm sản chính đạt 4,2 tỷ USD, giảm 1,9%. Các mặt hàng xuất khẩu tăng bao gồm: Cà phê (tăng 2,2%), gạo (tăng 18,9%), rau (tăng 17,5%), sắn quế (tăng 16,6%), mây tre (tăng 4,7%)...

Tận dụng cơ hội EVFTA, tăng công nghệ chế biến

Theo các chuyên gia kinh tế, để chuẩn bị cho giai đoạn hậu dịch Covid-19, ngành nông nghiệp nói chung và các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản nói riêng cần tính đến việc tận dụng Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) dự kiến sẽ được Quốc hội phê chuẩn và có hiệu lực trong tháng 8, hoàn thành mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 42 tỷ USD trong năm nay và xa hơn nữa là phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu, phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

EU với dân số 508 triệu dân, GDP 18.000 tỷ USD là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai thế giới, với mức chi nhập khẩu hằng năm khoảng 2.338 tỷ USD, trong khi thị phần xuất khẩu của Việt Nam ở EU khoảng 2% và với chỉ hơn 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế 0% theo Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Vì vậy, khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, thuế nhập khẩu được xóa bỏ, là cơ hội để doanh nghiệp nông nghiệp Việt đẩy mạnh xuất khẩu nông sản vào thị trường này.

Trao đổi với TG&VN, TS. Nguyễn Minh Phong nhận định, ngành nông nghiệp được dự báo là một trong những ngành hưởng lợi lớn nhất khi EVFTA có hiệu lực. Lúc đó, nhiều mặt hàng của Việt Nam sẽ được giảm thuế về 0% như: gạo tấm, các sản phẩm từ hạt… Đối với mặt hàng rau củ quả, EU cũng cam kết xóa bỏ thuế khi EVFTA có hiệu lực. Đối với thủy sản, khoảng 50% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ, 50% dòng thuế còn lại cũng sẽ được xóa bỏ trong lộ trình 5-7 năm.

Trong tương lai xa, dự báo, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của một số ngành nông sản Việt sẽ tăng đáng kể cho tới năm 2025 nhờ EVFTA, như: gạo (tăng thêm 65% vào năm 2020), đường (8%), thịt lợn (4%), lâm sản (3%), thịt gia súc gia cầm (4%), đồ uống và thuốc lá (5%).

Mặt khác, EVFTA cũng sẽ thu hút các dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, giúp chuyển giao công nghệ, cách thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp, từ đó giúp tăng sản lượng, chất lượng nông sản, giúp nông sản Việt Nam tiến dần tới đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường châu Âu.

Đây cũng là bước đi tất yếu của ngành nông nghiệp Việt để vượt nhiều rào cản như hàng rào kỹ thuật của không chỉ EU về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm, hay vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ… mà còn có cơ hội để phát triển kim ngạch ở các thị trường khó tính khác như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia và các nước Trung Đông.

Đặc biệt, với thị trường chính là Trung Quốc, từ 1/5/2019, nước này đã chấm dứt việc xuất khẩu theo đường tiểu ngạch hàng rau quả Việt Nam và chuyển hướng thực hiện xuất nhập khẩu chính ngạch. Từ đó yêu cầu về chất lượng nông sản nhập khẩu cũng nâng lên. Hiện tại chỉ 9 mặt hàng rau quả của Việt Nam được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, gồm: Thanh long, nhãn, vải, chôm chôm, măng cụt, xoài, mít, chuối, dưa hấu.

Cũng theo ông Phong, việc phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu, phát triển nông nghiệp công nghệ cao cũng phù hợp với mục tiêu của ngành nông nghiệp, đưa công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản Việt Nam “đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới” vào năm 2030, là trung tâm chế biến sâu và logistics nông sản toàn cầu và có đủ năng lực chế biến, đáp ứng yêu cầu của sản xuất nông nghiệp với tốc độ tăng giá trị hàng nông sản qua chế biến sâu đạt 7-8%/năm.

Để làm được điều này đòi hỏi nông dân cần chuyển đổi phương pháp canh tác, chú trọng chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm, khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tăng liên kết với các doanh nghiệp, xây dựng các chuỗi sản xuất từ vườn trồng, chế biến, tìm hiểu thị trường và xuất khẩu. Các ngành hàng cần tiếp tục tổ chức lại sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; tổ chức lại các hiệp hội, ngành hàng để có sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp xuất khẩu, liên kết chuỗi giá trị sản xuất giữa người sản xuất và doanh nghiệp.

Các chuyên gia nhận định, nếu khai thác tốt thế mạnh, làm ra sản phẩm chất lượng, bảo đảm tiêu chuẩn thì không sợ không có thị trường xuất khẩu nông sản thời kỳ hậu Covid-19.

Hoàng Nam

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/xuat-khau-nong-san-nhan-dien-co-hoi-dot-pha-hau-covid-19-116809.html