Xuất khẩu qua Amazon: 'Ngon' nhưng không dễ 'xơi'
Để có thể xuất khẩu các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam ra thế giới qua các kênh thương mại điện tử, các doanh nghiệp như Khánh Trình hay LogoZen đã phải vượt qua rất nhiều thử thách dù nhận được nhiều hỗ trợ từ các nền tảng như Amazon.
Sau vài năm bán trực tuyến và phân phối qua các đại lý tại các thành phố lớn của Việt Nam, năm 2015, ông Lê Nguyễn Khánh Trình, Giám đốc Công ty CP Khánh Trình lên kế hoạch tăng khai thác tiềm năng sản phẩm xà đơn xếp bằng cách bán hàng trên website thương mại điện tử toàn cầu.
Bước đi đầu tiên của ông là bán buôn qua sàn thương mại điện tử Alibaba vì cho rằng xuất khẩu hàng dễ nhất là bán buôn cho các thương hiệu lớn nước ngoài.
Nhưng thực tế không dễ như ông nghĩ. Sản phẩm mới mẻ, chưa có thương hiệu, người mua không biết chất lượng nên khó thuyết phục nhà buôn nước ngoài nhập số lượng lớn.
Các đơn vị buôn sỉ nước ngoài luôn có tâm lý tìm đơn vị giá rẻ và thường so sánh với đơn vị sản xuất Trung Quốc vì họ có giá sản xuất và chi phí vận chuyển tốt hơn. Vì vậy, họ chỉ liên hệ hỏi chứ không mua. Dù ông Trình cho lập website quốc tế và đội bán cũng không thành công.
Cuối năm 2016, ông quyết định chuyển từ mô hình B2B sang B2C, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu và tập trung vào chất lượng sản phẩm để bán sản phẩm trực tiếp cho người tiêu dùng cuối. Đầu năm 2017, công ty của ông tiếp cận thị trường Mỹ bằng kênh bán lẻ trực tiếp thông qua website riêng và sàn thương mại điện tử Amazon.
Đây là một bước đi thành công vì Amazon hỗ trợ và cho phép người mua nhận toàn bộ tiền khi hàng kém chất lượng, sai mô tả. Chính sách này thu hút người mua lớn kể cả với thương hiệu mới vì họ tin có đơn vị hỗ trợ quyền lợi.
Sản phẩm xà đơn xếp của Khánh Trình không có tính cạnh tranh quá cao nên người mua vẫn tìm được sản phẩm trên sàn dù ông chưa biết cách chạy quảng cáo.
Sau đó, Khánh Trình tập trung quảng bá những khác biệt của sản phẩm như: chất lượng tốt, thiết kế khác biệt đã đăng ký nhiều nước. Chỉ trong thời gian ngắn, lượng đơn hàng tăng lên nhanh chóng. Công ty này tiếp tục tìm cách giảm phí vận chuyển để tăng lợi nhuận vì chi phí gửi hàng nặng như xà đơn trực tiếp từ Việt Nam cũng như vận chuyển trở lại kho khá cao. Cách giải quyết là tìm các dịch vụ và kho từ quốc gia khác.
Nhờ vậy mà sản phẩm đã có thể đến được với gần 80 quốc gia. Doanh thu đạt mức 3 - 4 triệu USD mỗi năm. Ông Trình cho biết, sắp tới, Khánh Trình sẽ phát triển sâu rộng các thị trường mới như Nhật, Nga, Hàn, Australia...
Ông Trịnh Khắc Toàn, Giám đốc Khu vực phía Bắc của Amazon Global Selling Việt Nam nhận định, phát triển qua kênh thương mại điện tử là một xu hướng không thể đảo ngược và các doanh nghiệp Việt Nam đang có rất nhiều cơ hội với bốn ngành hàng nổi bật gồm thời trang và phụ kiện, đồ chơi và sở thích cá nhân, nội thất và đồ gia dụng, thực phẩm và chăm sóc cá nhân.
Ông Toàn cho biết, năm 2021, số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam có doanh số 100 nghìn USD trên Amazon tăng 18%; số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam có doanh số 500 nghìn USD trên Amazon tăng 53%; số sản phẩm được bán bởi doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tăng 34%...
Ông Toàn cho biết, thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ xóa bỏ sự phức tạp của phương thức xuất khẩu truyền thống và tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng toàn cầu.
Nếu xuất khẩu truyền thống, sản phẩm đi từ nhà sản xuất đến nhà xuất khẩu, rồi đến nhà nhập khẩu, tiếp theo là nhà phân phối, sau đó mới đến nhà bán lẻ trước khi đến tay người tiêu dùng. Trong khi đó, thương mại điện tử xuyên biên giới rút ngắn quãng đường, đi từ chủ thương hiệu hay nhà sản xuất qua nền tảng thương mại điện tử và tới người tiêu dùng.
Thương mại điện tử giúp lược bớt các khâu trung gian, từ đó giúp doanh nghiệp giảm bớt chi phí và tăng lợi nhuận, kiếm soát được thị trường và vòng đời của sản phẩm.
Để nhà bán hàng mới thành công trên các sàn thương mại điện tử như Amazon, ông Toàn gợi ý năm bước chuẩn bị quan trọng gồm: định hướng chiến lược sản phẩm đến khách hàng tiềm năng ở các quốc gia định bán; đa dạng hình thức vận chuyển; lên kế hoạch đầu tư quảng cáo; hoạch định kế hoạch kinh doanh trên Amazon, xây dựng hoặc định vị lại thương hiệu.
Ba lưu ý hàng đầu cho nhà bán hàng khi bắt đầu kinh doanh trên Amazon bao gồm: phải có nhân sự chuyên trách, có chiến lược sản phẩm và thương hiệu, hiểu rõ quy định của thị trường mục tiêu. Trong đó, lưu ý cuối cùng sẽ xác định sự thành bại ngay từ đầu của doanh nghiệp khi đưa hàng ra các thị trường quốc tế.
Không chỉ "màu hồng"
Dường như có rất nhiều “màu hồng” được vẽ nên khi nói về việc các doanh nghiệp tìm được cơ hội khi đưa thương hiệu Việt “xuất khẩu” qua các sàn thương mại điện tử quốc tế như Amazon.
Thế nhưng, theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, không phải doanh nghiệp nào tận dụng thương mại điện tử đều thành công. Thất bại cũng có và tất nhiên là thách thức cũng không ít như cạnh tranh quyết liệt, yêu cầu tiền tài, kỹ năng, chiến lược, quy trình tham gia, dễ đối mặt với rủi ro pháp lý…
Ông Nguyễn Long An, thành lập công ty LogoZen LLC tại Mỹ vào năm 2018. Công ty này chuyên về bán lẻ, phân phối hàng Việt Nam ra thế giới. Hiện công ty có văn phòng tại Mỹ, kho bãi tại Việt Nam, châu Âu... và đang phân phối cho nhiều đối tác bán lẻ và trên sàn thương mại điện tử như Amazon.
Kinh nghiệm kinh doanh tại nhiều quốc gia, vị lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết, doanh nghiệp Việt phải đối mặt với không ít thách thức. Những thách thức này cũng là lý do buộc lòng ông phải thành lập công ty ở Mỹ.
Cụ thể, khi tham gia các sàn thương mại điện tử quốc tế như Amazon, có hàng triệu người bán hàng từ các nơi thế giới. Điều này tạo cuộc canh tranh lớn về giá, nhất là khi hàng Việt Nam phần lớn là hàng giá trị thấp, chưa có thương hiệu so với thế giới. Các doanh nghiệp quốc tế, nhất là Trung Quốc, vẫn bán các sản phẩm nhập từ Việt Nam thậm chí với mức giá thấp hơn vì có lợi thế về chi phí. Các doanh nghiệp Việt phải cạnh tranh với sản phẩm do chính mình sản xuất.
Thứ hai, nếu không lập công ty ở thị trường định kinh doanh thì việc nghiên cứu và cập nhật xu hướng thị trường sẽ rất khó khăn. Dù các sàn thương mại điện tử hiện đã có nhiều công cụ hỗ trợ nghiên cứu nhưng không thể thay thế cảm nhận trong kinh doanh khi được ở gần thị trường, chưa kể việc vận chuyển hàng mất tới 1 - 2 tháng mới đến nơi.
So với Trung Quốc, doanh nghiệp Việt gặp nhiều vấn đề về logistics, nổi bật nhất là việc tàu hàng không đi thẳng Mỹ mà phải qua Trung Quốc. Hàng sản xuất ở Việt Nam nhưng doanh nghiệp Trung Quốc có thể bán với giá rẻ hơn ở thị trường nước ngoài là vì lẽ đó. Ông An cho rằng, hiện nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhưng vẫn còn nhiều khó khăn về thuế, chuyển tiền về phải qua nhiều khâu, bất lợi về tỷ giá...
Cuối cùng, lãnh đạo LogoZen lưu ý, doanh nghiệp cần trang bị năng lực chuyển đổi số để có thể hiểu hết các công cụ đáp ứng được các yêu cầu về kỹ thuật của các sàn thương mại điện tử như Amazon. Các vấn đề khác như bảo vệ thương hiệu, chăm sóc khách hàng, thanh lý hàng tồn…cũng là những vấn đề doanh nghiệp cần lưu ý.