Xuất khẩu quý 1: Các nhóm hàng chủ lực dẫn dắt tăng trưởng
Trong quý 1/2021, nhóm hàng công nghiệp chế biến của Việt Nam đóng góp lớn nhất khi đem về 67,39 tỷ USD, chiếm 87,13% tổng kim ngạch xuất khẩu chung.
Xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục đạt nhiều kết quả nổi bật ngay trong quý đầu tiên của năm 2021. Đáng chú ý, những mặt hàng chủ lực thuộc nhóm công nghiệp chế biến vẫn giữ vai trò động lực chính dẫn dắt tăng trưởng xuất khẩu.
Vượt 2 con số
Theo đại diện Bộ Công Thương, trong tháng 3/2021 xuất khẩu ước đạt 28,6 tỷ USD, tăng 41,6% so với tháng trước và cao hơn cùng kỳ năm vừa qua 19,2%.
Cộng dồn 3 tháng đầu năm nay, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của cả nước ước đạt 77,34 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2020.
Thống kê cho thấy nhóm hàng công nghiệp chế biến có mức đóng góp lớn nhất khi đem về 67,39 tỷ USD trong quý 1 (chiếm 87,13% tổng kim ngạch xuất khẩu chung).
Các mặt hàng có mức tăng trưởng cao trong quý đầu tiên của năm nay gồm: Điện thoại các loại và linh kiện (đạt 14,08 tỷ USD); Máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (đạt 11,96 tỷ USD); Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng (đạt 9,1 tỷ USD)…
Trong khi đó, xuất khẩu của nhóm nông, lâm, thủy sản dù chịu tác động rất lớn của đại dịch COVID-19 song trong quý 1 vẫn thu về khoảng 5,97 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Đáng chú ý, nhiều mặt hàng không chỉ tăng về lượng mà còn tăng cả về kim ngạch.
Đơn cử, xuất khẩu cao su tăng 89,7% về lượng và tăng 16,5% về kim ngạch; Xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn tăng 40,3% về lượng và tăng 53,2% về kim ngạch. Ngoài ra, xuất khẩu thủy sản và rau quả cũng tăng lần lượt 3,3% và 6,1%, đạt 1,69 tỷ USD và 944 triệu USD.
Có thể thấy, góp phần vào mức tăng trưởng cao trong quý 1/2021 là nhờ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) đã được ký kết và thực thi thời gian qua.
Ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết kể từ khi hiệp định thương mại Việt Nam-EU (gọi tắt là EVFTA) có hiệu lực vào tháng 8/2020, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang EU đã dần được cải thiện và tăng 18% trong 3 tháng đầu năm 2021.
Tương tự, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các đối tác trong Hiệp định CPTPP cũng đạt mức tăng trưởng cao trong quý đầu năm, như xuất khẩu sang thị trường Canada tăng 13,7%, Australia tăng 17%, Chile tăng 25,6%, Mexico tăng 12,7%, New Zealand tăng 35,1%...
“Việc tận dụng khá tốt những lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do sẽ là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới,” lãnh đạo Bộ Công Thương thông tin thêm.
Thặng dư thương mại trên 2 tỷ USD
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 75,31 tỷ USD, tăng 26,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 23,8 tỷ USD, tăng 47,3% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là Hàn Quốc đạt 13 tỷ USD, tăng 9,9%; thị trường ASEAN đạt 9,7 tỷ USD, tăng 30,9%; Nhật Bản đạt 5,1 tỷ USD, tăng 4,8%; thị trường EU đạt 4,1 tỷ USD, tăng 19,7%...
Tuy vậy, việc gia tăng nhập khẩu tập trung chủ yếu vào nhóm hàng nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước với kim ngạch đạt 66,1 tỷ USD. Điều này cho thấy các doanh nghiệp đang sẵn sàng cho một chu kỳ kinh doanh mới sau đại dịch COVID-19.
Ông Hồ Lê Hùng, Tổng Giám đốc Tổng công ty Hanosimex cho biết sản phẩm sợi của doanh nghiệp đang xuất khẩu đi các thị trường như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Chile, Nam Mỹ...
“Từ quý 4/2020 đến nay sợi được tiêu thụ tốt trên thị trường. Các nhà máy sợi của Hanosimex được sản xuất đầy công suất. Chúng tôi đã có hợp đồng bán sợi đến tháng 5/2021,” ông Hồ Lê Hùng cho hay.
Còn theo ông Lê Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Chi nhánh sợi Vinatex Nam Định, tình hình sản xuất và bán sợi của Chi nhánh Sợi Vinatex Nam Định từ tháng 12/2020 tốt dần lên. Đến dầu tháng 1/2021 thì thị trường sợi thực sự khởi sắc, doanh nghiệp hiện đã có hợp đồng đến hết tháng 5/2021.
“Hết quý 1/2021, Chi nhánh Sợi Vinatex Nam Định có thể đạt hơn 5 tỷ đồng lợi nhuận và trong quý 2/2021 có thể tăng từ 1,5 đến 2 lần. Số lợi nhuận này tạm bù đắp một phần cho khoản lỗ triền miên suốt hai năm qua,” ông Lê Ngọc Thanh nói.
Với kết quả xuất nhập khẩu như trên, trong quý đầu tiên của năm 2021, Việt Nam tiếp tục xuất siêu 2,03 tỷ USD, qua đó hỗ trợ tích cực cho cán cân vãng lai và cán cân thanh toán tổng thể của nền kinh tế.
Dù vậy, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam dự báo vẫn còn nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhiều chuỗi cung ứng có thể bị gián đoạn, ảnh hưởng tới tình hình xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các nước đối tác.
Cùng với đó, việc chi phí đầu vào như logistics, nguyên liệu nhập khẩu tăng cao cũng ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp, đặc biệt là tình trạng thiếu container rỗng, chi phí vận chuyển tăng cao trong thời gian gần đây khiến nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu gặp khó khăn…
- Xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực trong quý 1/2021:
Để hoàn thành mục tiêu đề ra trong năm nay, Bộ Công Thương đang đẩy mạnh triển khai các hoạt động xúc tiến xuất khẩu, kể cả hình thức trực tuyến để hỗ trợ các doanh nghiệp.
Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị chức năng theo dõi sát tình hình từng thị trường để rà soát, xác định các chủng loại hàng hóa mà các nước đang có nhu cầu nhập khẩu qua đó có thể khai thác, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa.
Với các mặt hàng nông, lâm thủy sản, cơ quan này tiếp tục phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương liên quan để có giải pháp cụ thể, tạo điều kiện cho việc lưu thông, thúc đẩy giao thương và đẩy mạnh xuất khẩu…/.